Đội tuyển Việt Nam: Tháo gỡ áp lực cho HLV Troussier bằng cách nào?

26/05/2023 11:26 GMT+7

Việc huấn luyện đồng thời đội tuyển Việt Nam và U.22 Việt Nam trong tháng 6 tạo ra áp lực không nhỏ với HLV Philippe Troussier.

Lịch trình của HLV Philippe Troussier trong tháng 6 rất bận rộn, khi chiến lược gia người Pháp phải đảm nhiệm vai trò ở cả đội tuyển Việt NamU.22 Việt Nam.

Cụ thể, đội tuyển Việt Nam sẽ tập trung trong khoảng thời gian FIFA Days từ ngày 12.6 đến 20.6, có 1 trận giao hữu với đội tuyển Hồng Kông trên sân Lạch Tray vào ngày 15.6. Cũng trong tháng 6, U.22 Việt Nam sẽ dự giải giao hữu Panda Cup 2023. Tại đây, thầy trò ông Troussier sẽ lần lượt đấu với U.22 Uzbekistan (14.6), U.22 Bahrain (16.6) và U.22 Trung Quốc (18.6).

Đội tuyển Việt Nam: Tháo gỡ áp lực HLV Troussier thế nào? - Ảnh 1.

Đội tuyển Việt Nam: Tháo gỡ áp lực HLV Troussier thế nào? - Ảnh 2.

Cả đội tuyển Việt Nam và U.22 Việt Nam đều có lộ trình riêng

NGỌC DƯƠNG

Như vậy, đội tuyển Việt Nam và U.22 Việt Nam sẽ tập trung gần như cùng thời gian và đá tổng cộng 4 trận giao hữu chỉ trong 4 ngày. Tuy nhiên, trong khi đội tuyển Việt Nam tập luyện và thi đấu trong nước, đội U.22 sẽ lên đường sang Trung Quốc dự giải.

HLV Troussier đang đảm nhiệm cả hai đội tuyển, nhưng với việc trùng lặp thời gian tập luyện và thi đấu trong khoảng thời gian ngắn, nhà cầm quân người Pháp không thể "phân thân", mà sẽ phải san sẻ công việc huấn luyện một đội tuyển cho người khác, còn ông tập trung cho đội bóng còn lại. Hiện chưa rõ HLV Troussier sẽ dành thời gian cho đội tuyển Việt Nam hay U.22 Việt Nam, đồng thời phân công nhân sự ban huấn luyện thế nào để đảm bảo hiệu quả cho cả hai đội tuyển.

Thực tế, tình trạng "giao khoán" đội tuyển quốc gia và đội U.22 cho một HLV trưởng đã diễn ra từ nhiều năm nay, từ thời cố HLV Alfred Riedl đến các HLV ngoại như Henrique Calisto, Falko Goetz, Toshiya Miura, Park Hang-seo, chưa kể cả HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng được giao hai đội tuyển cùng lúc để huấn luyện.

Việc để một HLV thực hiện vai trò "vừa xay lúa vừa bế em" bên cạnh tiết kiệm chi phí, còn giúp HLV xây dựng triết lý chơi bóng đồng nhất cho các cấp độ đội tuyển, thuận tiện hơn khi đánh giá tiềm năng của cầu thủ trẻ để xây dựng lứa kế cận cho đội tuyển quốc gia,... Thành công của HLV Park Hang-seo là minh chứng cho ưu điểm của mô hình này. Sau giải U.23 châu Á 2018 với kỳ tích lọt vào chung kết, ông Park đã đôn lứa U.23 Việt Nam lên thành hạt nhân đội tuyển và dành những kết quả vang dội.

Đội tuyển Việt Nam: Tháo gỡ áp lực HLV Troussier thế nào? - Ảnh 3.

HLV Troussier cần được hỗ trợ đắc lực để đảm đương công việc ở hai đội tuyển

NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, huấn luyện hai đội tuyển cũng có mặt hạn chế, đó là HLV phải phân tán sự tập trung cho hai đội. Khi đội tuyển quốc gia và U.23 cùng tập trung thi đấu, khó khăn lập tức xuất hiện. Hình ảnh HLV Park Hang-seo vừa huấn luyện đội tuyển Việt Nam đá vòng loại World Cup 2022, vừa vất vả đổi sân liên tục để giám sát đội U.23 chuẩn bị SEA Games 30 hồi năm 2019 cho thấy sự quá tải và áp lực rất lớn.

Đấy là còn chưa kể, ông Park có đội trợ lý hùng hậu ở thời điểm còn nắm quyền, sẵn sàng san sẻ công việc. Khi HLV người Hàn Quốc bận dẫn dắt đội tuyển quốc gia, đã có ông Kim Han-yoon tạm quyền ở U.23 Việt Nam. Khi ông Kim Han-yoon nghỉ, trợ lý Lee Young-jin đã thay ông Park trở thành "chủ công" của U.23. Phân công nhiệm vụ rõ ràng là thế, nhưng trong 6 tháng cuối hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo cũng đề xuất được tập trung cho đội tuyển Việt Nam, còn U.23 Việt Nam giao lại cho người khác huấn luyện,...

HLV Troussier sẽ gặp áp lực nhân đôi, bởi cả hai đội tuyển đều có nhiệm vụ quan trọng. Nhà cầm quân người Pháp sẽ dẫn dắt U.23 Việt Nam đá vòng loại châu Á vào tháng 9, rồi cùng Olympic Việt Nam dự ASIAD 19 sau đó ít ngày. Kết thúc ASIAD, ông sẽ trở về huấn luyện đội tuyển Việt Nam thi đấu liên tục ở vòng loại thứ hai World Cup 2026 và Asian Cup 2023, rồi lại cùng U.23 Việt Nam dự vòng chung kết U.23 châu Á 2024 (trong trường hợp vượt qua vòng loại).

Đội tuyển Việt Nam: Tháo gỡ áp lực HLV Troussier thế nào? - Ảnh 4.

Đội tuyển Việt Nam: Tháo gỡ áp lực HLV Troussier thế nào? - Ảnh 5.

Đội tuyển Việt Nam: Tháo gỡ áp lực HLV Troussier thế nào? - Ảnh 6.

HLV Troussier từng áp dụng chiến lược tập luyện xen kẽ đội tuyển và U.22 Việt Nam

HỒNG NAM

Chiến lược gia 68 tuổi đã lường trước khó khăn này. Ông có những "mẹo" để vừa giảm tải công việc cho ban huấn luyện, vừa gắn kết cầu thủ. Ví dụ như đợt tập trung hồi tháng 3, HLV Troussier xếp đội tuyển quốc gia và U.23 Việt Nam tập chung sân, cùng thực hiện chung một giáo án. Đấy là điều hiếm với bóng đá Việt Nam. Quyết định này được ông Troussier lý giải là giúp thành viên đội tuyển và lứa U.23 tự học hỏi lẫn nhau, tăng cường tính đoàn kết,... Dù vậy, huấn luyện cùng lúc số cầu thủ lên tới gần 60 người trên một sân tập, HLV Troussier cùng trợ lý có đảm bảo hiệu quả tập luyện, đánh giá được hết năng lực của từng cầu thủ hay không, đó lại là vấn đề khó nói.

Để đảm bảo thành công ở cả hai đội tuyển, HLV Troussier cần sự hỗ trợ, có thể là về mặt nhân sự với đội ngũ trợ lý đông đảo và tinh nhuệ hơn, hoặc về mặt thời gian phân bổ hợp lý hơn, biết thời điểm nào nên ưu tiên cho đội tuyển nào trước. Sau cùng, HLV người Pháp cần được giao nhiệm vụ hợp lý với bối cảnh. Rõ ràng ai cũng muốn hướng tới đích ngắm cao nhất ở mọi giải đấu, nhưng để ông Troussier không bị quá tải, cần đặt ra mục tiêu và phân bổ sức lực có chọn lọc, nếu không muốn "mất cả chì lẫn chài".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.