Dồn dập sáp nhập ngân hàng

04/05/2015 09:00 GMT+7

Thị trường sáp nhập ngân hàng càng sôi động hơn khi Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho Ngân hàng TMCP phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sáp nhập vào Ngân hàng BIDV.

Thị trường sáp nhập ngân hàng càng sôi động hơn khi Ngân hàng Nhà nước vừa chấp thuận cho Ngân hàng TMCP phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sáp nhập vào Ngân hàng BIDV.

Dồn dập  sáp nhập ngân hàngDongA Bank được cho là sắp sáp nhập với Ngân hàng An Bình - Ảnh: D.Đ.Minh
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng thông báo mua lại toàn bộ cổ phần của NH TMCP Đại Dương (Ocean Bank) với giá 0 đồng, như đã từng mua NH Xây dựng hồi tháng 2.
Lộ diện 7 cuộc “hôn phối”
Theo các chuyên gia tài chính, ở các nước từng có kinh nghiệm sáp nhập NH, các cổ đông lớn của NH yếu kém vẫn được hưởng quyền lợi cổ tức, nhưng trong 3 - 5 năm đầu, không được ứng cử vào HĐQT, đồng thời lượng cổ phiếu của các cổ đông này bị hạn chế một số quyền, chẳng hạn quyền phủ quyết. Theo một chuyên viên tài chính, quy định này nhằm chế tài sự thao túng của cổ đông lớn của tổ chức hậu sáp nhập. Đồng thời cổ đông này phải chịu sự “trừng phạt” vì đã để tổ chức của mình rơi vào yếu kém, và các cổ đông khác phải chịu ảnh hưởng vì sự thao túng (nếu có) của anh.
Trước đó, NHNN có chủ trương là NH SaigonBank sẽ sáp nhập vào Vietcombank. Rồi việc Eximbank hoãn đại hội cổ đông, nhưng với 2 người từ Nam A Bank với tỷ lệ có quyền biểu quyết trên 20% ứng cử vào HĐQT của NH này cũng mở ra khả năng một cuộc sáp nhập.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, NH Đông Á (DongA Bank) đã ký thỏa thuận sáp nhập với NH An Bình và dự kiến NH mới sẽ giữ tên Đông Á. Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongA Bank, cho hay hai bên vẫn đang trong quá trình tìm hiểu. Còn ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM, cho biết đơn vị này chưa nhận được đề án sáp nhập của hai bên.
Trong khi DongA Bank và NH An Bình còn ngại ngần chưa muốn công bố, thì các NH khác đã thỏa thuận đi đến sáp nhập với nhau. Cụ thể, cổ đông NH Vietinbank vừa chấp thuận NH TMCP xăng dầu Petrolimex (PGBank) sáp nhập vào. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, lãnh đạo Vietinbank cho biết đã hoàn thành hợp đồng sáp nhập và dự kiến NHNN sẽ chấp thuận về nguyên tắc vào tháng 6 tới. Sau sáp nhập, tổng tài sản của Vietinbank sẽ tăng thêm hơn 25.000 tỉ đồng, vốn điều lệ tăng thêm 3.000 tỉ đồng lên trên 40.000 tỉ đồng. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa Vietinbank và PGBank dự kiến là 1:0,9, nghĩa là 1 cổ phiếu PGBank đổi được 0,9 cổ phiếu Vietinbank. Theo đó, có 270 triệu cổ phiếu Vietinbank sẽ được phân bổ cho cổ đông PGBank để hoán đổi lấy 300 triệu cổ phiếu PGBank.
Đại hội đồng cổ đông của 2 NH Sacombank và Phương Nam cũng thông qua việc sáp nhập và đang chờ Thống đốc NHNN phê duyệt phương án sáp nhập. NH TMCP phát triển Mekong (MDB) sẽ sáp nhập vào Maritime Bank. Như vậy, trên thị trường đã lộ diện ít nhất 7 cặp NH sáp nhập, hợp nhất và 2 NH bị quốc hữu hóa.
Lo "sếp" NH yếu sang lãnh đạo NH mạnh
Dư nợ tín dụng đạt gần 4 triệu tỉ đồng
Theo NHNH VN, dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tính đến tháng 2.2015 đạt 3,996 triệu tỉ đồng, tăng 25.000 tỉ đồng so với tháng 1. Tín dụng tăng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; vận tải và viễn thông; các hoạt động dịch vụ khác. Tổng phương tiện thanh toán có số dư 5,3 triệu tỉ đồng, tăng 2,49% so với cuối năm trước. Tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 1,84 triệu tỉ đồng, giảm 1,63% so với cuối năm ngoái, tiền gửi của dân cư là 2,589 triệu tỉ đồng, tăng 0,44% so với cuối năm ngoái.
T.Xuân
Trong các cặp NH trên, có những NH có chung sở hữu như Maritime Bank là cổ đông lớn của MDB, hay có những NH yếu kém, đang đối mặt với tỷ lệ nợ xấu cao, từng bị thanh khoản đe dọa sáp nhập vào NH lành mạnh, như Phương Nam Bank và Sacombank, PGBank và Vietinbank... Trong khi các cổ đông NH nhỏ đang vui mừng vì sắp được “đổi đời”, cầm nắm trong tay cổ phiếu có giá trị hơn, thì ở chiều ngược lại, cổ đông của những NH lớn, tài chính lành mạnh lại lo lắng.
Tại Đại hội cổ đông của NH Sacombank, một cổ đông đã chất vấn rằng, ông Trầm Bê, cổ đông lớn và từng nhiều năm ở vị trí dẫn dắt NH Phương Nam, song NH Phương Nam nhiều năm trong tình trạng nợ xấu cao. Nay ông lãnh đạo Sacombank thì liệu ông có thể góp phần đưa Sacombank - NH có vốn điều lệ gấp 10 lần Phương Nam Bank đi đến đâu? Thắc mắc này không phải vô lý bởi trên thực tế, khi sáp nhập với tỷ lệ sở hữu cao, nhân sự của NH nhỏ và yếu kém đắc cử vào vị trí lãnh đạo của một tổ chức tài chính lớn và có hoạt động lành mạnh gần như không gặp phải rào cản kỹ thuật nào. Trong 2 năm qua, không ít vị trí chủ chốt ở Sacombank do nhân sự của NH Phương Nam sang đảm nhiệm, như vị trí phó chủ tịch, tổng giám đốc...
Theo ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, NHNN thanh tra các NH sáp nhập rất kỹ lưỡng, thậm chí đến từng món nợ nhỏ. Nhưng ngược lại, trách nhiệm minh bạch và giải trình của các NH thương mại trong cuộc sáp nhập với cổ đông vẫn còn bỏ lửng. Cụ thể, các tài liệu Đại hội cổ đông các NH hầu như không có tờ trình, thông tin cụ thể về phương án, tỷ lệ sáp nhập, các ưu khuyết điểm, các tồn tại và cách giải quyết nợ xấu hậu sáp nhập...
Tại đại hội Sacombank, các cổ đông chất vấn cổ phiếu NH Phương Nam chỉ có 5.000 đồng trong khi của Sacombank là 18.000 đồng. Nếu sáp nhập, Sacombank phải trích lập dự phòng cho Phương Nam. Vậy ai sẽ bảo vệ cho quyền lợi cổ đông Sacombank? Ông Trầm Bê, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank, trả lời rằng Sacombank sẽ được hệ thống chi nhánh của Phương Nam cùng hơn 4.000 lao động không phải đào tạo. Tuy nhiên, điều mà cổ đông quan tâm là phương án tái cơ cấu, chi phí cho mạng lưới này, sẽ phát triển hay thu hẹp mạng lưới... đều bỏ ngỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.