Sàn thương mại điện tử (TMĐT) mở giao dịch xuyên biên giới làm phong phú lựa chọn cho người dùng Việt, đồng thời mang đến sản phẩm với chi phí rẻ, thời gian giao nhanh chóng. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều nhà bán trong khu vực châu Á, đặc biệt từ Trung Quốc, kết nối với người mua hàng tại Việt Nam thông qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... Những đơn hàng online đang có sức hấp dẫn đáng kể với các khách hàng người Việt.
Anh Trần Nguyên (Hà Nội) từng thử đặt mua phụ kiện cho đồng hồ thông minh và tai nghe qua nhà bán tại Trung Quốc có cửa hàng trực tuyến trên một sàn TMĐT lớn trong nước. Trong vòng 24 giờ sau khi đặt hàng, người bán đã giao cho đơn vị vận chuyển và đơn được xuất khỏi kho thuộc thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) ngay trong đêm. Ngày hôm sau, hệ thống báo đơn hàng đã làm thủ tục hải quan và xuất về Việt Nam.
Sàn thương mại điện tử mở giao dịch xuyên biên giới làm phong phú lựa chọn cho người dùng Việt |
tmx |
"Ba ngày sau tôi nhận được sản phẩm, đóng gói kỹ càng. Toàn bộ phí giao hàng chỉ 10.000 đồng và chờ khoảng 5 - 6 ngày, tính cả thời gian đặt là đã nhận. Trong khi đó khi thử đặt cùng sản phẩm nhưng giá cao hơn ở một cửa hàng tại TP.HCM thì phí vận chuyển hơn 30.000 đồng", anh Nguyên chia sẻ. Từng nhiều lần đặt hàng từ TP.HCM, anh cho biết trước đây thời gian giao nhanh nhất cũng 3 ngày, còn hiện tại có thể 5 ngày hoặc hơn.
Thời gian trên được ghi nhận trong giai đoạn bình thường, trong khi những đợt lễ khuyến mại lớn của các sàn hoặc ngày hội mua sắm trực tuyến thì còn kéo dài hơn. Ánh Tuyết (Hà Nội) mới đây đặt một đôi giày vào đúng dịp "Big Sale" 11.11 trên sàn TMĐT. Hàng được giao đi từ kho tại tỉnh Bình Dương nhưng tới chiều muộn 18.11 mới nhận được hàng.
Chị Tuyết không hài lòng với hành trình 7 ngày của một đơn hàng giao tới Hà Nội - một trong 3 thành phố thuộc tuyến giao vận trọng yếu gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. "Tôi bất ngờ khi hàng giao nội địa tới Hà Nội nhưng còn mất nhiều thời gian hơn một đơn hàng đặt cùng ngày từ Trung Quốc về", chị Tuyết phản ánh.
Theo đại diện một sàn TMĐT lớn tại Việt Nam, sau khi người dùng đặt đơn trên sàn với một nhà bán quốc tế, nhà bán sẽ đóng gói và bàn giao cho đơn vị vận chuyển tại nước sở tại. Hàng sẽ chuyển tới trạm phân loại của bên vận chuyển và đưa ra cửa khẩu để làm thủ tục hải quan. Sau khi được thông quan, đơn hàng tiếp tục chuyển về trung tâm phân loại tại Hà Nội (hoặc TP.HCM đối với các địa chỉ ở phía nam).
"Từ trung tâm phân loại trên, đơn hàng của khách được chia tới các bưu cục chỉ định, sau đó bưu tá sẽ giao tới tận địa chỉ của khách hàng. Thời gian chi tiết sẽ thay đổi tùy thuộc loại hàng, kích thước đóng gói, thời gian thông quan và địa chỉ nhận hàng của khách hàng", vị này cho biết thêm.
Anh Thanh Quý - quản lý kho hàng tại Thanh Trì (Hà Nội) thuộc một đơn vị chuyên nhận đặt hàng từ Trung Quốc về Việt Nam nói: "Thông thường các đơn hàng thuộc diện TMĐT có kích thước nhỏ, giá trị dưới 2 hoặc 3 triệu đồng sẽ được thông quan nhanh nên thời gian từ kho Quảng Châu về Hà Nội chỉ chưa đầy một tuần. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thường chỉ mất 2 ngày cho lộ trình Quảng Châu về Hà Nội".
Giá vận chuyển của đơn vị này đang khoảng 30.000 đồng/kg hàng hóa và giảm dần nếu theo phân loại khách hàng thân thiết của công ty cũng như trọng lượng hàng càng lớn thì càng rẻ. Thậm chí, nhiều tư vấn viên công ty chuyên đặt hàng trực tuyến từ Trung Quốc chào mời mức giá từ 19.000 đồng/kg cho các khách hàng mới. Trong khi đó giá vận chuyển cơ bản của một đơn hàng dưới 500 gram từ Hà Nội tới TP.HCM hoặc chiều ngược lại rơi vào khoảng 30.000 đồng.
Lý giải cho việc đơn hàng online từ Trung Quốc về tới Hà Nội có chi phí rẻ và thời gian giao nhanh hơn so với từ TP.HCM hay vài địa phương khác, anh Ngô Việt, chủ một cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội với nhiều năm kinh nghiệm đặt hàng xuyên biên giới nhận định: "Trung Quốc phát triển TMĐT từ lâu, làm đồng bộ, quy mô và quản lý vô cùng chặt chẽ, hệ thống vận tải của họ cũng rất phát triển. Do vậy, không chỉ nhà bán hàng chuyên nghiệp mà dịch vụ vận chuyển cũng nhanh chóng. Lượng hàng bán đi mỗi ngày trên toàn thị trường ở mức khổng lồ nên chi phí cũng tối ưu hơn so với Việt Nam".
Bình luận (0)