Trình bày kế hoạch phục hồi du lịch của TP, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết TP xây dựng 3 giai đoạn phục hồi ngành du lịch trong điều kiện an toàn, bảo đảm các nguyên tắc an toàn đến đâu mở đến đó, lấy khách nội địa làm chủ đạo và kết nối các tỉnh thành để phát triển du lịch và song song đó là đón khách quốc tế trong năm 2022. Theo đó, có 3 giai đoạn phục hồi du lịch tại TP.HCM bắt đầu từ ngày 1.10 và kéo dài sang năm 2022. Cụ thể, trong tháng 10, mở du lịch nội vùng, tháng 11 - 12 mở thêm du lịch liên tỉnh và từ đầu năm 2022 sẽ mở du lịch quốc tế.
TP.HCM làm tour du lịch Cần Giờ mời y bác sĩ chống dịch Covid-19 |
VŨ PHƯỢNG |
Bà Ánh Hoa nhấn mạnh dữ liệu cho thấy, dịch Covid-19 tại TP đang được kiểm soát tốt, thế nên trong chiến lược phục hồi du lịch, Sở phát động chương trình 100.000 voucher du lịch TP.HCM dành cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19 như lời cảm ơn, lời tri ân. Đáng trân trọng là chỉ trong thời gian phát động chưa tới 1 tuần, chương trình đã nhận được sự ủng hộ lớn từ các doanh nghiệp, cá nhân… với tổng trị giá đợt 1 gần 45 tỉ đồng. Trong đó, Saigontourist trao tặng 15.000 phiếu quà tặng dịch vụ khách sạn và ăn uống trong hệ thống khách sạn nhà hàng Saigontourist với tổng trị giá 30 tỉ đồng; Tập đoàn Vingroup trao tặng sản phẩm du lịch với tổng trị giá 10 tỉ đồng; Ngân hàng Techcombank 5 tỉ đồng; Công ty CP Tập đoàn Masan 3 tỉ đồng và nhiều doanh nghiệp hỗ trợ từ 90 - 300 triệu đồng.
TP.HCM sẽ khôi phục hoàn toàn ngành du lịch vào đầu năm 2022 |
Phục hồi du lịch sẽ kéo các ngành khác phục hồi theo
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho rằng nỗ lực xây dựng sớm kế hoạch phục hồi của ngành du lịch TP là đáng ghi nhận và gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp, cá nhân đã đồng hành hỗ trợ TP trong chương trình có ý nghĩa 100.000 phiếu quà tặng du lịch cho lực lượng tuyến đầu. Trong 2 năm dịch Covid-19, bà Thắng nói du lịch là một trong ngành bị thiệt hại lớn nhất và cần phải nỗ lực để phục hồi. Lợi thế để TP mở lại du lịch là có tỷ lệ tiêm chủng cao so với cả nước, trong đó, lực lượng lao động ngành du lịch của TP tiêm đủ liều đạt 80%.
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của TP, bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh ngành du lịch TP.HCM có tỷ lệ đóng góp vào GRDP của TP từ 10 - 12% trong giai đoạn trước dịch bệnh. Với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác. Dẫn chứng cho sự phục hồi du lịch ở Thái Lan, bà Thắng cho hay tổng thu từ du lịch tính riêng trong tháng 7 năm nay tại Phuket là 828 triệu bath (gần 600 tỉ đồng), nhưng chi tiêu của khách đã giúp tạo ra đến 1,92 tỉ bath (gần 1.300 tỉ đồng) cho nền kinh tế địa phương cả trong và ngoài ngành du lịch. Thế nên, việc xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch TP là cực kỳ cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Từ kế hoạch phục hồi ngành du lịch mà Sở Du lịch trình bày, bà Thắng nhấn mạnh ngành cần đẩy mạnh thiết kế, xây dựng các sản phẩm phù hợp tâm lý, thị hiếu từng phân khúc khách du lịch nội địa trong điều kiện bình thường mới. Thứ hai là yêu cầu các quận huyện và TP.Thủ Đức rà soát, tổ chức lại các điểm tham quan, các tuyến phố, cơ sở dịch vụ lưu trú, mua sắm, ăn uống… theo hướng vừa đảm bảo an toàn, vừa đảm bảo chất lượng và lấy sự hài lòng của du khách làm tiêu chí hoàn thiện. Trước năm 2020, TP.HCM đã liên kết du lịch với 40 tỉnh thành thành công, việc liên kết du lịch giữa các tỉnh thành vẫn được nối lại và tái khởi động. Trước hết là tập trung chọn vùng xanh của các tỉnh thành để kết nối tour, tuyến khép kín và đảm bảo thống nhất các tiêu chí an toàn giữa các địa phương.
Covid-19 sáng 17.10: Cả nước 860.860 ca nhiễm, 790.504 ca khỏi | Tuần sau tiêm vắc xin cho trẻ em |
Kế hoạch phục hồi du lịch TP.HCM theo 3 giai đoạn
Giai đoạn 1 (từ ngày 1.10.2021 - 31.10.2021): Mở du lịch nội vùng và thí điểm du lịch liên tỉnh cho người đang sinh sống và làm việc tại TP, tự đi du lịch hoặc đi theo đoàn đến các điểm tham quan trên địa bàn TP. Các cơ sở lưu trú và điểm tham quan được hoạt động với công suất phục vụ tối đa 50%.
Giai đoạn 2 (từ ngày 1.11.2021 - 31.12.2021): Đẩy mạnh du lịch nội vùng và mở du lịch liên tỉnh. Hoạt động lưu trú và điểm tham quan với công suất tối đa 70% và xem xét mở thêm một số dịch vụ (ăn uống tại chỗ, spa...).
Giai đoạn 3 (trong năm 2022): Khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn TP, đón khách quốc tế và không giới hạn loại hình, quy mô…
Thông tin tại hội nghị, đại diện UBND TP.HCM cũng cho biết TP đã làm việc với các tỉnh vùng Đông Nam bộ gồm Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu để thí điểm các tour du lịch liên tỉnh theo hình thức khép kín từ giữa tháng 10, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Nam Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long để chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2 của kế hoạch phục hồi và đẩy mạnh du lịch nội địa từ tháng 11. Bên cạnh đó, TP cũng chỉ đạo ngành du lịch đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, mô hình ứng dụng công nghệ… để chủ động quảng bá du lịch. Tổ chức và khuyến khích tổ chức các chuyến du lịch cho nhân viên, người lao động, ưu tiên sử dụng trải nghiệm các sản phẩm du lịch của TP…
Bình luận (0)