Đón năm học mới theo xu hướng xanh

Thúy Hằng
Thúy Hằng
31/07/2019 08:20 GMT+7

Không thả bóng bay ngày khai giảng, không dùng bọc sách vở ni lông, thay vào đó là các loại giấy, báo; tìm mua đồ dùng học tập trong các phiên chợ đồ cũ... Đó là những cách học sinh và phụ huynh cùng hưởng ứng một năm học theo xu hướng xanh.

 

Quay lại từ quá khứ

Mỗi chúng ta, dù là ai cũng có thể tạo ra những thay đổi, hãy thay đổi từ chính
thói quen của chúng ta, trước khi làm những gì to lớn hơn

Nhiếp ảnh gia LEKIMA HÙNG

Chị Trương Huỳnh Như Trân, đồng sáng lập Sách Nghé (đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM), vẫn còn nhớ như in những ngày còn ấu thơ, háo hức đi gom những tờ lịch treo tường còn mới, đẹp, hoặc để dành những trang báo còn nguyên vẹn, trước ngày khai trường sẽ ngồi thật lâu cùng với bố mẹ để bọc sách giáo khoa cùng các loại tập, vở. Thói quen bao nhiêu năm tháng ấy, bỗng nhiên mất dấu từ ngày những chiếc bọc ni lông ra đời, nhanh chóng, tiện lợi, sáng choang nhưng tác hại cho môi trường thì vô biên.
Từ năm học mới này, chị Trân bắt đầu lụi cụi cùng con (học sinh lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, Q.Bình Thạnh) tự tay bọc sách vở bằng các loại giấy, bởi muốn con có một năm học xanh hơn, từ những cuốn sách.
“Trẻ con thích nhiều màu sắc, có thể mua các loại giấy gói quà nhiều màu. Trong quá trình mẹ con cùng bọc sách, có thể nói chuyện với con về môi trường, vì sao chúng ta nên dùng giấy, mà không phải ni lông. Đó cũng là cách hay để dạy con rất thực tế”, chị Trân chia sẻ.
 Đón năm học mới theo xu hướng xanh

Huỳnh Thị Phương Thảo tự bọc sách bằng giấy, thiết kế cho những cuốn sách của mình

Ảnh: nhân vật cung cấp

Tẩy chay bọc sách bằng ni lông

Một chiếc túi ni lông cần đến 500 năm để phân hủy

Năm 2018, cả nước có gần 24 triệu học sinh. Nếu 1 học sinh, trong một năm học dùng 50 bọc sách vở bằng ni lông, như vậy một năm học sẽ thải ra 1,2 tỉ chiếc túi ni lông. Trong khi đó, một chiếc túi ni lông cần đến 500 năm để phân hủy.
Phong trào không dùng bao ni lông để bọc sách, vở đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Từ tháng 5.2019, cộng đồng học sinh, giáo viên và phụ huynh tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã thực hiện chiến dịch kêu gọi mọi người không dùng bọc vở bằng ni lông.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, cô Nguyễn Thị Phương, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết đến thời điểm này, gần như 100% học sinh từ khối lớp 2 tới lớp 5 đều hưởng ứng không dùng bọc sách ni lông để bọc sách vở; khối lớp 1 nhà trường cũng đang vận động dần dần để các phụ huynh cùng thay đổi thói quen dùng đồ nhựa.
Cùng với việc chia sẻ cho học sinh về phân loại rác, duy trì lối sống xanh, các học sinh trong trường được các thầy cô hướng dẫn về thu gom pin điện tử từ nhà tới điểm tập kết rác thải điện tử ở trong trường… “Trường tiểu học chúng tôi có gần 3.800 học sinh, như vậy, nếu nói không với bọc sách bằng ni lông, mỗi năm học sẽ cắt giảm được hàng chục ngàn túi ni lông bị thải ra môi trường. Chúng tôi rất vui, vì phong trào này cũng đang dần dần lan tỏa sang nhiều trường học lân cận”, cô Phương nói.

Thay đổi từ chính thói quen của chúng ta

Huỳnh Thị Phương Thảo, cựu học sinh Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng), hiện đang là sinh viên Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết 3 năm học phổ thông đều chọn cách bọc sách bằng giấy. Để cuốn sách vừa bền, đẹp, Thảo chọn loại lịch treo tường khổ lớn vì nhà sẵn có, tiết kiệm tiền, giấy làm lịch cũng là loại giấy cứng. “Tôi bao sách bằng mặt trắng ở ngoài, sau đó lên ý tưởng rồi vẽ theo ý của mình, cuốn sách vừa đẹp, vừa sang, lại ngang túi tiền. Khi tôi làm việc này, bạn bè chưa ai làm cả, nhưng vì tôi muốn giảm thiểu rác thải ni lông. Đến bây giờ, thật vui khi rất nhiều học sinh đang làm giống như tôi. Môi trường cần chúng ta, và ngược lại”, Thảo nói.
Nguyễn Ngọc Yến Vy, học sinh lớp 9 Trường THCS Bình Tây (Q.6, TP.HCM), chia sẻ: “Chúng em được học về môi trường, giảm thiểu túi ni lông từ trong gia đình, tới nhà trường, do đó giảm được ni lông thêm chút nào, mọi người đều cố gắng làm. Bọc sách, vở bằng giấy cũng là một cách hay, tuy nhiên em nghĩ chúng ta chỉ bọc nếu thật sự cần thiết, có thể tận dụng giấy ở lịch treo tường, giấy báo cũ, tránh việc mua thật nhiều các loại giấy in rất đẹp về để bọc, sau đó vất đi, cũng là lãng phí, không tốt cho môi trường, vì giấy làm từ gỗ, mất điện, nước để ép ra giấy”, Vy nói.
Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng cho rằng: “Mỗi chúng ta, dù là ai cũng có thể tạo ra những thay đổi, hãy thay đổi từ chính thói quen của chúng ta, trước khi làm những gì to lớn hơn. Môi trường giáo dục, nơi dạy những chủ nhân của tương lai đất nước, càng phải có những hoạt động thiết thực để giáo dục ý thức môi trường, như cấm dùng đồ nhựa một lần. Năm học xanh, có lẽ nên bắt đầu từ những việc đơn giản như không thả bóng bay ngày khai giảng, hay không dùng túi ni lông để bọc sách. Đó là điều khả thi mà tất cả chúng ta có thể làm được”.
Đến phiên chợ đồ cũ mua đồ dùng học tập
Hưởng ứng tinh thần giảm thiểu, tái sử dụng, nhiều học sinh chọn cách tới các phiên chợ đồ cũ, chợ Bàn Cờ (Q.3); The Box Market 126 Cách Mạng Tháng Tám, Q.3… để săn đồ dùng học tập, ba lô, cặp táp, giày, quần áo chuẩn bị cho năm học mới.
Ngày 10.8, tại số 2, đường số 45, P.Bình An, Q.2, TP.HCM cũng diễn ra phiên chợ “Lại đây mua đồ cũ - quay trở lại trường”. Phan Thanh Nhiên, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết từ thời phổ thông cho đến bây giờ, bạn vẫn duy trì thói quen đi mua đồ cũ, vừa tiết kiệm được nhiều tiền, cũng hưởng ứng lối sống tối giản, chống lãng phí, giảm thiểu rác thải ra môi trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.