Giao thông công cộng bức thiết ai cũng hiểu, nhưng sự chậm trễ và thiếu đồng bộ trong xây dựng hệ thống này tại TP.HCM nói riêng và một số địa phương khác thì không thể hiểu nổi.
Tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... là thực trạng tại TP.HCM bao năm nay, nhưng không giải quyết nổi vì loay hoay với bài toán hạn chế xe cá nhân, cấm xe máy trước hay phát triển hệ thống giao thông công cộng trước.
Làm cái gì cũng “đụng” mà làm đồng bộ cũng không xong. Một bên thì cho rằng, không cần đợi giao thông công cộng, cứ cấm xe máy, hạn chế xe cá nhân để tạo thói quen cho người dân sử dụng xe buýt. Một bên thì phản ứng, nếu chưa xây dựng được mạng lưới thay thế mà cấm xe cá nhân thì khác nào ép người dân. Cãi qua cãi lại, thoắt cái cả hơn thập kỷ trôi qua, xe máy vẫn đầy đường, ô tô ngày càng nhiều, đường sá chật hẹp trong khi hệ thống xe buýt ngoài việc tiêu tốn mỗi năm cả ngàn tỉ đồng trợ giá thì ngày càng èo uột, ế khách. Tuyến buýt nhanh chuẩn bị từ năm 2014 đến nay vẫn chưa thể triển khai.
Giờ tuyến metro số 1 của TP.HCM đang trên đường về đích, không ít người lại giật mình tự hỏi, người dân sẽ đi bằng cái gì tới nhà ga khi kết nối với các loại hình giao thông khác không có? Đáng nói là trong suốt nhiều năm qua, những phân tích, đề xuất phát triển mạng lưới xe buýt mini để gom khách ra các nhà ga của tuyến metro đã được nói rất nhiều lần nhưng không hiểu vì lý do gì chưa thực hiện. Cứ nhìn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của VN vắng khách ngay từ khi đưa vào hoạt động cũng vì thiếu kết nối với các loại hình giao thông khác có thể thấy một phần tương lai của tuyến metro số 1 tại TP.HCM nếu cũng vận hành riêng lẻ. Không lẽ người dân muốn đi metro, lại phải gọi xe ôm công nghệ hay nhờ người nhà chở tới bến?
Nhưng ế khách mới chỉ là hiện tượng, đằng sau đó là sự lãng phí khổng lồ nếu vận hành metro mà thiếu xe buýt. Chúng ta đều biết nguồn vốn để xây dựng đường sắt đô thị là vô cùng lớn. Chỉ tính riêng tuyến metro số 1 đã ngốn hết hơn 43.700 tỉ đồng. Đặt trường hợp metro đi vào hoạt động mà không hiệu quả như kỳ vọng, đặt trong bối cảnh ngân sách khó khăn phải dành một số vốn rất lớn cho dự án này, thì sự lãng phí trực tiếp, gián tiếp là không thể đo đếm.
Đó là lý do cần phải phát triển đồng bộ các loại hình giao thông công cộng thành một mạng lưới phụ trợ, tương hỗ với nhau, tạo ra sự tiện lợi, từ đó mới có thể lôi kéo người dân tham gia sử dụng. Còn cứ ngồi để tranh luận, làm cái này trước, làm cái kia trước... trong khi tốc độ tăng xe cá nhân ngày càng nhanh, đường sá ngày càng chật chội thì bài toán kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... sẽ tiếp tục rơi vào bế tắc, không có lời giải.
Chúng ta vẫn xác định xe buýt là xương sống, chúng ta cũng quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nhưng cứ rời rạc, riêng lẻ. Chẳng lẽ sự đồng bộ trong phát triển mạng lưới giao thông công cộng lại khó đến thế sao?
Bình luận (0)