Động đất qua góc nhìn chuyên gia: Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Kon Tum

Động đất qua góc nhìn chuyên gia: Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Kon Tum

23/02/2023 10:00 GMT+7

“Động đất” là từ khóa rất được quan tâm thời gian qua khi trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất thế giới 100 năm qua; và ở Việt Nam, hàng trăm vụ động đất xảy ra ở Kon Tum từ năm 2021 đến nay cũng khiến nhiều người không khỏi hoang mang. Để có cái nhìn cận cảnh hơn về động đất, mời quý vị theo dõi những chia sẻ từ tiến sĩ Đặng Hoài Trung - Trưởng bộ môn Vật lý địa cầu, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM.

Không chỉ một mà có đến hai trận động đất với cường độ rất mạnh ảnh hưởng đến cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6.2.2023. Hơn 47.000 người đã thiệt mạng tính đến ngày 21.2. Hơn 345.000 căn hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phá hủy và nhiều người vẫn bị mất tích.. Các thành phố trở nên trống rỗng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Những con số buồn này cũng biến đây trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất thế giới trong 100 năm qua.

Vị trí "thảm họa" 6.2: Vài trăm năm qua chưa từng xuất hiện động đất

Theo tiến sĩ Đặng Hoài Trung - Trưởng bộ môn Vật lý địa cầu (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM), Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một trong những quốc gia hoạt động địa chất mạnh nhất thế giới vì nằm giữa những vành đai có các mảng kiến tạo hoạt động mạnh.

"Thế nhưng vị trí của trận động đất hôm 6.2 xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lại là vị trí mà vài trăm năm qua chưa từng xuất hiện động đất. Do năng lượng tích lũy trong thời gian quá dài nên khi trận động đất xảy ra đã gây ra sức tàn phá khủng khiếp", tiến sĩ Trung nhấn mạnh.

Tiến sĩ Trung cũng cho biết một trận động đất mạnh 7,8 độ richter là trận động đất rất mạnh, đặc biệt đối với những trận động đất có tâm chấn trên đất liền.

Động đất qua góc nhìn chuyên gia: Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Kon Tum

Quang cảnh thành phố Kahramanmaras sau thảm họa động đất

Quang cảnh thành phố Kahramanmaras sau thảm họa động đất

REUTERS

Khó đánh giá công trình Thổ Nhĩ Kỳ có đủ kháng chấn hay không!

Theo TS Trung, mỗi năm toàn thế giới có dưới 20 trận động đất với độ mạnh trên 7.0 độ richter. Mức tàn phá của động đất không chỉ thể hiện qua thang đo mà còn phụ thuộc rất nhiều vào độ sâu chấn tiêu, mật độ dân cư, công trình xây dựng tại chấn tâm, từ đó gây ra những mức thiệt hại khác nhau.

"Ngoài độ lớn của động đất thì tâm chấn cũng quyết định đến thiệt hại. Tâm chấn càng nông thì thiệt hại càng lớn. Do sức ảnh hưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên có những trận động đất dù cường độ nhỏ hơn 7 độ richter nhưng mức tàn phá lại rất khủng khiếp. Đơn cử như trận động đất của Iran 2003 có cường độ khoảng 6.6 độ richter nhưng khiến hơn 26.000 người chết. Hay động đất 6.4 độ richter ở Ấn Độ khiến hơn 10.000 người thiệt mạng.

Theo tiến sĩ Trung, rất khó để đánh giá công trình xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ có đủ khả năng kháng chấn hay không. Bởi "tất cả những tiêu chuẩn về kháng chấn chỉ hợp lý khi trận động đất xảy ra một cách vừa phải, các tòa nhà có thể chịu đựng được. Nhưng nếu đó là trận động đất quá mạnh thì bất kì những gì con người tính toán đều rất khó đảm bảo sự an toàn".

Động đất qua góc nhìn chuyên gia: Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Kon Tum - Ảnh 2.

Thành phố Hatay sau thảm họa động đất 6.2

REUTERS

Động đất ở Kon Tum tăng "chóng mặt": Bất thường nhưng hợp lý

Chỉ tính riêng năm 2021, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra 187 trận động đất, gấp 5 lần tổng số trận động đất hơn 100 năm qua ở Kon Tum. Theo tiến sĩ Đặng Hoài Trung, đây là điều rất bất thường nhưng lại trùng khớp với thời điểm bắt đầu tích nước ở hồ thủy điện Thượng Kon Tum.

Động đất qua góc nhìn chuyên gia: Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Kon Tum - Ảnh 3.

Công trình thủy điện Thượng Kon Tum khi tích nước

ĐỨC NHẬT

Xét về vị trí địa lý, theo bản đồ đứt gãy, theo tiến sĩ Đặng Hoài Trung, khu vực Tây Nguyên có một số đứt gãy kiến tạo mạnh đi ngang qua. Dù vậy, thống kê đến hiện tại cho thấy động đất ở Kon Tum vẫn là động đất kích thích do hồ thủy điện tích nước. Tương tự như động đất từng xảy ra ở khu vực hồ thủy điện Sông tranh 2 (ở tỉnh Quảng Nam) từng xảy ra cách đây vài năm.

"Ở Kon Tum, các trận động đất thường có độ mạnh khoảng 4.0 - 4.9 độ richter, dẫn tới cấp động đất và độ nguy hiểm ở mức khá thấp. Tuy nhiên việc đánh giá, nghiên cứu chính xác cấp động đất gây ra bởi hồ chứa nước và những nguyên nhân khác cũng cần được thực hiện gấp. Rất khó để khẳng định sắp tới sẽ xảy ra những trận động đất có độ mạnh như thế nào. Bởi trên thế giới đã phát hiện những trận động đất gây ra bởi hồ chứa nước hơn 6.0 độ richter".

Rất khó dự báo cụ thể

Khác với những loại hình thiên tai khác, động đất rất khó dự báo ngắn hạn và cụ thể. Điều đáng buồn là, trước những trận động đất cực mạnh, mọi dự tính của con người đều rất khó đảm bảo.

"Thực tế việc nghiên cứu động đất có từ rất lâu trên thế giới. Từng có nhiều chuyên gia đưa ra những phương pháp dự báo động đất. Đáng buồn là, tất cả đều thất bại. Nói dễ hiểu thì thay vì có thể dự báo một cách cụ thể ở khoảng thời gian gần nhất, chúng ta chỉ có thể dự báo động đất xảy ra bao nhiêu phần trăm ở vị trí nào đó vào khoảng năm bao nhiêu đó. Rất khó để dự báo chính xác", TS Trung khẳng định. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.