Đồng hồ nước “nhảy múa”, dân lãnh đủ

27/05/2013 10:08 GMT+7

Người tiêu dùng, khách hàng của Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) luôn phải chịu phần thiệt thòi khi đồng hồ đếm chỉ số nước bỗng dưng “nhảy múa” loạn xạ.

Bà Nguyễn Thị Kim Cương, trú 490 Hoàng Diệu (Đà Nẵng) suýt ngất khi hóa đơn tiền nước riêng tháng 4 vừa qua lên đến hơn 9,4 triệu đồng với 1.442 m3. Dawaco thống kê, từ tháng 6.2011 đến tháng 3.2013, 5 người nhà bà Cương chỉ dùng từ 26 đến 50 m3/tháng, tương đương 120.000 - 280.000 đồng/tháng. Tuy nhiên khối lượng và tiền nước tháng 4.2013 lại tăng đột biến, gấp đến ba lần tổng lượng nước mà nhà bà Cương dùng trong cả năm qua. Gia đình không có bể chứa mà dùng nước trực tiếp từ đường ống, vừa qua Dawaco kết luận đường ống không bị xì vỡ nên theo bà Cương, đồng hồ báo 5 người gia đình sử dụng 1.442 m3 chỉ trong một tháng là hết sức vô lý, kết quả Dawaco cân đo đồng hồ “nhảy múa” lại cho sai số chỉ +7% lại càng vô lý hơn.

Trong khi đó, khi thay đồng hồ nước khác dùng thử nghiệm một tuần, lượng nước nhà bà Cương tiêu thụ chỉ 10 m3. Tuy nhiên, Dawaco lại lý giải bằng giả thiết có khả năng đường ống bị sự cố nhưng bà Cương đã tự sửa chữa, hoặc thiết bị sử dụng nước bị rò rỉ trong thời gian dài, tuy nhiên trong khi tất cả chỉ là giả thiết, thì tại sao Dawaco lại khăng khăng áp dụng cách tính tiền nước đẩy phần thiệt thòi về cho các khách hàng?

Đồng hồ nước “nhảy múa”, dân lãnh đủ
Đồng hồ nước nhà chị Đông “nhảy múa” nhưng Dawaco lại đẩy phần thiệt thòi về khách hàng - Ảnh: Nguyễn Tú

“Thượng đế” phải chịu thiệt?

Cách nhà bà Cương không xa, nhà chị Nguyễn Thị Thu Đông 66 Núi Thành cũng tá hỏa khi nhận hóa đơn tiền nước lên đến gần 9,7 triệu đồng cũng của tháng 4 với 1.478 m3. Chị Đông cho biết Dawaco có đến kiểm tra, kết luận có khả năng nước thất thoát qua đường ống, nhưng không đưa biên bản cho chị Đông. Sau đó, Dawaco thông báo giảm 3 triệu đồng, còn gần 6,7 triệu đồng phải nộp khiến chị Đông rất bức xúc vì cách làm việc áp đặt, khiến khách hàng thiệt thòi.

Bà Trần Thị Phiên, Trưởng Phòng Thương vụ Dawaco cho hay, trường hợp chỉ số nước tăng đột biến không phải ít, trung bình mỗi ngày đơn vị nhận được 5 - 6 đơn khiếu nại đồng hồ nước “nhảy múa” 500 - 700 m3, còn trường hợp tăng đột biến hàng ngàn m3 thì 2 - 3 tháng mới có một trường hợp, nhưng theo tìm hiểu của Thanh Niên, riêng tháng 4 vừa qua có 2 trường hợp như vừa nêu là nhà bà Cương, chị Đông. Dawaco cũng đã đề nghị bà Cương mang đồng hồ “nhảy múa” đến đơn vị kiểm định thứ 3 (độc lập) để làm rõ liệu có phải đồng hồ sai sót, nhưng bà Cương nghi ngờ bởi trước đó, Dawaco đã cân đo đồng hồ, thì sai số chỉ +7%.

Theo kinh nghiệm của bà Phiên, trong 10 đồng hồ “nhảy múa” đi kiểm tra thì chỉ có đôi ba đồng hồ phát hiện bị hư hỏng, khi đó khách hàng được trừ tiền theo sai số hoặc tính theo bình quân khối lượng nước tiêu thụ 3 tháng gần nhất. Số đồng hồ nước “nhảy múa” không tìm ra nguyên nhân, hay thậm chí đối với trường hợp đường ống bị xì vỡ, Dawaco vẫn áp dụng mức giá khởi điểm 3.700 đồng/m3 (kèm thuế) - 4.510 đồng/m3 (gồm thuế + phí) nhân với con số “nhảy múa”. Dù có tính như vậy, thì các hộ dân lãnh phí oan như bà Cương, chị Đông cũng chỉ được giảm tối đa 30%, có nghĩa vẫn phải đóng 6 - 7 triệu đồng cho lượng nước mà gia đình không sử dụng.

“Chúng tôi trả tiền để được cung cấp nước sạch và đầy đủ, những lúc Dawaco bị mất nước, nước nhiễm mặn không giảm tiền cho chúng tôi, thì tại sao khi hệ thống cấp nước cho khách hàng xảy ra sự cố lại bắt chúng tôi chia sẻ, chịu phần thiệt thòi?” - bà Cương đặt câu hỏi.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.