Ngày 18.7, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) phối hợp Hội Thần kinh khu vực TP.HCM và bộ môn thần kinh của hai trường: ĐH Y Dược, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị động kinh ở trẻ em”.
Hội thảo dành cho bác sĩ trong và ngoài nước, nhằm chia sẻ các ca bệnh lâm sàng thực tế; cập nhật kiến thức mới trong điều trị, chẩn đoán động kinh...
Báo cáo tham luận tại hội nghị của TS-BS Lê Thị Khánh Vân (Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết động kinh là một bệnh lý thần kinh nhi thường gặp nhất. Động kinh là triệu chứng của những bất thường chức năng não bộ. Cơn động kinh là một sự thoáng qua của các dấu hiệu và/hay các triệu chứng gây ra bởi sự phóng điện bất thường, kịch phát, quá mức và đồng thời của một nhóm hay toàn bộ các tế bào thần kinh của não bộ.
Cơn động kinh thường xảy ra cấp tính, đột ngột, tức thời, liên quan đến vùng não bộ có phóng điện bất thường, với nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau về vận động, cảm giác, biến đổi ý thức, hành vi, tâm thần, giác quan... Động kinh là một tình trạng bệnh mãn tính, có thể tiến triển hoặc không.
Tham luận của bác sĩ Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết động kinh là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý thần kinh ở trẻ em. Bệnh có thể ảnh hưởng đến phát triển tâm thần vận động nếu không được điều trị kịp thời, hiệu quả; và sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của trẻ sau này.
Theo bác sĩ Tùng, động kinh có nhiều thể lâm sàng khác nhau, có nhiều nguyên nhân khác nhau, có khi khá phức tạp không thể tìm thấy nguyên nhân. Việc đầu tư nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ của y học trong chẩn đoán, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, cũng như theo dõi quản lý chặt chẽ bệnh nhân động kinh và phòng ngừa co giật tái phát ngày càng giúp nâng cao chất lượng điều trị.
TS-BS Nguyễn Lê Trung Hiếu, Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết thêm, co giật nói chung và bệnh động kinh nói riêng là tình huống rất thường gặp trong thực hành lâm sàng thần kinh ở trẻ em. Không chỉ đa dạng các đặc điểm về lâm sàng, dễ bỏ sót chẩn đoán mà động kinh ở trẻ em còn khá phức tạp về nguyên nhân và điều trị cũng như tiên lượng lâu dài. Việc chẩn đoán và điều trị đúng cách góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống và phát triển tâm thần vận động của trẻ...
"Cùng với những tiến bộ của thế giới, động kinh nhi tại Việt Nam cũng đã có nhiều tiếp cận mới, tích cực hơn và hiệu quả hơn", theo TS-BS Nguyễn Lê Trung Hiếu.
Bình luận (0)