Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng
Bộ Tài chính vừa có Công văn 11275 gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lấy ý kiến dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức giảm thuế như quy định tại Nghị quyết số 30/2022, tương ứng giảm 50%. Cụ thể, thuế BVMT với xăng (trừ ethanol) là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 600 đồng/lít. Đây là mức thuế BVMT đang áp dụng hiện tại và sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2023. Vì vậy để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024.
Theo Bộ Tài chính, với việc tiếp tục áp dụng mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 như thực hiện trong năm 2023 và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành gần nhất thì giá bán lẻ xăng, trừ ethanol (bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) tương ứng giảm 2.200 đồng/lít. Tương tự, giá bán lẻ các loại dầu sẽ giảm từ 1.000 - 2.200 đồng/lít...
Bộ Tài chính nhìn nhận xăng, dầu là mặt hàng thiết yếu và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Thời gian qua, việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không phân biệt đối tượng áp dụng đã hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp (DN). Nếu như thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng về mức trần từ đầu năm 2024 sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Do đó, cần có giải pháp góp phần ổn định giá xăng, dầu, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2024.
Không chỉ giảm thuế BVMT, Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến về việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (giảm còn 8%). Thời gian áp dụng từ ngày 1.1 - 30.6.2024, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế GTGT sau thời điểm này nếu tình hình kinh tế và DN, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Theo Bộ Tài chính, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024.
Mới đây, chỉ qua 3 tháng thực hiện chính sách giảm thuế GTGT (tháng 7, 8, 9) đã hỗ trợ cho DN và người dân tổng cộng khoảng 11.700 tỉ đồng, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, qua đó kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
Ngoài ra, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính khẩn trương xem xét trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương về các chính sách phí, lệ phí khuyến khích người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến (như: thu phí, lệ phí 0 đồng hoặc giảm 50% phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thời gian áp dụng đến hết năm 2025). Song song đó, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành...
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 25 về việc giảm 30% tiền thuê đất của năm 2023 cho các tổ chức, đơn vị, DN, hộ gia đình, cá nhân đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định hoặc hợp đồng hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm…
Vấn đề và Giải pháp: Chính sách thuế - mục tiêu gì?
Đẩy mạnh việc giảm nhiều loại thuế
Hoan nghênh việc Chính phủ tiếp tục đề xuất giảm một số loại thuế để thực hiện trong năm 2024, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì hầu như quốc gia nào cũng sẽ sử dụng công cụ thuế là chính. Bởi nhiều hàng hóa, sản phẩm khi bị áp thuế thấp hơn đồng nghĩa sẽ giảm giá và từ đó giúp người dân gia tăng sức mua. Trong đó, thuế BVMT đối với xăng, dầu là sản phẩm ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nên việc giảm sắc thuế này là quan trọng. Thậm chí có thể xem xét giảm thêm các loại thuế liên quan như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT trong nhóm sản phẩm này.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cho rằng chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện rất lỗi thời, quá bất cập và đã được phản ánh nhiều trong thời gian qua. Vì vậy Bộ Tài chính, Chính phủ không thể kéo dài để đợi đến chương trình sửa đổi toàn diện luật Thuế TNCN mà cần trình Quốc hội thông qua nghị quyết mang tính đặc thù ngay. Cụ thể có thể sửa đổi một số quy định ngay như giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế và người phụ thuộc. Rất nhiều năm qua kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, tất cả người dân đều chịu tác động.
Vì vậy Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN, hộ kinh doanh, từ các chính sách giảm thuế, phí đến chính sách tín dụng… Thế nhưng, đối với cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế TNCN thì chưa có chính sách nào để khuyến khích trong khi quy định đang có quá nhiều bất cập. "Chính sách thuế cần được sử dụng trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Việc giảm thuế cho nhiều loại hàng hóa là đúng nhưng cần phải có thêm việc giảm thuế TNCN thông qua việc GTGC, thay đổi bậc thuế. Không thể chờ trình sửa luật toàn diện vì quá lâu. Giảm thuế đồng nghĩa để nuôi dưỡng nguồn thu và cũng là gia tăng sức mua trên thị trường. Hiện giờ nền kinh tế đang cần có chính sách tổng lực để kích thích tiêu thụ, từ đó mới giúp cho DN sản xuất, tăng trưởng được phục hồi", PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Đồng tình, chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa cho rằng nên xem xét nâng mức GTGC cho người nộp thuế TNCN. Đây sẽ là chính sách hỗ trợ cho một bộ phận khá lớn người lao động để họ tăng thu nhập, từ đó có thể tăng chi tiêu cho đời sống, góp phần nâng sức mua trên thị trường. Thực tế, luật Thuế TNCN sau hơn 14 năm áp dụng đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, lạc hậu. Đặc biệt, mức GTGC cho người nộp thuế dù đã được sửa đổi theo quy định từ năm 2021 lên 11 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng cũng quá lạc hậu, không đảm bảo cuộc sống cho nhiều hộ gia đình ở các đô thị. Hơn nữa, đối tượng làm công ăn lương đang đóng thuế TNCN thường là đối tượng chi tiêu mua sắm chính trong các hộ gia đình. Nếu có chính sách kịp thời như giảm thuế cho họ cũng sẽ góp phần làm động lực thúc đẩy kích cầu tiêu dùng.
Luật sư Trần Xoa đề xuất: trước đây, khi xem xét đưa ra mức GTGC 4 triệu đồng/người/tháng trong luật Thuế TNCN 2007 và áp dụng từ đầu năm 2009, mức GTGC này tương ứng khoảng 2,5 lần GDP bình quân đầu người theo mục tiêu đến năm 2009 - 2010 đạt khoảng 1.100 USD/năm (tương ứng khoảng 1,5 triệu đồng/tháng). Theo Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 8 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mức GTGC phải được nâng lên ở mức 20 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, GTGC cho người phụ thuộc bằng 40% người nộp thuế nên cần tăng lên 8 triệu đồng/người/tháng.
Tăng cường chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế
Chính sách giảm thuế GTGT 2% đã được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực cho người dân nói riêng và cả nền kinh tế. Dù vậy theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện nay cần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng. Chính vì vậy, việc giảm thuế suất thuế GTGT 2% hiện nay chưa đủ kích cầu nên cần đưa ra mức giảm nhiều hơn trong thời gian tới. Theo đề xuất của ông Huân, thuế suất thuế GTGT có thể giảm 5%, đưa nhóm hàng hóa đang chịu thuế GTGT 10% xuống còn 5% để giá cả các mặt hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng có thể giảm hơn nữa.
Đặc biệt thị trường tiêu dùng trong nước hiện tại hết sức quan trọng khi xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình hiện nay có tâm lý thắt chặt chi tiêu, chỉ khi giá hàng hóa xuống thấp hơn thì mới có thể khiến người dân mua sắm nhiều hơn. Thế nhưng, một vấn đề quan trọng hiện nay là người dân có tiền mới kích thích được tiêu dùng, tăng mua sắm.
Vì vậy cũng phải xem xét giảm thuế TNCN. Từ mấy năm nay, vấn đề thuế TNCN được đề cập khá nhiều nhưng chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào. Mỗi năm, thuế TNCN đóng góp vào ngân sách nhà nước mỗi tăng, vào khoảng 150.000 tỉ đồng. Chính vì vậy mà chỉ cần giảm 50% số thuế thì thị trường nội địa sẽ được kích cầu mạnh. Riêng đối với các loại thuế khác như thuế thu nhập DN, chính sách có thể hỗ trợ bằng cách giãn thuế, còn nếu có nguồn thì có thể giảm 30% số thuế mà DN nộp.
"Nếu tất cả các giải pháp về thuế đồng loạt triển khai thì sẽ thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế. Tôi hiểu rằng vấn đề ngân sách sẽ giảm thu trong giai đoạn này nên đây là bài toán khá đau đầu của Chính phủ. Tuy nhiên khi kích cầu nội địa được thúc đẩy thì số thu ngân sách sẽ không giảm nhiều như dự báo", TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Đồng tình, TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, ủng hộ kéo dài việc giảm thuế GTGT thêm 2% qua năm 2024. Thế nhưng cần kéo dài hết năm 2024 thay vì chỉ áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, thuế GTGT giảm 2% trong 6 tháng là khoảng thời gian DN chưa tính được lãi lỗ năm, một chu kỳ sản xuất kinh doanh dù sao cũng tính trên năm. Theo như tính toán của Bộ Tài chính, mức giảm thuế GTGT 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 hụt thu ngân sách khoảng 25.000 tỉ đồng. Đó là còn số dự tính chứ khi hàng hóa sản xuất kinh doanh tăng lên, thì mức tăng thu có thể bù đắp được. Thực tế những năm qua đã chứng minh điều này, khi thuế giảm thì số thu ngân sách cũng không giảm như dự tính ban đầu, ngược lại mức tăng trưởng bán lẻ tăng lên.
Việc giảm thuế suất thuế GTGT không phải mới, mà đã áp dụng 2 năm trước đây và mang lại tín hiệu tốt với nền kinh tế. Cụ thể người tiêu dùng mua hàng với giá rẻ hơn. Điều này khuyến khích DN giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, giữ được thị trường tiêu thụ, năng lực cạnh tranh của DN vì thế cũng được tăng lên. Về lâu dài, cần xem xét điều chỉnh giảm thuế suất thuế GTGT từ mức 10% xuống 8%, áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa dịch vụ để tạo ra thế liên hoàn, DN dễ thực hiện, hạch toán và làm cho đúng.
Ngoài ra, thuế thu nhập DN cũng như thuế TNCN cũng cần được xem xét trong đợt này để tạo thêm động lực cho nền kinh tế. Đối với thuế thu nhập DN, ông Tú đề xuất có thể giảm 30 - 50% số thuế. Riêng thuế TNCN cần thực hiện GTGC cho người nộp thuế. Ở những thành phố lớn, mức GTGC cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng là không đủ để trang trải cho cuộc sống.
Ngoài chính sách thuế, ông Nguyễn Ngọc Tú cho rằng các loại phí, lệ phí cũng cần được xem xét miễn giảm để DN, cá nhân có thể tiết giảm được chi phí, đủ năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay. Ông Nguyễn Ngọc Tú nhận xét: "Giảm thuế là liệu pháp nuôi dưỡng nguồn thu tốt nhất. Trong những lúc khó khăn thì chính sách thuế cần giảm để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tốt hơn. Khi đó số thu ngân sách sẽ không giảm như dự báo. Bước qua quý 4/2023 rồi nên những chính sách hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế cần được quyết định nhanh để tạo đà cho năm 2024".
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Ngoài các chính sách giảm thuế, phí, Chính phủ vẫn phải tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ DN và người dân. Chẳng hạn, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN, hộ gia đình chỉ mới giải ngân chưa được 2% và sẽ kết thúc vào cuối năm 2023. Vì vậy Chính phủ cần nhanh chóng xem xét để xây dựng các chương trình hỗ trợ phù hợp theo nhu cầu của DN ở giai đoạn hiện tại. Đặc biệt, vẫn cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng nhưng quan trọng nhất là điều kiện, quy định phải đơn giản, phù hợp thực tế để DN, hợp tác xã tiếp cận được vốn vay. Cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ để gia tăng sức mua, tổng lực kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước. Từ đó DN mới có thể bán được hàng, gia tăng sản xuất và kinh tế mới tăng trưởng trở lại.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long
66% gia đình thắt chặt chi tiêu
Một khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam mới công bố cho thấy dù kinh tế trong nước đang dần phục hồi song người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng vì giảm thu nhập, việc làm, nên hành vi tiêu dùng thay đổi đáng kể. Cụ thể, 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch chỉ có trên dưới 21%); 66% số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm giải trí bên ngoài và khoảng 57% cho hay sẽ giảm ăn uống ở bên ngoài. Khó khăn ảnh hưởng đến tất cả các nhóm thu nhập, kể cả nhóm hộ gia đình có thu nhập cao.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam, cho biết kết quả cũng cho thấy 26% hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập cao và thu nhập trung bình cao lo lắng về tình hình thu nhập tài chính của gia đình. Đây là một kết quả khá bất ngờ.
Vấn đề và Giải pháp: Kỳ vọng vào sức đẩy của đầu tư công và chính sách chính phủ
Bình luận (0)