Đây cũng là chuyến thăm chính thức Campuchia đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt. Lễ đón chính thức do Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen chủ trì, hai Thủ tướng cũng sẽ có cuộc hội đàm chính thức.
Xác định xung lực mới
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác sẽ chào Quốc vương Campuchia và có các cuộc hội kiến, làm việc với phía Campuchia, thăm Đại sứ quán Việt Nam và một số doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia.
Trao đổi với báo chí trước chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết chuyến thăm diễn ra trong “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022”, chào mừng 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Hun Sen sang thăm lại điểm dừng chân trong hành trình cứu nước của Thủ tướng Hun Sen tại xã Lộc Tấn (H.Lộc Ninh, Bình Phước - Khu vực X16) hồi tháng 6 |
TTXVN |
“Đây là dịp Thủ tướng hai nước sẽ rà lại tổng thể quan hệ, từ đó xác định những xung lực mới, động lực mới, biện pháp mới nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào giai đoạn mới thực chất, hiệu quả và tin cậy hơn. Trong khuôn khổ chuyến thăm, sẽ có nhiều thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực khác nhau được ký kết”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh sau 3 năm bùng phát dịch bệnh Covid-19, đánh dấu việc hai nước chính thức nối lại hợp tác toàn diện, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, du lịch. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và hợp tác biên giới, an ninh và quốc phòng sẽ là những lĩnh vực tiếp tục được đẩy mạnh thời gian tới.
Hiện lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước, phát triển vượt bậc thời gian qua và sẽ là tiêu điểm chuyến thăm của Thủ tướng. Dự kiến, kim ngạch thương mại hai chiều nhiều khả năng sẽ vượt qua con số 10 tỉ USD năm nay.
Đầu tư của Việt Nam tại Campuchia tiếp tục đứng đầu ASEAN, đạt mức gần 3 tỉ USD. Việt Nam là một trong những quốc gia có số khách du lịch đến Campuchia đông nhất. Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường kết nối hai nền kinh tế, tiếp tục thúc đẩy đầu tư và thương mại song phương, trong đó có thương mại biên giới, hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên, tiếp tục tăng cường hợp tác du lịch. Hai Thủ tướng cũng sẽ cùng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại Việt Nam - Campuchia.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh - biên giới, dự kiến hai bên sẽ bàn về các biện pháp phối hợp ngăn chặn, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tiếp tục phối hợp giải quyết triệt để tình trạng công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động bất hợp pháp tại các cơ sở kinh doanh giải trí ở Campuchia.
Hai bên cũng sẽ trao đổi các biện pháp nâng cao địa vị pháp lý, tạo điều kiện cho người gốc Việt tại Campuchia sinh sống ổn định, thuận lợi; tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý và bảo vệ biên giới, thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.
“Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư cũng như hợp tác về quốc phòng, an ninh và biên giới không chỉ góp phần rất quan trọng cho sự phát triển KT-XH của mỗi nước mà còn bảo đảm an ninh, chủ quyền quốc gia, tiếp tục xây dựng đường biên giới giữa hai nước là đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.
Đồ họa: Thái Công Mẫn |
Tăng cường hợp tác ASEAN, ứng phó các thách thức
Trong 4 ngày, từ 10 - 13.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác sẽ tham dự nhiều hội nghị cấp cao quan trọng trong Hội nghị cấp cao ASEAN 40, 41. Đây là hội nghị gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước ASEAN với các đối tác, trong đó có nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, thời gian qua, các nước ASEAN cơ bản đều đã vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thể hiện sức sống và khả năng tự cường mạnh mẽ của ASEAN.
Bên cạnh đó, các diễn biến phức tạp gần đây trong cả tình hình an ninh và kinh tế khu vực và toàn cầu đang rất cần được các nhà lãnh đạo ASEAN và thế giới thảo luận, tìm ra giải pháp thỏa đáng nhằm sớm khôi phục kinh tế và giải quyết các tình huống khủng hoảng an ninh hiện nay. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm cũng như khả năng đóng góp quan trọng trong nỗ lực giải quyết các vấn đề chung.
Qua các hội nghị cấp cao sẽ diễn ra, ASEAN không chỉ tiếp tục thúc đẩy cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, gắn kết trong nội khối mà còn thảo luận và xác định các động lực mới, hướng đi mới, giải pháp mới để khu vực Đông Nam Á tiếp tục duy trì được sự hấp dẫn, tính năng động và tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ.
Với chủ đề “ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức”, nhiều vấn đề trọng tâm sẽ được thảo luận như hợp tác phục hồi kinh tế khu vực, phối hợp tìm kiếm các giải pháp cho các điểm nóng của khu vực cho đến vấn đề nâng cấp quan hệ đối tác giữa ASEAN với các đối tác nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ.
Ý nghĩa quan trọng
CTV |
Chuyến thăm Campuchia lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng bởi năm nay có nhiều dấu ấn kỷ niệm đặc biệt trong quan hệ hai nước. Những tháng qua, chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều hoạt động trao đổi, giao lưu song phương giữa hai nước ở nhiều cấp độ và cơ quan, lĩnh vực.
Từ nền tảng truyền thống hữu nghị lâu đời, chuyến thăm còn là cầu nối để tiếp tục phát triển quan hệ Việt Nam - Campuchia cho các thế hệ tiếp theo. Chúng ta cần nỗ lực để giới trẻ hai nước tăng cường hiểu biết về nhau, mở đường cho việc thắt chặt quan hệ trong tương lai.
Năm nay, Campuchia đang giữ vị trí Chủ tịch ASEAN - một tổ chức khu vực quan trọng với cả Việt Nam lẫn Campuchia. Để phát triển quan hệ hai nước cũng như đóng góp cho sự phát triển của ASEAN, hai nước cần tăng cường củng cố tính đồng thuận và vai trò trung tâm của ASEAN.
Để thúc đẩy sự hợp tác phát triển hơn nữa, Việt Nam và Campuchia cũng cần phối hợp giải quyết những vấn đề chung, bao gồm cả những vấn đề liên quan thêm các nước khác trong khu vực, điển hình như vấn đề sông Mê Kông.
TS Chheang Vannarith (Chuyên gia của Viện Nghiên cứu hợp tác và hòa bình Campuchia)
(Phát Tiến thực hiện)
Không chỉ hợp tác kinh tế
Kim ngạch thương mại song phương hai nước từ tháng 1 - 9.2022 đạt 8,45 tỉ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021 (VN xuất siêu sang Campuchia với giá trị 487,7 triệu USD). Đến nay, VN có 198 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,92 tỉ USD, trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.
Năm 2019, hai bên đã ký 2 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền VN - Campuchia. Hai bên đang nỗ lực đàm phán giải quyết 16% chưa hoàn thành phân giới cắm mốc để tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Du khách VN tới Campuchia trong 6 tháng đầu năm 2022 đứng vị trí thứ nhất với 143.239 lượt khách, chiếm 28,3% tổng số du khách vào Campuchia. Hai nước cũng phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, nhất là LHQ, ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cơ chế CLV, CLMV, ACMECS…
Bình luận (0)