Dòng máu anh hùng: Vạn tấm lòng chia sẻ

13/03/2023 07:30 GMT+7

Trong 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma, Trường Sa (Khánh Hòa) ngày 14.3.1988, có 19 người thuộc lực lượng phòng thủ đảo của Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), trong đó có 2 y sĩ là Hồ Công Đệ và Phan Huy Sơn.

HỌC ĐIỆN, LÀM BẾP

Chúng tôi ra Thanh Hóa, đi xuyên qua khu công nghiệp Nghi Sơn, tìm mãi mới thấy căn nhà nằm cạnh biển, ở thôn Bắc Hải, P.Hải Thượng, TX.Nghi Sơn. Nhờ gọi và chờ đợi gần nửa giờ đồng hồ mới thấy cậu thanh niên cao ráo nhưng khuôn mặt khắc khổ chạy xe máy về: "Em là Hồ Công Được, con bố Hồ Công Đệ…".

Dòng máu anh hùng: Vạn tấm lòng chia sẻ - Ảnh 1.

Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14.3.1988, được tổ chức tại Vùng 4 Hải quân, tháng 4.1988

QCHQ

Y sĩ Hồ Công Đệ sinh năm 1958, nhập ngũ tháng 2.1982 và được cử đi học Trung cấp Quân y 1 tại Sơn Tây. Hoàn thành khóa học, anh Đệ chuyển sang hải quân, công tác ở bệnh xá Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân). Đầu tháng 3.1988, y sĩ - trung úy quân nhân chuyên nghiệp Hồ Công Đệ cùng lực lượng phòng thủ đảo của Lữ đoàn 146, công binh Lữ đoàn 83… lên tàu HQ-604 ra đóng giữ Gạc Ma. Sáng 14.3.1988, y sĩ Hồ Công Đệ hy sinh khi đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ bảo vệ Gạc Ma.

Anh Hồ Công Đệ hy sinh khi mới 30 tuổi, để lại người vợ Cao Thị Bình lúc đó 28 tuổi và 3 đứa con: Hồ Thị Minh (khi ấy 6 tuổi), Hồ Thị Nhung (3 tuổi) và cậu con út Hồ Công Được mới 3 tháng tuổi. Sống ở vùng đất Hải Thượng, cứ đến mùa là mưa bão lụt lội nên chị Bình phải xoay xở đủ nghề để nuôi 3 con nhỏ: từ kéo lưới thuê, buôn bán cá, làm ruộng và thậm chí từ năm 2002 còn vào TP.Nha Trang làm giúp việc, vào Vũng Tàu làm công nhân thời vụ cho công ty thu mua cá… Mãi đến cuối 2018, khi sức khỏe yếu, các con nói mãi, chị Bình mới ra lại quê.

Liệt sĩ Gạc Ma và những người ở lại: Nghị lực vươn lên của cậu bé mồ côi cha

Khi trưởng thành, chị Hồ Thị Minh vào TP.HCM làm công nhân. Chị Hồ Thị Nhung học dược sĩ ở Trường cao đẳng Nghề số 8 - Bộ Quốc phòng nhưng sau đó không xin được việc làm nên đành làm công nhân may ở khu công nghiệp Kim Thành (Hải Dương). Cả hai chị chắt chiu từng đồng lương ít ỏi gửi về cho cậu út ăn học.

Hết lớp 12, Hồ Công Được vào Vũng Tàu học nghề điện ở Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu. Ra trường gần 2 năm, rất nhiều người hứa "sẽ xin việc cho con liệt sĩ Gạc Ma", nhưng đều mất hút nên Được lại xin tiền 2 chị, đi học nấu ăn và làm thuê cho một số nhà hàng, quán ăn ở TP.Vũng Tàu và TP.HCM.

Cuối năm 2014, Quỹ Tấm lòng vàng (Báo Lao động), trước cảnh căn nhà của gia đình liệt sĩ Hồ Công Đệ hư hỏng dột nát đến mức không thể ở được, đã giúp đỡ 50 triệu đồng để hỗ trợ gia đình làm lại căn nhà. Khi căn nhà hoàn tất phần thô, bà Bình chính thức kết thúc gần 20 năm làm thuê trong miền Nam, ra lại quê hương, Hồ Công Được cũng theo mẹ ra lập nghiệp lại ở chính quê hương mình.

"Tên khai sinh của em là Hồ Công Dũng nhưng giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ lại ghi thành Hồ Công Được. Năm lớp 6, mẹ rất vất vả làm thủ tục đổi tên theo giấy, mới được hưởng chế độ con liệt sĩ", Được kể với tôi và cười: "Hiện em đang nấu ăn phục vụ công nhân Công ty xi măng Long Sơn, Thanh Hóa. Lãnh đạo công ty biết em là con liệt sĩ Gạc Ma nên tạo mọi điều kiện làm việc tốt nhất. Hằng ngày, mẹ Bình đều vào giúp nấu nướng. Mẹ sống khổ quen rồi, giờ chẳng chịu ngồi không".

Dòng máu anh hùng: Vạn tấm lòng chia sẻ - Ảnh 2.

Anh Hồ Công Được và các con, cháu bên di ảnh liệt sĩ Hồ Công Đệ

LÊ NAM

"CHÚNG TÔI ĐƯỢC MỌI NGƯỜI GIÚP"

Gia đình liệt sĩ Phan Huy Sơn ở xã Diễn Nguyên, H.Diễn Châu, Nghệ An. Bà Trần Thị Ninh (60 tuổi, vợ liệt sĩ Sơn) kể: Ông bà cưới nhau tháng 10.1981, tháng 2.1982, ông nhập ngũ hải quân, được cử đi học Trung cấp Y quân đội và sau đó khoác ba lô vào Lữ đoàn 146, biền biệt đi làm nhiệm vụ ngoài đảo, 2 - 3 năm mới được một kỳ nghỉ phép.

Đầu tháng 3.1988, y sĩ - chuẩn úy quân nhân chuyên nghiệp Phan Huy Sơn theo tàu HQ-604 ra Gạc Ma làm nhiệm vụ. Lúc tàu rời bến, y sĩ Phan Huy Sơn viết vội mấy chữ vào vỏ phong bì thư, ném xuống cầu cảng, nhờ đồng đội gửi bưu điện cho vợ con ngoài quê, ghi vẻn vẹn: "Trước khi đi đảo, anh đã gửi thêm cho em 10 ngàn đồng theo đường bưu điện. Hôm nay, anh gửi quần áo cho con trai nữa. Bưu điện sẽ báo 2 đợt, 2 đợt bưu kiện và 1 đợt tiền. Em đón nhận nghe em".

Liệt sĩ Gạc Ma và những người ở lại: Những đứa con chưa biết mặt cha


MÓN QUÀ TẶNG MẸ

Dòng máu anh hùng: Vạn tấm lòng chia sẻ - Ảnh 4.

Mẹ Trương Thị Bảo với tấm hình duy nhất của con trai - liệt sĩ Trương Minh Thương

MAI THANH HẢI

Đầu tháng 3.2023, trong hành trình tìm gặp gia đình các anh hùng - liệt sĩ đã hy sinh ngày 14.3.1988 tại Gạc Ma, chúng tôi ghé thăm bà Trương Thị Bảo (82 tuổi, ở thôn Thọ Hạ, xã Quảng Sơn, TX.Ba Đồn, Quảng Bình), là mẹ của liệt sĩ Trương Minh Thương (sinh năm 1963, nhập ngũ tháng 8.1985), chiến sĩ Lữ đoàn 83 công binh hải quân, hy sinh khi vừa tròn 25 tuổi.

Ngồi trong căn nhà cấp 4 do cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 83 xây tặng năm 2008, hiện đã xuống cấp vì nước lụt dâng lên hằng năm, bà Bảo kể: Anh Thương là con thứ hai trong gia đình có 9 người con. Sau khi anh nhập ngũ được 1 năm thì bố mất và gần 2 năm sau, khi kết thúc nhiệm vụ ngoài đảo Sơn Ca, anh Thương mới có dịp về viếng bố, sau đó lại vào Cam Ranh đi làm nhiệm vụ ngoài đảo Gạc Ma rồi hy sinh…

Trong căn nhà, mọi đồ đạc đều cũ, từ bàn ghế, giường tủ cho đến bàn thờ liệt sĩ, chỉ là tấm bê tông làm nhô ra bên tường ngăn. Ông Trương Khắc Tiến (59 tuổi, anh trai liệt sĩ) cho biết: "Các anh chị em trong gia đình đều thuộc hộ nghèo, mấy năm nay mẹ Bảo đau ốm liên miên, mọi người góp tiền chữa trị…".

Sau khi chúng tôi thông tin hoàn cảnh gia đình mẹ liệt sĩ Gạc Ma, một số bạn đọc Báo Thanh Niên đã hỗ trợ đóng mới bàn thờ liệt sĩ Trương Minh Thương và mua sắm một số vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày của mẹ Bảo, theo nguyện vọng của gia đình (ti vi, bộ bếp gas…) với tổng giá trị hơn 30 triệu đồng.


Sự lo lắng của y sĩ Phan Huy Sơn là có lý do: cậu con trai Phan Huy Hà (khi đó 4 tuổi) có biểu hiện của bệnh thần kinh, còn bà Ninh đang mang bầu đứa con thứ hai.

Sáng 14.3.1988, y sĩ Phan Huy Sơn hy sinh trên vùng biển đảo Gạc Ma. Nửa năm sau, tháng 9.1988, bé gái Phan Thị Trang chào đời. Bà Trần Thị Ninh quay quắt làm mọi việc để vừa chăm sóc, theo dõi cậu con trai bệnh tật, hơi tí là gào thét đòi chạy đi chơi, vừa động viên con gái chuyên tâm học tập sau này có việc làm, nuôi anh…

Hết lớp 12, Phan Thị Trang học hệ cao đẳng điều dưỡng (Trường ĐH Y khoa Vinh, Nghệ An). Ra trường, đi xin việc nhưng không có kết quả, Phan Thị Trang đánh liều trình bày hoàn cảnh với Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó là bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Giữa tháng 3.2015, Văn phòng Bộ Y tế truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng tới Sở Y tế Nghệ An: "Xem xét, hỗ trợ và bố trí việc làm cho cháu Phan Thị Trang tại cơ sở y tế gần nhà để thuận tiện cho việc chăm sóc người thân trong gia đình". Hiện nay, Phan Thị Trang đang công tác tại Bệnh viện đa khoa H.Diễn Châu.

Buổi chiều ngồi ở nhà liệt sĩ Phan Huy Sơn, chốc lát bà Ninh lại chạy ra ngoài ngóng cậu con trai hò hét, chạy huỳnh huỵch ngoài đường làng, kể: "Cơm phải xay nhuyễn, đút cho con. Ốm đau thì trộn thuốc vào để con không biết. Lúc con lên cơn, cũng phải gắng chịu đau", và trầm giọng: "Con Trang được bố trí làm việc nhà nước. Cu Hà cũng có tiền chế độ chăm sóc. Nhà cửa, cũng được xây chắc chắn. Cái mái tôn che sân, cũng được đoàn từ thiện làm cho. Ông ấy hy sinh đã 35 năm, để lại 3 mẹ con. Chúng tôi được mọi người giúp để sống thế này, là tốt lắm rồi".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.