Ngày về chiến thắng
Một ngày nắng ấm tháng 12.1949 trên Việt Bắc, tại đại bản doanh của Bộ Tổng tư lệnh, hội nghị tổng kết Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn được tổ chức. Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chủ trì hội nghị. Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm… và nhiều đại biểu các cục, ngành đến dự. Trung đoàn trưởng Nam Long, cùng các chính trị viên, cán bộ các tiểu đoàn, đại đội tham gia chiến dịch đều về dự cả.
Tư lệnh Lê Quảng Ba trực tiếp chỉ huy chiến dịch, báo cáo tổng kết. Về công tác chính trị của chiến dịch, khi nhắc đến công tác văn nghệ, tư lệnh nói một số nét chính những hoạt động ca nhạc mà một người nhạc sĩ cùng đi trong đoàn đã thực hiện như: Dạy hát, dạy nhạc lý cho cán bộ và chiến sĩ các đại đội. Tư lệnh Lê Quảng Ba giới thiệu 10 bài hát được nhạc sĩ này sáng tác trong quá trình chiến dịch, từ buổi lên đường “viễn chinh” cho tới khi đoàn quân lại vượt biên giới Hoa Nam trở về Việt Bắc.
Lá cờ Đồng Tâm của Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (1949) |
Tư liệu KMS |
Tư lệnh chiến dịch kết thúc phần báo cáo thì Trưởng phòng Tuyên truyền Trần Độ giới thiệu người nhạc sĩ đã tham gia chiến dịch, đó là nhạc sĩ Trọng Loan. Ngồi chủ trì hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gợi ý ngay: “Đề nghị nhạc sĩ hát cho hội nghị nghe đi”.
Phấn khởi ôm cây đàn “viễn chinh” bước ra trước mọi người và trân trọng đặt lên bàn của Đại tướng một tập 10 bài hát đã được chép sạch sẽ, nhạc sĩ Trọng Loan nhìn nhanh các cán bộ Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, từ đồng chí tư lệnh tới tất cả đồng đội vừa đi chiến dịch trở về. Nhận thấy những ánh mắt, nụ cười khích lệ, ông hát một mạch từ Bài ca viễn chinh mở đầu cho tới bài cuối cùng Ngày về chiến thắng trong tiếng vỗ tay liên tục động viên của hội nghị.
Trở lại Thập Vạn Đại Sơn
Giữa tháng 4.2001, sau những tháng năm nóng lạnh, đoàn đại biểu cựu chiến binh trung đoàn 59, tiểu đoàn 426, cùng hai thân nhân liệt sĩ trở lại Thập Vạn Đại Sơn. Trung tướng Đỗ Trình (1922 - 2008), nguyên Chính trị hiệp trợ viên làm trưởng đoàn. Sáng 17.4.2001, vừa đặt chân đến cửa khẩu Bắc Luân, đoàn được nước bạn đón tiếp nồng nhiệt. Trung tướng Đỗ Trình kể lại cho đại tá Nguyễn Trọng Dinh ghi cảm xúc của ông:
“Tròn 52 năm trôi qua. Trở lại Thập Vạn Đại Sơn, ít ai giấu được niềm xúc động sâu sắc về những vùng đất đã in những kỷ niệm khó quên về tình hữu nghị chiến đấu của quân đội và nhân dân hai nước Việt - Trung”.
Viếng các liệt sĩ cách mạng nhân dân Trung - Việt ở TX.Đông Hưng, thành viên trong đoàn rất cảm động trước quy mô của khu vực bia kỷ niệm, trước những lời khắc trên bia (bằng chữ Trung Quốc) ghi công các liệt sĩ Việt Nam:
“... Những người con ưu tú đó đã cống hiến sinh mạng quý báu của mình, làm cho tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước càng thêm thắt chặt bền vững, lập nên công tích bất hủ, vĩnh viễn sáng ngời hào quang. Họ vĩnh viễn là tấm gương cho nhân dân hai nước học tập”.
Gặp lại nhiều cán bộ chiến sĩ đã cùng quân tình nguyện Việt Nam phối hợp chiến đấu, nhiều cựu chiến binh đã không cầm được nước mắt.
Hơn 70 năm sau, lần tìm lại thân nhân của các tướng lĩnh tham gia Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, tôi được bà Lê Thanh Hà, con gái cố Thiếu tướng Lê Quảng Ba - Tư lệnh chiến dịch cho xem bản dịch tài liệu trích trong cuốn Đệ tam đệ thất chi đội sử viết về cuộc kháng chiến của Giải phóng quân Trung Quốc và bộ đội Việt Nam tại Việt Quế kết luận:
“Quân bạn quốc tế, Trung đoàn 59, Trung đoàn Lạng Sơn, Tiểu đoàn Đặng Công Lệnh, Tiểu đoàn Trần Vinh, Đại đội Bình Liêu (Hải Ninh) thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát huy tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản, phối hợp tác chiến với chi đội 3 lập công lớn, góp sức mạnh một cách vô tư, phát triển tình hữu nghị chiến đấu giữa quân đội và nhân dân hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Công trạng sáng chói của họ, không sợ kẻ địch mạnh, không ngại khó khăn gian khổ, không tiếc xương máu sẽ mãi mãi được ghi trong sử sách đấu tranh cách mạng của nhân dân khu Thập Vạn Đại Sơn” (cựu chiến binh Trần Dực dịch).
Quan bang tá làm trưởng ban tình báo
Mới đây, trong quá trình tìm tư liệu Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn (1949), tôi tình cờ phát hiện ra một tư liệu thú vị: Một viên quan Bang tá làm Trưởng ban Tình báo của chiến dịch lịch sử này. Đó là ông Trần Thiên Tân, trước Cách mạng Tháng Tám 1945 làm Bang tá Hoàng Su Phì (Hà Giang). Từ 12.1945, ông lần lượt làm Trưởng ty (nay là Giám đốc) Công an 4 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Phú Thọ và Bí thư Sở Công an Khu 10.
Trong bản khai lý lịch đảng viên của ông Trần Thiên Tân ghi rõ: “Cuối năm 1949 - Trưởng ban Tình báo Mặt trận Thập Vạn Đại Sơn (Trung Quốc)”.
Bình luận (0)