Thập Vạn Đại Sơn - chiến dịch ít được biết đến: Đánh phi thường ác liệt

08/10/2022 07:02 GMT+7

“Giải phóng quân Việt Nam, áo màu nâu, mũ mõm trâu, đánh phi thường, ác liệt”. Đó là những lời khen ngợi của nhân dân Trung Quốc khi chứng kiến hoạt động của quân tình nguyện Việt Nam.

Giải phóng Thủy Khẩu, Hạ Đống, Long Châu

Trong hồi ký Thời sôi động (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2004), Đại tướng Chu Huy Mân nhớ lại: “11 giờ đêm, vào lúc trời mưa, lạnh giá cũng là lúc quân ta bắt đầu vượt biên giới tiến vào đất Trung Quốc bao vây đồn Thủy Khẩu - một căn cứ đối diện với Phục Hòa (Cao Bằng). Sở chỉ huy của chúng tôi đặt trên núi Bát Giác, một nơi có thể quan sát toàn bộ Thủy Khẩu”.

Trong lúc các đơn vị chiếm lĩnh đánh địch ở Thủy Khẩu thì Đại đội 164 tiến sâu vào lòng địch, chiếm núi Độc Sơn để phối hợp tiến công Thủy Khẩu, đồng thời chặn đường rút của quân Tưởng từ Thủy Khẩu, La Hồi, Hạ Đống chạy về Long Châu. Sáng hôm sau, mưa tạnh, những loạt đạn pháo 75 ly khai hỏa là lệnh tiến công Thủy Khẩu bắt đầu.

“Tiểu đoàn 73 vác cờ đỏ búa liềm tiến sát đồn Thủy Khẩu cùng những tiếng hô vang dội. Quân Tưởng dùng chiến thuật “quân dã ngoại giữ thành” của Nhật để đối phó lại ta. Chúng cho quân ra ngoài, chỉ để một bộ phận trong đồn bắn tỉa. Nhưng quân dã ngoại bị ta bao vây đã không dám nổ súng mà nằm rạp trườn đi từng thước trên mặt đất rồi tháo chạy về Long Châu. Chúng tôi ra lệnh cho bộ đội truy kích”, Đại tướng Chu Huy Mân viết.

Phó tư lệnh Hoàng Long Xuyên

K.M.S

Sau hai ngày đêm bị quân tình nguyện Việt Nam từ trong đánh ra, từ ngoài bao vây chặt, rồi gọi hàng, toàn bộ quân địch ở Thủy Khẩu bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh. Trận này quân tình nguyện Việt Nam hy sinh 11 cán bộ, chiến sĩ.

Đại tướng Chu Huy Mân kể tiếp: “Thủy Khẩu được giải phóng, chúng tôi tiếp tục tiến đánh La Hồi, diệt và bắt 1 tiểu đoàn quân Tưởng ở chân núi Độc Sơn. Từ Long Châu, quân Tưởng đưa 1 tiểu đoàn xuống ứng chiến. Ngày 15.6, tiểu đoàn này bị bộ đội ta đánh dồn vào các hang đá ven bờ sông Tả Giang gần Hạ Đống. Đến sáng 18.6.1949, chúng kéo cờ trắng xin hàng. Thừa thắng, chúng tôi cho bộ đội tiến lên thị trấn Long Châu. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, quân Tưởng tháo chạy và rút luôn các vị trí Thượng Thạch, Hạ Thạch, Ninh Minh”.

Những thắng lợi trên chỉ trong vòng 15 ngày giúp cho một dải đất trên 30 km từ Thủy Khẩu, La Hồi, Hạ Đống đến Long Châu đã sạch bóng quân Tưởng. Hội quân tại Long Châu, quân tình nguyện Việt Nam đã giúp cơ quan lãnh đạo địa phương mở rộng ảnh hưởng trong nhân dân, phát triển lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang củng cố các khu vực mới giải phóng. Vũ khí, quân cụ thu được của địch khá nhiều, quân tình nguyện Việt Nam tổ chức bàn giao lại cho chính quyền địa phương.

“Nhân dân Hạ Đống, Long Châu đốt pháo chào mừng quân giải phóng. Việt kiều ta ở đây mang bánh, hoa, gửi tặng cán bộ chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam, họ vui mừng khôn xiết”, Đại tướng Chu Huy Mân chia sẻ trong hồi ký.

Gặp phó tư lệnh Hoàng Long Xuyên

Một điều hết sức bất ngờ với chúng tôi khi được gặp đại tá Hoàng Long Xuyên hiện yên vui tuổi già tại tỉnh Thái Nguyên. Người Phó tư lệnh mặt trận Long Châu trong Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn 73 năm trước, năm nay 106 tuổi, vẫn minh mẫn kể chuyện:

“Tư lệnh là ông Thanh Phong, đánh sang bên Long Châu xuống đến Nam Ninh. Ông thì Tư lệnh phó, đánh từ Hữu Nghị quan xuống Thượng Thạch, Hạ Thạch, gặp cánh quân của anh Thanh Phong ở Nam Ninh”.

Bồi hồi nhớ về lần làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn, đại tá Hoàng Long Xuyên lần giở trong ký ức những ngày bắt đầu chiến dịch:

“Đánh bắt đầu từ Hữu Nghị quan, lúc bấy giờ quân Tưởng nó kết hợp với quân Pháp, mình có một đơn vị chặn lại cái đồn của Pháp ở bên pháo đài. Sau đó rồi, cả Tiểu đoàn Quang Long chuẩn bị thế nào quân Tưởng cũng lên tiếp viện cho quân Pháp. Đúng y sự thật. Nó kéo lên gần 1 đại đội. Lúc bấy giờ ông Quang Long chỉ huy trưởng tiểu đoàn có trách nhiệm tiêu diệt. Nó lên gần đến Hữu Nghị quan, lúc bấy giờ bắt đầu nổ súng”. (còn tiếp)

“Khó nhất là đánh ở đồn Minh Ninh. Lúc đó có 1 đại đội quân Tưởng, nó đóng ở trên đồi sát bờ sông. Quân ta do đồng chí Quang Long tiểu đoàn trưởng, đồng chí Việt Hồng đại đội trưởng, tiến công vào xong một cái. Nó cũng rát vì lúc bấy giờ có súng cối rồi, gọi là moóc-chi-ê, bắt đầu phóng thì nó sợ lắm, nó đầu hàng. Ta giao cho các đồng chí địa phương tiếp quản. Lúc bấy giờ có các đồng chí địa phương ủng hộ mình mà”.

Đại tá Hoàng Long Xuyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.