Tờ Asia Times ngày 12.9 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles gần đây úp mở rằng Úc có thể mua oanh tạc cơ B-21 của Mỹ để khôi phục năng lực tấn công tầm xa, đối phó việc Trung Quốc ngày càng mở rộng sức mạnh quân sự tại Thái Bình Dương.
Ảnh mô phỏng oanh tạc cơ B-21 |
Không quân Mỹ |
B-21 là oanh tạc cơ tàng hình chiến lược của Mỹ vẫn còn trong giai đoạn phát triển và sẽ thay thế cho các loại cũ hơn như B-1 và B-52. Máy bay này ưu tiên khả năng tàng hình, xâm nhập sâu vào không phận đối phương và khối lượng vũ khí mang theo, hơn là tốc độ và tính linh hoạt.
Theo Bộ trưởng Marles, B-21 có thể sẽ lấp đầy vai trò tấn công tầm xa của Úc từ khi nước này cho về hưu phi đội cường kích F-111 vào năm 2010. Mỹ được cho là đã đặt mua 100 chiếc B-21 với giá 203 tỉ USD để hoạt động trong 30 năm. Bằng việc bán thêm máy bay cho Úc, Mỹ có thể giảm chi phí sản xuất và sẽ giảm tải được nhiệm vụ hiện diện oanh tạc cơ tại khu vực. Về phía Úc, máy bay B-21 sẽ là một công cụ răn đe linh hoạt hơn so với tiêm kích, tàu ngầm và tên lửa trên bộ. Cựu tư lệnh không quân Úc Geoff Brown nói rằng oanh tạc cơ có thể được sử dụng làm công cụ truyền tải thông điệp răn đe phù hợp, điều cốt yếu trong xử lý tình huống khủng hoảng.
Tuy nhiên, rào cản đối với Úc trong việc sở hữu B-21 là Mỹ vẫn giữ quyền quyết định và có sự dè dặt trong việc cung cấp các vũ khí chiến lược cho đồng minh. Bên cạnh đó, kế hoạch mua oanh tạc cơ có thể không phù hợp với thực trạng hạn chế về ngân sách của Úc và sẽ ảnh hưởng đến các ưu tiên quốc phòng khác như chương trình đóng tàu, dự án mà chính phủ Úc đã tuyên bố là không thể đụng đến.
Ba tiêm kích Rafale của Pháp tham gia Mission Pegase 2022 |
không quân Pháp |
Không chỉ Úc mà các đồng minh của Mỹ tại châu Âu thời gian gần đây cũng bắt đầu gia tăng đưa không lực đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước những nguy cơ xung đột tiềm tàng trong khu vực. Hồi tháng 8, 3 tiêm kích Rafale, 2 máy bay tiếp nhiên liệu Airbus A330 và 2 máy bay vận tải Atlas A400M của Pháp đã bay đến New Caledonia trong vòng 72 giờ trong khuôn khổ cuộc tập trận Mission Pegase 2022. Cùng thời điểm, Đức cũng điều 6 chiến đấu cơ Eurofighter và 7 máy bay hỗ trợ tham gia cuộc tập trận Rapid Pacific 2022, bay từ Đức sang Singapore trong 24 giờ.
Tờ Nikkei Asia dẫn lời PGS Michito Tsuruoka (chuyên ngành An ninh quốc tế tại Đại học Keio, Nhật Bản) cho rằng mục đích của các cuộc diễn tập này là chuẩn bị cho việc triển khai binh sĩ đến Nam Thái Bình Dương để đề phòng trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ tại Biển Đông hoặc Đài Loan. Anh, Đức và Pháp đều đã tích cực triển khai tàu chiến đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong vài năm gần đây và việc bổ sung không lực phản ánh mong muốn của châu Âu trong việc khẳng định rằng họ có thể nhanh chóng hiện diện tại khu vực. So với tàu chiến thì máy bay có thể được triển khai trong vài ngày.
Bình luận (0)