Đồng Nai đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ hướng tới xuất khẩu

05/03/2022 17:50 GMT+7

Đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ hướng tới xuất khẩu để giải quyết ‘bài toán' đầu ra nông sản bền vững cho bà con nông dân là mục tiêu Đồng Nai đang hướng tới…

Tại lễ ký kết hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ giữa UBND tỉnh Đồng Nai và Tập đoàn Quế Lâm ngày 5.3, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh nông nghiệp hữu cơ là xu hướng phát triển tất yếu của các nước trên thế giới khi nhu cầu về lượng lương thực giảm đi, trong khi nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường ngày càng được chú trọng. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện mang lại nhiều lợi ích hơn, giá trị kinh tế cao hơn, vừa đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, vừa mang lại thu nhập tốt hơn cho người nông dân.

Một hộ nông dân sản xuất bưởi Tân Triều theo mô hình hữu cơ ở H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai

Uyên NGHI

Cũng theo ông Võ Văn Phi, Đồng Nai hiện là một tỉnh công nghiệp với diện tích tự nhiên gần 600.000 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp chiếm trên 350.000 ha, hơn 60% dân số sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.

Thời gian vừa qua, Đồng Nai cũng đã xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh trong đó có vùng chuyên canh về trồng trọt, cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, bưởi, mít và cây công nghiệp như tiêu, điều, ca cao… Về lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Nai hiện đã xây dựng được vùng chăn nuôi tập trung với quy mô kinh tế trang trại 90%, chỉ còn khoảng 10% là sản xuất nhỏ lẻ. Trong đó, Đồng Nai hiện đang dẫn đầu đàn heo của cả nước với 2,5 triệu con. Địa phương này cũng là ‘thủ phủ’ gà của cả nước với quy mô đàn gia cầm hơn 25 triệu con. Giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm của Đồng Nai đạt trên 45.000 tỉ đồng, đóng góp 10% tổng giá trị sản phẩm toàn tỉnh.

Đồng Nai hiện là 'thủ phủ' heo của cả nước với đàn heo hơn 2,5 triệu con

LÊ LÂM

Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp ở Đồng Nai vẫn còn tình trạng bấp bênh về năng lực sản xuất kinh doanh, bấp bênh về thị trường, đầu ra cho sản phẩm và bấp bênh về thu nhập của người nông dân.

Để giải bài toán bấp bênh nêu trên và tình trạng phải ‘giải cứu’ nông sản” hàng năm, Đồng Nai cần đẩy mạnh ‘liên kết 3 nhà’ sâu rộng hơn trong sản xuất nông nghiệp. “Trước mắt từ nay đến 2025, Đồng Nai sẽ ký kết hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm triển khai các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở 3 lĩnh vực mà Đồng Nai hiện đang có lợi thế là trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản”, ông Phi nói.

Cụ thể, xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, ca cao, hồ tiêu, cà phê, điều, sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ; Phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm, đặc biệt chăn nuôi heo hữu cơ, an toàn sinh học; Phát triển mô hình nuôi tôm, cá hữu cơ; Hợp tác bồi dưỡng, tập huấn về quy trình kỹ thuật, công tác quản lý các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; Hợp tác chuyển giao quy trình kỹ thuật ứng dụng công nghệ hữu cơ, hữu cơ vi sinh cho sản xuất nông nghiệp và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ, đặc biệt là quảng bá, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Đồng Nai sang thị trường châu Âu, Mỹ, Úc…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.