Đồng Nai: Doanh nghiệp FDI mỗi tháng trả lương 290 tỉ đồng dù phải ngưng hoạt động

Lê Lâm
Lê Lâm
18/09/2021 18:47 GMT+7

Lãnh đạo Tập đoàn Phong Thái (Đồng Nai) cho biết dù ngưng hoạt động 2 tháng nay, nhưng doanh nghiệp phải chi trung bình 388 tỉ đồng/tháng, trong đó tiền lương cho công nhân lên đến 290 tỉ đồng. Bây giờ, doanh nghiệp chỉ mong muốn được hoạt động trở lại.

Không cần giảm thuế, chỉ cần hoạt động trở lại

Trình bày ý tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các doanh nghiệp FDI (DN có vốn đầu tư nước ngoài) diễn ra vào sáng 18.9, ông Lê Quốc Thanh, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái (100% vốn Đài Loan) cho biết tập đoàn có 5 công ty đóng tại Đồng Nai với tổng số lao động khoảng 65.000 người.

Doanh nghiệp vẫn phải chi gần 400 tỉ đồng mỗi tháng dù đang tê liệt vì Covid-19

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tập đoàn phải ngừng hoạt động hơn 2 tháng nay (từ 17.7). Tuy nhiên, trung bình mỗi tháng tập đoàn phải chi 388 tỉ đồng, trong đó tiền lương cho công nhân khoảng 290 tỉ đồng và  98 tỉ đồng đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc.

Ông Lê Quốc Thanh phát biểu tại hội nghị

LÊ LÂM

Theo ông Lê Quốc Thanh, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì tập đoàn sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì trả mức lương tối thiểu vùng (4,4 triệu đồng/tháng/người) cho toàn thể người lao động vì không có doanh thu.
“Tập đoàn cũng có nhiều đề xuất chính quyền hỗ trợ, nhưng cái quan trọng là cho chúng tôi được hoạt động trở lại. Chúng tôi không cần hỗ trợ giảm thuế vì hoạt động lại thì chúng tôi dư sức để nộp thuế”, ông Thanh phát biểu.
Ngoài ra, hội nghị cũng ghi nhận sự đóng góp ý kiến của nhiều đại diện các hiệp hội, các DN khác. Đa số mong muốn công nhân được nhanh chóng tiêm vắc xin Covid-19; hàng hóa được lưu thông nhanh chóng; công nhận tiêm chủng là giấy phép đi làm lại; mong chính quyền tạo điều kiện cho người lao động 3 tại chỗ ở công ty được về nhà thăm gia đình; người lao động ở các vùng đỏ, cam, vàng cũng được đến công ty làm việc như vùng xanh…

Bản tin Covid-19 ngày 18.9: Cả nước 9.373 ca nhiễm mới | Vắc xin của Cuba được phê duyệt khẩn cấp

Dịch còn phức tạp, phải cẩn thận đi từng bước

Trả lời ý kiến của các DN, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nói đối với vấn đề vắc xin thì Đồng Nai xây dựng chiến lược ưu tiên tiêm cho các DN 3 tại chỗ và tiêm phủ để dập dịch. Hiện nay tỷ lệ tiêm cho người trên 18 tuổi đạt 76% và đang kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục bổ sung vắc xin cho Đồng Nai để tiêm phủ mũi 1 và hoàn thành mũi 2. Về hàng hóa, ông Dũng khẳng định Đồng Nai không cản trở lưu thông vì đã giao Công an và Sở GT-VT cấp giấy phép theo quy định cho DN.
Đối với các vấn đề khác, ông Dũng cho hay dịch ở Đồng Nai chưa giảm. Và Đồng Nai thấu hiểu áp lực, khó khăn mà DN 3 tại chỗ đang gặp, do đó đã xây dựng kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế . Đơn cử như kế hoạch 11102 ban hành ngày 15.9 (áp dụng từ 20.9) trên tinh thần tận dụng tối đa những gì mang lại lợi thế cho DN để đưa vào vận hành, từng bước khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng trả lời các ý kiến của DN

LÊ LÂM

“Công nhân đi lại như thế nào để không đưa dịch vào DN, đó là vấn đề chúng tôi quan tâm nhất. Đối với chuyện cho công nhân lưu thông bằng xe cá nhân vẫn phải bàn tính kỹ, vì cho là không kiểm soát được, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Dũng, hiện Đồng Nai đang áp dụng vùng xanh đến quy mô phường xã. Sau 10 ngay thử nghiệm kế hoạch 11102, Đồng Nai sẽ đánh giá xem có đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế hay không. Nếu ổn sẽ tiến tới quy định vùng theo đơn vị hành chính nhỏ hơn đó là khu phố, ấp, mục đích tạo vùng xanh nhiều hơn.
Cuối cùng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai mong muốn các DN hiểu và hợp tác với chính quyền để cẩn thận cùng nhau đi từng bước. Khi có cơ hội là Đồng Nai sử dụng phương án tốt hơn cho DN mở rộng, phục hồi sản xuất.

Ngày 18.9: Thông báo 220 ca Covid-19 tử vong tại 9 tỉnh thành

Phương án cho các DN 3 tại chỗ theo kế hoạch 11102

Một DN ở Đồng Nai thực hiện 3 tại chỗ

CTV

Các DN tiếp tục thực hiện 3 tại chỗ nhưng cho hoán đổi, bổ sung người lao động, với điều kiện trong vòng 14 ngày không có F0. Người lao động được hoán đổi phải được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi bệnh trong vòng 180 ngày và phải ở trong vùng xanh. Việc hoán đổi tùy theo thỏa thuận giữa DN với nguyện vọng người lao động, số lượng hoán đổi do DN quyết định.
Các DN được phối hợp với địa phương cho người lao động đi, về hằng ngày với điều kiện: DN không có F0 trong vòng 14 ngày; người lao động ở vùng xanh và được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 (sau 14 ngày) hoặc đã điều trị khỏi bệnh trong vòng 180 ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.