Ngày 6.10, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập; trung tâm y tế và phòng y tế các quận, huyện, TP.Thủ Đức, chỉ đạo kịp thời phát hiện, xử lý, báo cáo và phối hợp điều tra nguyên nhân ngộ độc thực phẩm.
Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị triển khai nghiêm túc việc thực hiện chế độ báo cáo và xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Các đơn vị rà soát, xây dựng hoàn chỉnh quy trình tiếp nhận, xử trí khi phát hiện các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm, nhất là công tác báo cáo kịp thời cho Sở Y tế, Ban Quản lý an toàn thực phẩm và các đơn vị có liên quan khi phát hiện có trường hợp nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Tổ chức tập huấn và tập huấn lại về chẩn đoán, xử trí ngộ độc thực phẩm theo quy định. Bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, thuốc men, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc hàng loạt xảy ra, và tổ chức điều trị, cấp cứu kịp thời, đảm bảo an toàn người bệnh.
Phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP, các trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức lấy mẫu điều tra, xác minh nguyên nhân gây ngộ độc.
Riêng các trung tâm y tế, phòng y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức, khi nhận được thông tin trên địa bàn xảy ra trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm thì phải báo cáo ngay về Sở Y tế và Ban Quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời phối hợp điều tra xác minh nguyên nhân và có giải pháp cảnh báo người dân nhằm ngăn chặn kịp thời lan rộng.
Phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan trên địa bàn tăng cường công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cho người dân hiểu biết về an toàn thực phẩm.
Lãnh đạo Sở Y tế giao Phòng Nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế chủ động phối hợp các chuyên gia của ngành y tế tổ chức tập huấn về chẩn đoán xử trí ngộ độc thực phẩm và ngộ độc thực phẩm hàng loạt. Rà soát lại các văn bản, quy trình, quy chế phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm đã ban hành trước đây, đề xuất điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp yêu cầu thực tế và tham mưu Sở Y tế cùng thống nhất Ban Quản lý an toàn thực phẩm trình UBND TP.HCM xem xét quyết định.
Chỉ đạo mới này xuất phát từ vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra sau đêm tiệc trung thu tại chung cư Palm Heights (ở TP.Thủ Đức), khiến bé gái 6 tuổi tử vong ngày 1.10. Sau đó, nhiều người sống tại chung cư nêu trên nhập viện vì đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần phải nhập viện. Có 17 người nhập viện tại TP.HCM, 3 người về đến Cà Mau nhập viện.
Xét nghiệm phân của 2 trẻ bị ngộ độc thực phẩm sau tiệc trung thu cho thấy có sự hiện diện của vi khuẩn Salmonella. Hội đồng chuyên môn Sở Y tế nhận định khả năng bánh su kem nhiễm khuẩn. Liên quan đến bé 6 tuổi tử vong, hội đồng chuyên môn của Sở Y tế cũng sẽ họp để xem xét.
Vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra từ ngày 30.9 đến ngày 2.10, nhưng chỉ biết rộng rãi vào ngày 2.10 khi Báo Thanh Niên vào cuộc tìm hiểu.
UBND TP.HCM cũng đã có chỉ đạo tập trung các biện pháp nhằm ngăn chặn, tránh để xảy ra ngộ độc thực phẩm tương tự trên toàn thành phố.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 6.10
Bình luận (0)