Sáng 5.7, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Đồng Tháp họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để chỉ đạo xử lý dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên địa bàn.
Diễn biến dịch phức tạp
Ông Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp, cho biết trước ngày 24.6 tỉnh Đồng Tháp chỉ ghi nhận 30 ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, từ 24.6 đến chiều ngày 4.7 diễn biến dịch phức tạp, toàn tỉnh ghi nhận đến 229 ca mắc Covid-19, trong đó đã có 3 ca mắc tử vong. Đến sáng 5.7, Đồng Tháp ghi nhận thêm 76 ca nghi nhiễm Covid-19 mới. Các ca mắc Covid-19 tại đến nay đều chưa xác định được nguồn lây.
|
Hiện Đồng Tháp có nhiều chùm ca mắc Covid-19, trong đó tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc có 110 ca mắc Covid-19 liên quan; Xí nghiệp May 6 có 14 ca; Ngân hàng Aribank H.Châu Thành có 49 ca.
Về địa bàn cư trú, có 9/12 huyện, thành phố trong tỉnh có người mắc Covid-19, nhiều nhất là H.Châu Thành 100 ca; TP.Sa Đéc 65 ca, H.Lấp Vò 22 ca… Đến chiều ngày 4.7, tỉnh đã truy vết 1026 F1, 1248 F2.
Đến nay, Đồng Tháp đã thực hiện giãn cách tương ứng với mức nguy cơ toàn tỉnh; áp dụng biện pháp giãn cách tương ứng mức nguy cơ cao toàn bộ 2 huyện Lai Vung, Lấp Vò và áp dụng mức giãn cách xã hội tương ứng mức nguy cơ rất cao toàn bộ TP.Sa Đéc, H.Châu Thành.
Ngoài ra, tỉnh cũng thiết lập cách ly y tế vùng đối với Bệnh viện đa khoa Sa Đéc, Bệnh viện Quân Dân y Đồng Tháp; dừng hoạt động của Xí nghiệp May 6 và Ngân hàng Aribank Chi nhánh H.Châu Thành; phong tỏa 3 ấp An Hòa, Tân An, Tân Hòa (xã An Nhơn, H.Châu Thành) kể từ ngày 2.7 và kích hoạt lại Bệnh viện Dã chiến tại trường Quân sự tỉnh tại TP.Sa Đéc để tiếp nhận, điều trị các trường hợp mắc Covid-19 không có triệu trứng.
Đến nay, Đồng Tháp có 2 đơn vị xét nghiệm đã được cấp phép khẳng định tại CDC tỉnh Đồng Tháp và Bệnh viện đa khoa tỉnh mỗi ngày công suất tối đa 600 mẫu đơn và mẫu gộp tối đa 3.000 mẫu/ngày. Trong tuần này, Đồng Tháp sẽ lắp đặt hệ thống xét nghiệm PCR tại Bệnh viện đa khoa Sa Đéc.
|
Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho hay, tỉnh cần phải thần tốc truy vết các trường hợp F1, F2 trong thời gian ngắn nhất. Tổ chức thiết lập cách ly các cơ sở, thiết lập cách ly vùng để khẩn trương dập dịch sớm nhất tại TP.Sa Đéc, Châu Thành và một số địa phương khác. Cần thiết có lệnh phong tỏa ngay ở những điểm nóng, tăng cường biện pháp an toàn của các bệnh viện.
Các huyện cần khẩn trương có ngay các khu cách ly tập trung để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trên địa bàn của mình bởi các khu cách ly tập trung ở TP.Sa Đéc, Cao Lãnh và biên giới đã quá tải.
Tỉnh cần kích hoạt lại Bệnh viện Dã chiến tại Bệnh viện Quân dân y Đồng Tháp và điều chuyển công năng của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh thành bệnh viện điều trị bệnh Covid-19.
Cần quyết liệt vì "chạy sau lưng dịch"
Theo ông Trần Văn Hai, Giám đốc CDC Đồng Tháp, điều quan trọng hiện nay của Đồng Tháp là cần tổ chức phân công nhiệm vụ chống dịch Covid-19 sao cho hợp lý để huy động sức mạnh tổng hợp tham gia dập dịch.
Bất cập nhất hiện nay là các trang thiết bị phương tiện phòng hộ, hóa chất, vật tư y tế và các cơ sở cách ly tập trung của tỉnh vẫn chưa được sẵn sàng nên ảnh hưởng rất lớn đến việc chống dịch tại địa phương.
Tỉnh cần có cơ chế tháo gỡ về tài chính để sớm mua sắm các trang thiết bị vật tư y tế, sinh phẩm phòng, chống dịch ít nhất đủ dùng trong vòng 1 tháng.
|
Ngoài ra, Giám đốc CDC Đồng Tháp đề nghị tỉnh xem xét trưng dụng thêm máy xét nghiệm khẳng định Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Tháp để cùng với CDC Đồng Tháp làm nhiệm vụ chống dịch, để tránh tình trạng chỉ có máy xét nghiệm CDC Đồng Tháp làm xét nghiệm quá nhiều, trong khi máy xét nghiệm của Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp làm xét nghiệm dịch vụ.
Ông Lê Thành Công, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đồng ý với ý kiến Giám đốc CDC Đồng Tháp. Theo ông Công, đáng lẽ vấn đề trang thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh cần chuẩn bị cách 1 năm trước, bởi bây giờ tỉnh đã sắp “vỡ trận” do số ca mắc Covid-19 tính đến 5.7 đã hơn 300 ca.
“Tình hình đang rất phức tạp nên các ngành, các địa phương có trách nhiệm vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác trong phòng, chống dịch. Hiện nay tỉnh đang chạy sau lưng dịch chứ không phải chặn dịch. Nếu tất cả chúng ta cùng vào cuộc quyết liệt thì mới mong ngăn chặn được dịch”, ông Lê Thành Công nói.
Trong vòng 14 ngày không để phát sinh ổ dịch mới
Ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị, trong tình hình dịch phức tạp như hiện nay các cấp ủy, chính quyền địa phương cần phân công trực xuyên suốt luôn cả ngày nghỉ cuối tuần để xử lý và cần đặt tâm thế trong tình huống xấu nhất để có kịch bản để giải quyết, không bi quan.
Cần thực hiện phương châm chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, nguồn lực tại chỗ, và hậu cần tại chỗ. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền xử lý thì triển khai, không trông chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh, gây chậm trễ việc chống dịch. Toàn tỉnh phải xác định nguyên tắc không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng, phải kiểm soát tốt, điều trị tốt, tầm soát cách ly tốt và đi tới dập dịch thành công.
|
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tỉnh Đồng Tháp cho biết, tình hình dịch Covid-19 tại Đồng Tháp là rất nguy cấp, với tình trang nguy cơ rất cao. Do đó không còn gì khác hơn là các ngành và các địa phương phải vào cuộc quyết liệt hơn, cùng đồng lòng chung sức để đạt mục tiêu chống dịch thành công, nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây là việc không có tiền lệ nên mỗi địa phương cần nghiên cứu vào cuộc hết sức mình để có giải pháp thích nghi, xử lý tình hình dịch bệnh. Mục tiêu, đặt ra trong vòng 2 tuần trên địa bàn không xuất hiện những ổ dịch mới và không có ca bệnh mới ngoài cộng đồng.
Các huyện cần nhanh chóng truy vết, xác định các F1 để đưa đi cách ly và chủ động xét nghiệm dập dịch chứ không trông chờ có kết quả có F0 mới đưa F1 đi cách ly tập trung. Mục tiêu trước mắt là phải đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Siết chặt quản lý và ưu tiên bảo vệ các bệnh viện, Trung tâm y tế; quản lý chặt các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp có nhiều lao động phải xây dựng phương án an toàn phòng,chống dịch. Các huyện cần xây dựng phương án triển khai các cơ sở cách ly và bố trí nhân lực để chủ động trong tiếp nhận, cách ly tập trung các F1.
Đối với trang thiết bị xét nghiệm, một mặt thực hiện theo quy trình đấu thầu mua sắm, mặt khác có thể chỉ định thầu trong trường hợp khẩn cấp. Trước mắt, Đồng Tháp phải vận động xã hội hóa để mua sắm nhanh nhất để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Bình luận (0)