Mô hình mới này của thành phố đứng đầu chỉ số chuyển đổi số cả nước liên tiếp 3 năm qua, không chỉ tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, mà còn thể hiện tư duy đổi mới của chính quyền địa phương trong chuyển đổi số, tạo thuận lợi nhất cho người dân. Mặt khác, cơ sở để triển khai thuận lợi còn nhờ hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia đã liên thông dữ liệu số định danh điện tử của công dân với dữ liệu giấy phép lái xe (GPLX) của Bộ GTVT, dữ liệu giấy khám sức khỏe của Bộ Y tế.
Trong lĩnh vực hàng không, sau 2 tháng thí điểm, tất cả các sân bay cả nước đã đồng loạt triển khai ứng dụng định danh điện tử mức 2 (trên tài khoản VNeID). Thay vì phải xuất trình CCCD/giấy tờ tùy thân như trước đây, thì nay hành khách chỉ cần sử dụng tài khoản VNeID trên điện thoại khi làm thủ tục đi máy bay.
Những chuyển động nhỏ trên tất cả các lĩnh vực cho thấy ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách hành chính đang tạo ra những thay đổi mang tính tích cực ở cả cấp tư duy quản lý, cán bộ thực thi tại các bộ ngành, địa phương đến thói quen cho người dân. Đúng như mục tiêu Thủ tướng đặt ra là cải cách hành chính phải đem lại hiệu quả thiết thực, cụ thể và cao hơn nữa cho người dân; chính quyền phải mang lại cảm hứng, truyền động lực cho người dân.
Quyết tâm của Chính phủ càng rõ ràng hơn nữa khi cách đây vài ngày, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử.
Tuy nhiên, dù Chính phủ quyết tâm rất lớn, nhưng thực tế triển khai của bộ ngành, địa phương vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Việc tích hợp tài khoản VNeID vẫn còn trục trặc, chưa thông suốt như còn hàng triệu GPLX chưa thể tích hợp do chưa đồng bộ dữ liệu khiến người dân bức xúc. Việc liên thông dữ liệu chưa đồng bộ cũng dẫn đến tình trạng số thẻ CCCD chưa tích hợp thông tin bảo hiểm y tế…
Tại cuộc họp lần thứ 5 của Ban chỉ đạo cải cách hành chính tháng 7, Thủ tướng cũng chỉ rõ thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo; công khai. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, giấy tờ còn thấp; cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở một số nơi còn hình thức; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực; an ninh, an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức...
Khắc phục những hạn chế trên là việc bắt buộc phải làm, song để cải cách hành chính đi vào thực chất, những đột phá như Đà Nẵng cần được nhân rộng ra cả nước. Nói cách khác, chỉ khi người đứng đầu các bộ ngành, địa phương xác định mọi cải cách hành chính xuất phát từ lợi ích người dân, để triển khai thực thi, thì mới có được kết quả thực chất, mới tạo niềm tin và sự chủ động, tự giác phối hợp của người dân.
Bình luận (0)