ĐI ĐẾN TỪNG NHÀ
Buổi sáng như mọi ngày, đúng 7 giờ 30, 22 sinh viên tình nguyện có mặt ở ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Hội, H.Cái Bè, tỉnh Tiền Giang lại chỉnh trang cảnh phục, bắt đầu buổi làm việc của mình. Các sinh viên tình nguyện được chia làm 2 nhóm: tại chỗ và cơ động. Nhóm tại chỗ "đóng quân" ở Nhà văn hóa ấp Mỹ Trung, là nơi được biến thành "trụ sở dã chiến" để hỗ trợ người dân. Nhóm cơ động thì tỏa đi đến tận nhà người dân để hướng dẫn bà con làm quen với công nghệ, đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Xã Mỹ Hội không xa thị trấn Cái Bè là mấy nhưng việc tiếp cận công nghệ, chuyển đổi số, định danh điện tử của bà con tại đây còn nhiều hạn chế. Dù nhiều người đã có điện thoại thông minh, nhưng chỉ dùng để nghe, gọi, xem các chương trình giải trí…
Len lỏi từ con đường huyện đến đường xã, nhóm sinh viên tình nguyện có lúc lội bộ giữa trời nắng nóng. Tuy vậy, Đội trưởng Đào Khoa Nam, sinh viên Trường ĐH Cảnh sát nhân dân và các thành viên đều vẫn phấn khởi, không tỏ vẻ mệt nhọc khi đến nhà người dân.
Nam cho biết đây là lần thứ hai được tham gia Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè. Trong lần đầu, anh chỉ làm các công tác như: xây nhà, cầu, đường…, còn nhiệm vụ lần này hoàn toàn khác là giúp người dân hiểu hơn về công nghệ số, nhất là tiếp cận với chương trình VNeID của quốc gia (VNeID là ứng dụng do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an VN phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử).
Những tưởng nhiệm vụ này nhẹ nhàng, ít tốn sức nhưng thật ra cũng gặp một số vất vả nhất định. "Chúng tôi phải vận động trí óc rất nhiều và kiên nhẫn, chịu khó ngồi với người dân để hướng dẫn họ. Khó nhất là những cô bác lớn tuổi, những người chưa bao giờ tiếp cận với công nghệ. Để hoàn thành thiết lập định danh điện tử bước 1 có khi phải mất nhiều thời gian, bởi nhiều bà con còn chưa đăng ký số điện thoại chính chủ hay phải sử dụng cả điện thoại của mỗi thành viên để đăng ký giúp".
Về trưa, trên con đường liên xã của ấp Mỹ Trung vẫn thấp thoáng những chiến sĩ công an tương lai từng bước trên đường. Ngôi nhà kế tiếp mà nhóm đến là hộ ông Nguyễn Văn Chiếm (56 tuổi, ngụ ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Hội). Vừa vào nhà, sinh viên tình nguyện Lê Công Danh lập tức hướng dẫn từng bước cho vợ chồng ông Chiếm. Do cả hai vợ chồng đều không rành công nghệ nên nhiều lần Danh đổ mồ hôi, ấn thoát rồi lại mở ứng dụng làm lại từ đầu cho ông. Khó nhất là khâu nhận diện khuôn mặt khi Danh phải cầm điện thoại rà máy ảnh trước mặt cho vợ chồng ông Chiêm không ít lần mới thành công. Cuối cùng việc hướng dẫn kéo dài tận 30 phút mới xong cho một trường hợp. Sau khi thiết lập xong, Danh vẫn chưa về mà ở lại theo dõi người dân tập đóng, mở ứng dụng đến khi "thuộc lòng" mới thôi.
Nhờ sinh viên tình nguyện mới biết đến ứng dụng
Sau khi hoàn thành, ông Chiếm nhìn vào điện thoại tỏ ra vui mừng. "Cuộc sống ở quê chỉ biết đến việc làm nông, ở nhà thì xem ti vi, hoặc mới hơn chỉ xem phim trên mạng là cùng. Giờ tôi mới biết đến chuyển đổi số là gì, căn cước công dân điện tử là gì, tích hợp là gì. Như vậy thì tiện lợi quá, chỉ cần ra ngoài hay đi đâu cầm theo điện thoại trong tay là được, không cần mang theo giấy tờ gì nhiều", ông Chiếm nói.
Ngoài ra, ông dành nhiều tình cảm khi nói về nhóm sinh viên tình nguyện đã hỗ trợ mình. Ông nói rất quý khi các bạn trẻ đến tận nhà hỗ trợ, giúp bà con có thêm kiến thức trong thời buổi người dân nông thôn còn quá mù mờ về công nghệ số.
Còn ông Trần Quang Sang (57 tuổi, ngụ ấp Mỹ Trung) chia sẻ nếu không có nhóm sinh viên tình nguyện đến nhà thì ông cũng không biết có ứng dụng VNeID này. Bởi quanh năm với cây trái, ông chỉ quen với những gì mộc mạc ở nhà và không chú trọng nhiều đến các phương tiện hiện đại. Ông Sang chỉ nghĩ bấy lâu nay khi ra ngoài, đi khám bệnh chỉ cần mang theo giấy tờ là đủ. Ông không ngờ sau khi đăng ký, tích hợp thành công tiện lợi đến vậy.
Anh Võ Linh Phương, Bí thư Đoàn xã Mỹ Hội, cho biết trong tổng số 96 sinh viên Trường ĐH Cảnh sát nhân dân tham gia Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè ở H.Cái Bè thì có 22 sinh viên đến xã Mỹ Hội. Các sinh viên tình nguyện tham gia các phong trào trong 15 ngày gồm: tuyến đường hoa thanh niên, sinh hoạt hè cho thiếu nhi, trao quà cho thương binh và gia đình liệt sĩ. Trong đó hoạt động quan trọng là hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm quen cài đặt VNeID.
Anh Phương cũng chia sẻ hiện tại ở xã Mỹ Hội có hơn 8.000 nhân khẩu. Với khối lượng lớn nhân khẩu như vậy thì việc tuyên truyền, hỗ trợ chuyển đổi số đến người dân còn nhiều hạn chế. Vì vậy, anh Phương đánh giá cao sự có mặt của nhóm tình nguyện Trường ĐH Cảnh sát nhân dân đã giúp người dân hiểu hơn về chuyển đổi số và VNeID ở vùng nông thôn.
Bình luận (0)