Đột quỵ mắt, mù mắt nếu liên tục dùng điện thoại trong bóng tối?

08/11/2019 18:48 GMT+7

Mới đây, một người đàn ông tên Wang ở Trung Quốc bị kết luận đột quỵ mắt, nguyên nhân chính là liên tục sử dụng điện thoại trong bóng tối. Đột quỵ mắt là gì, có đúng nguyên nhân chính là 'cày' điện thoại nhiều trong đêm?

Đột quỵ mắt có đáng sợ?

Trước đó, năm 2017, thông tin trên một số trang điện tử cũng cho thấy một cô gái 21 tuổi đến từ Quảng Đông, Trung Quốc bị mù vĩnh viễn khi chơi điện tử trên điện thoại cả ngày liên tục. Những thông tin trên khiến nhiều người trẻ hoang mang. Thực tế, học sinh, sinh viên, và kể cả các phụ huynh không ít người có thói quen trước khi đi ngủ, hoặc sau khi thức dậy việc đầu tiên là cầm điện thoại lướt màn hình trong điều kiện thiếu ánh sáng.
Chị Dương Thanh Hà, 29 tuổi trú lô B, chung cư 481 Ba Đình, Q.8, TP.HCM cho biết chị có thói quen thông thường là khi ru con ngủ là tắt điện, một tay ôm con, tay kia lướt màn hình điện thoại thông minh xem thông tin trên Facebook. “Nếu có phim hay, tôi có thể 'cày' 4-5 tập phim một đêm là chuyện bình thường. Sợ con thức giấc nên sẽ tắt hết điện. Tôi cũng thấy một số người cảnh báo là dùng điện thoại lâu trong đêm, thiếu ánh sáng sẽ bị mù, đột quỵ mắt, nhưng không biết thực hư ra sao", chị Hà nói.
Không chỉ có chị Hà, dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng trong bóng tối cũng là thói quen của nhiều sinh viên. Trần Thảo Hương, sinh viên năm 3 Trường ĐH Sài Gòn cho biết ở trọ cùng 2 người bạn, buổi tối tắt điện là mỗi người “ôm” một cái điện thoại, tai nghe. “Người nhắn tin với bạn, người lướt Facebook, chơi game, người xem phim, có người thức tới 2-3 giờ sáng vẫn ôm điện thoại”, Hương nêu hiện tượng.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Đào Minh Đức, Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, cho biết cho đến nay chưa có một nghiên cứu khoa học nào cho thấy nguyên nhân của đột quỵ mắt do dùng điện thoại thông minh trong bóng tối. Do đó, không thể kết luận dùng điện thoại nhiều trong bóng tối sẽ bị đột quỵ mắt hay mù mắt.
“Dùng điện thoại nhiều trong bóng tối có thể gây nhức mắt, mỏi mắt do mắt phải điều tiết nhiều, giảm thị lực. Nên hạn chế dùng điện thoại trong bóng tối”, bác sĩ Đức nói.

Không dùng điện thoại quá lâu, kể cả đủ ánh sáng

Bác sĩ N.C.T, đang công tác tại Bệnh viện Mắt T.Ư, cũng cho hay không có căn cứ để kết luận dùng điện thoại nhiều trong bóng tối là bị đột quỵ mắt, mù mắt. Theo bác sĩ T., đột quỵ mắt do máu lưu thông đến võng mạc bị tắc nghẽn, dẫn đến mắt mất thị lực dần do không có máu nuôi dưỡng. Những người có nguy cơ cao với đột quỵ mắt là những người lớn tuổi, có những bệnh lý như bệnh tim mạch, bị tiểu đường, hoặc huyết áp cao…
“Hoàn toàn không có cơ sở và căn cứ khoa học nào để khẳng định nguyên nhân dẫn tới đột quỵ mắt là dùng điện thoại liên tục trong bóng tối”, bác sĩ T. nói.
Cũng theo bác sĩ T.: “Không nên dùng điện thoại trong bóng tối lâu. Kể cả khi dùng điện thoại hay thiết bị công nghệ ở nơi đầy đủ ánh sáng cũng nên dùng 30-45 phút thì nghỉ một vài phút để mắt được nghỉ ngơi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.