Tiêm khoảng 800.000 liều
Đài BBC hôm qua dẫn lời Giáo sư Stephen Powis, Giám đốc y tế của Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS), cho biết vắc xin Covid-19 là “khởi đầu cho sự kết thúc” của đại dịch ở Anh, khi việc tiêm chủng đại trà ở nước này bắt đầu từ ngày 8.12 (giờ địa phương). Theo ông Powis, sẽ mất “nhiều tháng” để tiêm chủng cho tất cả những ai cần vắc xin Covid-19 tại Anh.
Anh hồi tuần trước trở thành quốc gia đầu tiên cho phép sử dụng vắc xin của liên doanh Mỹ - Đức Pfizer/BioNTech trong trường hợp khẩn cấp. Trong các thử nghiệm, vắc xin này đã được chứng minh là có hiệu quả 95%. Việc tiêm chủng bắt đầu triển khai ngày 8.12 đồng thời tại khoảng 50 bệnh viện ở Anh. Như vậy, Anh trở thành quốc gia đầu tiên tiêm chủng vắc xin của Pfizer/BioNTech. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock mô tả việc bắt đầu chương trình tiêm chủng vào ngày 8.12 là “một thời khắc lịch sử”, theo BBC.
Khoảng 800.000 liều vắc xin dự kiến được sử dụng trong đợt tiêm chủng này. Đến nay, chính phủ Anh đã đặt tổng cộng 40 triệu liều, đủ để tiêm chủng cho 20 triệu người, với hai mũi cách nhau 21 ngày. Do số lượng có hạn ban đầu, nhân viên y tế tuyến đầu, những người trên 80 tuổi và nhân viên tại các viện dưỡng lão sẽ là những người đầu tiên được tiêm chủng vắc xin Covid-19, theo tờ The Independent.
Cụ thể, nhóm bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên đang điều trị ngoại trú tại bệnh viện và được xuất viện là những người đầu tiên được tiêm thuốc. Những người khác trên 80 tuổi cũng được mời đến bệnh viện để tiêm phòng. Các viện dưỡng lão cũng được yêu cầu đưa nhân viên - được xem là nhóm có nguy cơ cao nhất nhiễm Covid-19 - đến các phòng tiêm chủng.
Giáo sư Jonathan Van-Tam, quan chức y tế cao cấp trong chính phủ Anh, trước đó cho biết đợt tiêm chủng đầu tiên có thể ngăn ngừa tới 99% số ca nhập viện và tử vong do Covid-19 tại nước này.
|
Sinovac Biotech được đầu tư 515 triệu USD
Trong khi đó, công ty dược Trung Quốc Sinovac Biotech được đầu tư 515 triệu USD để sản xuất vắc xin Covid-19 của hãng. AFP đưa tin Sino Biopharmaceuticals Limited - một công ty nghiên cứu y tế đăng ký tại Hồng Kông, ngày 7.12 cho biết hãng này quyết định đầu tư khoản tiền trên để phát triển và sản xuất CoronaVac, một trong những ứng viên vắc xin tiềm năng nhất của Sinovac Biotech.
Theo Sinovac Biotech - một trong những nhà sản xuất vắc xin hàng đầu của Trung Quốc, số tiền tài trợ này sẽ được sử dụng để “phát triển thêm, mở rộng năng lực và sản xuất” CoronaVac. Hãng Sinovac Biotech cũng hy vọng có thể sản xuất 600 triệu liều vào cuối năm nay. Theo thỏa thuận, Sino Biopharmaceuticals Limited sẽ nhận được 15% cổ phần trong một công ty con của Sinovac là Sinovac Life Sciences.
Cũng tại Trung Quốc, giới chức y tế địa phương hôm qua cho biết đã phát hiện SARS-CoV-2, vi rút gây bệnh Covid-19, trên 3 mẫu bao bì thịt bò đông lạnh nhập khẩu tại huyện Cự Dã (tỉnh Sơn Đông). Theo giới chức huyện Cự Dã, các mẫu bệnh phẩm trên được lấy từ 3 lô thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Argentina. Tân Hoa xã đưa tin nhà chức trách địa phương đã niêm phong các lô thịt bò nhập khẩu trên và số hàng này chưa được phân phối ra thị trường. Có ít nhất 5 người tiếp xúc gần với lô hàng trên và 7 người liên quan đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy tất cả những người này đều âm tính với Covid-19.
Cảnh báo nguy cơ đối với bản quyền vắc xin
Phát biểu trên Đài CBS sáng qua (giờ Việt Nam), ông Chris Krebs, cựu giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Hạ tầng (CISA) thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ, cảnh báo một số nước đang tìm cách đánh cắp bản quyền vắc xin Covid-19.
Ông Krebs cho hay mối nguy không chỉ nhằm vào Moderna và một số hãng dược đi đầu trong nỗ lực phát triển vắc xin, mà còn cả chuỗi cung ứng xung quanh họ, cũng như các kênh phân phối và những viện nghiên cứu y tế công cộng của Mỹ. IBM tuần trước đã phát hiện một cuộc tấn công mạng đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, nhằm vào chuỗi cung cấp các thiết bị trữ lạnh bảo quản và phương tiện vận chuyển vắc xin Covid-19.
H.G
|
Bình luận (0)