Sau khi đổi địa điểm, quy mô tăng lên 8 ha
Theo đó, Thường trực UBND TP.HCM thống nhất chủ trương cho chuyển địa điểm đầu tư Bảo tàng TP.HCM từ lô 3 - 17 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) với diện tích 1,8 ha về khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc tại Q.9 với quy mô diện tích khoảng 8 ha.
Ngoài ra, Thường trực UBND TP.HCM cho phép thành lập Ban chỉ đạo triển khai “Đề án xây dựng Bảo tàng TP.HCM”, trực tiếp chỉ đạo quá trình nghiên cứu lập đề án, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án xây dựng Bảo tàng TP.HCM, trình UBND TP.HCM trước ngày 31.10.
Trước đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM có tờ trình gửi UBND TP.HCM về đề án xây dựng Bảo tàng TP.HCM. Đáng chú ý tờ trình đề xuất chuyển vị trí xây dựng Bảo tàng TP.HCM từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) sang khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc (Q.9).
Vốn đầu tư 1.400 tỉ đồng
Sở Văn hóa và Thể thao cho biết thiết kế trước đó của bảo tàng có diện tích 30 ha mà diện tích đất ở Thủ Thiêm chỉ có 1,8 ha, quá nhỏ và không đủ để xây dựng công trình có quy mô, đảm bảo yêu cầu trưng bày của bảo tàng.
Việc xây dựng Bảo tàng TP.HCM tại khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc sẽ tận dụng được sự kết nối với các công trình khác trong khuôn viên như khu tưởng niệm các vua Hùng, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Bảo tàng Thiên nhiên Nam Bộ... Sự kết nối trên sẽ làm tăng tính giáo dục truyền thống, lịch sử và thu hút du khách tới tham quan.
Theo đề xuất dự án sơ bộ của Sở Văn hóa và Thể thao, công trình Bảo tàng TP.HCM dự kiến được thực hiện trong giai đoạn từ 2020 - 2025. Cơ quan chủ quản đầu tư là UBND TP.HCM, chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp. Với diện tích 8 ha đất xây dựng, tổng mức đầu tư tạm tính của công trình là hơn 1.400 tỉ đồng.
Bảo tàng TP.HCM mới sẽ có tổng diện tích sàn xây dựng 52.000 m2, diện tích không gian ngoài trời 50.000 m2. Sau khi đi vào hoạt động, bảo tàng mới này sẽ là nơi trưng bày các chuyển lãm chuyên đề và tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, chính trị, ngoại giao của thành phố.
Theo đó, Bảo tàng TP.HCM hiện tại nằm trên đường Lý Tự Trọng (Q.1) sẽ hoạt động như một chi nhánh của bảo tàng mới.
Sở Văn hóa và Thể thao cũng kiến nghị áp dụng một số cơ chế đặc thù cho công trình Bảo tàng TP.HCM, trong đó cho phép mời tư vấn quản lý dự án, tư vấn thiết kế, có thể mời tư vấn nước ngoài, đề xuất các phương án thiết kế kiến trúc để lựa chọn, nhưng không tổ chức thi quốc tế.
Bình luận (0)