Báo cáo của Tổng cục Đường bộ cho biết, cả nước có 62 dự án BOT, trong đó 8 dự án đang tạm dừng thu phí. Doanh thu từ 54 trạm BOT đang thu phí trong 3 tháng đầu năm 2021 là hơn 3.294 tỉ đồng, lưu lượng đạt hơn 58 triệu lượt xe.
Trong đó, tháng 1 có tổng số thu hơn 1.157 tỉ đồng, với 21 triệu lượt xe. Tháng 2 số thu hơn 929 tỉ đồng, với hơn 17 triệu lượt xe. Tháng 3, tổng thu từ các trạm thu phí trên địa bàn cả nước là hơn 1.200 tỉ đồng, với gần 20 triệu lượt xe.
Đứng đầu các dự án thu phí là dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tổng doanh thu trong quý I hơn 620 tỉ đồng. Trong đó, các trạm trên cao tốc có doanh thu hơn 420 tỉ đồng, số còn lại là doanh thu của các trạm trên QL5.
Đứng thứ 2 là dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với doanh thu hơn 205 tỉ đồng và dự án nâng cấp mở rộng QL51 khi cùng đạt doanh thu hơn 205 tỉ đồng. Đứng thứ 3 là dự án xây dựng hầm Đèo Cả trên QL1 với doanh thu hơn 188 tỉ đồng.
Đứng cuối trong danh sách 54 trạm là 2 dự án đầu tư xây dựng tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100 theo hình thức hợp đồng BOT và dự án xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C, với doanh thu lần lượt là hơn 8,1 tỉ đồng và hơn 8,3 tỉ đồng.
Mức doanh thu cao trong quý 1 nhờ lưu lượng phương tiện đi lại cao, song từ cuối tháng 4 tới nay, lưu lượng bắt đầu giảm sút. Theo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - đơn vị quản lý tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trước khi dịch Covid-19 bùng phát lại, doanh thu tuyến cao tốc này khoảng 4,6 - 4,8 tỉ đồng/ngày.
Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ lễ 30.4, tâm lý lo ngại dịch khiến nhu cầu đi lại giảm mạnh. Trong tháng 4 và tháng 5, doanh thu dự án cao tốc giảm xuống còn khoảng gần 3 tỉ đồng/ngày, giảm hơn 40% so với trước khi có dịch.
Bình luận (0)