Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết lại chậm tiến độ, vì đâu?

Quế Hà
Quế Hà
03/03/2023 19:01 GMT+7

Xe trải thảm nhựa dừng hoạt động vì nhà máy nhựa đang kiểm định; trên công trường chỉ vài công nhân làm thanh chắn, dải phân cách... Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết nguy cơ 'lỗi hẹn' dịp 30.4.2023.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, địa phương này đã cấp 6 giấy phép khai thác khoáng sản cho các nhà thầu thi công với trữ lượng khoảng 2,27 triệu m(thời hạn khai thác đến ngày 10.12.2022) để cung cấp vật liệu san lấp cho các gói thầu thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Đến ngày 30.11.2022, các nhà thầu đã khai thác để thi công tuyến chính là 1,24 triệu m2. Hiện vẫn rất cần vật liệu san lấp các hạng mục đắp nền đường gom, cầu vượt ngang của dự án.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết lại chậm tiến độ vì đâu ? - Ảnh 1.

Thi công đoạn gói XL04 thuộc H.Hàm Thuận Bắc (ảnh chụp chiều 3.3)

QUẾ HÀ

Trông chờ cơ chế đặc thù?

Tuy nhiên, do các giấy phép đã hết hạn nên việc khai thác khoáng sản vật liệu san lấp đang bị tạm dừng. Các nhà thầu đã nộp hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép. Nhưng tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị gia hạn, các giấy phép khai thác khoáng sản nêu trên đã hết hạn, rơi vào trường hợp giấy phép bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại điểm b khoản 2, Điều 58 luật Khoáng sản.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết lại chậm tiến độ vì đâu ? - Ảnh 2.

Một đoạn đã thảm bê tông nhựa đủ 3 lớp

QUẾ HÀ

Trong số 6 giấy phép nêu trên, có 3 hồ sơ nộp đề nghị gia hạn sau khi giấy phép hết hạn 5 ngày; 1 hồ sơ nộp sau 16 ngày, 1 hồ sơ nộp sau 34 ngày và có 1 trường hợp chưa nộp hồ sơ. Do đó, các tổ chức được cấp giấy phép khai thác khoáng sản nêu trên không còn các quyền xin được gia hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 55 luật Khoáng sản.

Trước đó, ngày 23.2, Bộ TN-MT đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Thuận, đề nghị xem xét việc cấp lại giấy phép cho các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản với thành phần, hình thức quy định tại khoản 1 Điều 59 luật Khoáng sản và khoản 1 Điều 51 Nghị định số 158/CP ngày 29.11.2016 của Chính phủ sẽ mất thời gian (do phải đánh giá lại báo cáo tác động môi trường…); trong khi yêu cầu tiến độ của dự án đầu tư rất gấp (yêu cầu phải xong trước ngày 30.4.2023).

Do đó, Bộ TN-MT kiến nghị Chính phủ cần thiết cho phép UBND tỉnh Bình Thuận được áp dụng một số "cơ chế đặc thù" trong việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản cho các nhà thầu để đáp ứng tiến độ.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết lại chậm tiến độ vì đâu ? - Ảnh 3.

Làm dải phân cách cứng giữa đường

QUẾ HÀ

Cụ thể, Bộ TN-MT kiến nghị Chính phủ đồng ý cho phép UBND tỉnh Bình Thuận xem xét, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản đất đắp cho nhà thầu đã khai thác trước đó, để tiếp tục cung cấp vật liệu cho dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết trên cơ sở trữ lượng khoáng sản còn lại và hồ sơ, tài liệu hiện có (không phải lập lại dự án đầu tư, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường). Tức là lại phải chờ "cơ chế đặc thù" nếu Chính phủ cho phép.

Ngổn ngang công trường

Có mặt tại công trường của dự án này vào chiều nay 3.3, PV Thanh Niên ghi nhận nhiều đoạn đã trải thảm xong 2 lớp bê tông nhựa. Cán bộ kỹ thuật của Ban 7 (Bộ GTVT) cho biết, đây mới chỉ là lớp nhựa C19, còn lớp nhựa C12.5 trên cùng mới trải được 16/100,8 km toàn tuyến.

Hai bên taluy đường đá xếp ngổn ngang, chỉ rất ít công nhân có mặt lát đá taluy, một ít công nhân làm thanh chắn và nền dải phân cách... Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết nguy cơ sẽ "lỗi hẹn" dịp 30.4.2023.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết lại chậm tiến độ vì đâu ? - Ảnh 4.

Thi công mái núi chống sạt lở

QUẾ HÀ

Theo cán bộ kỹ thuật Ban 7, cái khó khăn nhất hiện nay là cần đất đắp nền cho 58 cây cầu trên toàn tuyến; riêng cầu dân sinh là 28 cầu, với tổng số đất cần có 16.000 m3. Hơn 400.000 m3 đất còn lại là phục vụ cho việc làm đường gom dân sinh. Toàn tuyến chiều dài đường gom dân sinh là 148 km chưa chỗ nào hoàn thiện (thiếu tổng cộng hơn 800.000 m3).

Tại công trường thuộc gói XL04, ông Trịnh Quốc Quân, Chỉ huy của nhà thầu Vinaconex cho biết, do không có đất đắp nên nhà thầu này chuyển sang làm dải phân cách; lát đá hai bên taluy và "mót" đất làm đường gom dân sinh. Toàn dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100,8 km) mới chỉ 16 km đủ 3 lớp bê tông nhựa. Nói về tiến độ, đại diện nhà thầu này thừa nhận "không thể kịp tiến độ".

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết lại chậm tiến độ vì đâu ? - Ảnh 5.

Có tổng cộng 58 cây cầu bắc ngang qua tuyến cao tốc

QUẾ HÀ

Theo báo cáo của Ban 7, hiện nay toàn công trường của dự án mới hoàn thành khoảng hơn 74,26% khối lượng công trình, chậm gần 5% tiến độ theo cam kết đến thời điểm hiện tại. Nguyên nhân chậm tiến độ, theo Ban 7, ngoài nguyên nhân thiếu đất đắp nền, còn có các nguyên dân chủ quan từ các nhà thầu. Nếu không có phương án gì khác biệt thì dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ chậm tiến độ, không thể đưa vào khai thác dịp 30.4.2023 như chỉ đạo của Chính phủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.