Dự án chống ngập 'khủng' ở TP.HCM có nguy cơ trễ hẹn

25/11/2017 10:06 GMT+7

Những trục trặc về vốn chắc chắn khiến dự án không thể 'về đích' đúng thời hạn, có thể kéo dài thêm vài năm.

Dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM” được kỳ vọng giải quyết hoàn toàn tình trạng ngập úng và ô nhiễm, giúp hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường TP.HCM phát triển bền vững đang đứng trước nguy cơ trễ hẹn do những khó khăn về vốn.
Không vay 400 triệu USD phía WB
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1.2016 với tổng mức đầu tư 437 triệu USD, trong đó 400 triệu USD là vốn vay Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và đối ứng phía VN là 37 triệu USD, do UBND TP.HCM cân đối, bố trí. Theo kế hoạch, dự án này được thực hiện trong 6 năm, từ năm 2016 - 2021.
Tuy nhiên, từ tháng 7.2017, đại diện UBND TP.HCM và đại diện WB đã đồng thuận tiến hành các thủ tục để kết thúc dự án đối với nguồn vốn được tài trợ từ WB do có sự khác biệt rất lớn về chính sách áp dụng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng giữa hai bên. Cụ thể là cách xác định giá trị bồi thường cho từng loại đất. Đơn cử, đối với đất vườn thổ cư, pháp luật VN quy định hạn mức đất ở để bồi thường, phần còn lại sẽ được bồi thường theo đất nông nghiệp. Nhưng phía WB lại dự kiến tính bồi thường toàn bộ khuôn viên theo giá đất ở, cho chuyển mục đích toàn bộ đất nông nghiệp thành đất ở mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nếu TP thực hiện theo đề nghị của WB thì không phù hợp với quy định của luật Đất đai 2013 và sẽ không công bằng cho hơn 2.000 trường hợp trong dự án giai đoạn 1 đã nhận tiền, di dời trước thời điểm tháng 3.2014. Điều này dễ dẫn đến phát sinh so sánh và khiếu nại không chỉ giữa các hộ dân trong dự án giai đoạn 1 mà còn đối với tất cả các dự án khác đang triển khai trên địa bàn. Đó là lý do mới đây, Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Thủ tướng giao bộ này chủ trì, phối hợp với UBND TP.HCM, các cơ quan liên quan và WB tiến hành các thủ tục theo quy định để hủy dự án.
Nhiều tuyến đường sẽ kéo dài ngập lụt
Hủy dự án đồng nghĩa với việc rất nhiều tuyến đường của TP tiếp tục đối mặt với ngập lụt trầm trọng. Bởi theo TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - ĐH Quốc gia TP.HCM: Dự án “Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM” là giải pháp căn cơ, vô cùng quan trọng đối với việc chống ngập lụt tại TP.HCM, đặc biệt là các khu vực phía bắc, quận Gò Vấp, 12, Tân Bình. Những khu vực này hiện đã rất trũng, nếu không được đầu tư hệ thống thoát nước, dẫn nước ngập ra kênh thì không có cách nào chống ngập được. Dự án đã được khởi động từ cách đây 3 năm, đến giờ chưa làm được gì, lại hoãn vô thời hạn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn.
“Không chỉ thế, Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát đang được xây dựng đã xong giai đoạn 1, công suất 131.000 m3/ngày đêm, không thu gom được lượng nước thải từ Q.Gò Vấp về nhà máy theo kế hoạch sẽ thiếu nước thải để xử lý. Rồi các dự án xây kè bờ kênh mà không có cống kết nối cũng bỏ phí không dùng được”, TS Phi nói và đề xuất Chính phủ nên thay đổi cơ chế cho phù hợp với thế giới.
Câu hỏi lớn nhất lúc này là TP sẽ kiếm đâu ra nguồn vốn 400 triệu USD để tiếp tục dự án trong bối cảnh ngân sách khó khăn và tình trạng ngập lụt vẫn hết sức nghiêm trọng?
Ngày 23.11, trả lời Thanh Niên, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm chống ngập TP.HCM, cho biết: TP đang tìm nguồn vốn khác cho dự án, có thể từ ngân sách TP, xin ngân sách T.Ư hoặc thực hiện theo hình thức đối tác công tư... Tuy nhiên, ông Long thừa nhận, những trục trặc về vốn chắc chắn khiến dự án không thể “về đích” đúng thời hạn, có thể kéo dài thêm vài năm. Trong thời gian này, đối với các tuyến đường trực tiếp ngập nặng, Trung tâm chống ngập TP.HCM đã đề xuất đầu tư bằng ngân sách TP, đến năm 2018 sẽ thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.