Dự án chống sạt lở nguy cơ gây... sạt lở

Lê Lâm
Lê Lâm
07/04/2021 05:18 GMT+7

Dự án cấp bách xử lý sạt lở đồi đất nằm sát quốc lộ 20 (ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, H.Tân Phú, Đồng Nai) thi công không tuân theo thiết kế nên gây ra nguy cơ sạt lở.

Hàng loạt sai phạm trong quá trình thi công

Năm 2018, do ngọn đồi nằm sát quốc lộ (QL) 20, có nguy cơ sạt lở, gây mất an toàn giao thông và cho cả những hộ dân sinh sống trong khu vực nên UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt dự án cấp bách xử lý sạt lở tại đây. Mục tiêu của dự án nhằm xử lý đồi đất (bóc tách, cải tạo gần 200.000 m3 đất) nhằm ổn định lâu dài, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân sống trong khu vực ấp Phú Lâm 3 (xã Phú Sơn). Thời gian hoàn thành là 4 năm, do Công ty TNHH Minh Minh Đạt làm chủ đầu tư với mức đầu tư 9,5 tỉ đồng theo hình thức xã hội hóa.
Theo thiết kế được phê duyệt, ngọn đồi được xử lý bằng cách đào đất, bạt sườn đồi, cứ 6 m lại tạo cơ, nhằm nâng cao ổn định cho phần mái sườn đồi. Tuy nhiên, cuối tháng 2.2021, Sở NN-PTNT Đồng Nai (đơn vị chủ trì thẩm định hồ sơ thiết kế, kiểm tra, giám sát thi công) đã đến kiểm tra và chỉ ra hàng loạt sai phạm. Cụ thể, biện pháp thi công của nhà thầu chưa thực hiện theo thiết kế được duyệt như đào mái thẳng đứng, chưa bạt mái taluy, tạo cơ theo thiết kế mà lại đào sâu vào chân đồi; chưa cắm mốc theo thiết kế được duyệt; chưa có bảng công khai công trình tại khu vực thi công; chưa bố trí người hướng dẫn giao thông trong quá trình vận chuyển đất từ công trình ra QL20; chưa cắm biển báo nguy hiểm tại những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao mà chưa triển khai thi công...

Chống sạt lở lại lo... sạt lở

Sau khi kiểm tra, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công ty TNHH Minh Minh Đạt khắc phục những tồn tại hạn chế trên, ngừng ngay việc đào đất ở chân đồi, ưu tiên xử lý gấp công tác bạt mái, tạo cơ tại các vị trí đã thi công chưa phù hợp theo thiết kế được duyệt, để bảo đảm an toàn trong quá trình thi công và tránh sạt lở tiếp khi có mưa, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực dự án. Công việc này phải thực hiện xong trước ngày 30.4.2021. Ngoài ra, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai còn lưu ý trong quá trình thi công, chủ đầu tư tuyệt đối không để tình trạng đất đá tràn ra QL20.
Sự lo lắng sạt lở của Sở NN-PTNT hoàn toàn có cơ sở, vì chiều 21.3, sau cơn mưa lớn, một số lượng bùn đất theo nước mưa đã tràn ra QL20 khiến nhiều người đi xe máy té ngã, giao thông ách tắc. Lực lượng chức năng phải ra điều tiết giao thông, cũng như xịt nước, bơm rửa mặt đường.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND H.Tân Phú Nguyễn Hữu Ký cho biết: "Sau sự cố sạt lở trên, UBND H.Tân Phú đã tạm thời cho ngưng khai thác, cũng như ngưng chuyên chở đất ra ngoài. Chỉ cho phép chủ đầu tư bạt mái taluy, tránh việc sạt lở có thể xảy ra. Bên cạnh đó, chúng tôi còn yêu cầu công ty hạn chế thấp nhất trường hợp bụi, bùn đất tràn ra đường khi trời mưa. Đó là biện pháp trước mắt, còn về lâu dài thì huyện đã gửi báo cáo lên Sở NN-PTNT Đồng Nai cùng các đơn vị liên quan để các đơn vị này về kiểm tra, hỗ trợ địa phương xử lý".

Người dân yêu cầu thi công an toàn

Bà Nguyễn Thị Giao (ngụ ấp Phú Lâm 3) cho biết: "Trong hơn 40 năm sống ngay cạnh chân đồi, tôi đã nhiều lần chứng kiến đồi sạt lở, nhất là vào mùa mưa khiến đất đá rơi xuống nên rất lo lắng, bất an. Khi có dự án bạt đồi chống sạt lở thì rất mừng, mong chính quyền, công ty làm xong sớm để dân được nhờ, ăn ngon ngủ yên nhưng làm sao phải bảo đảm sự an toàn".
Trong khi đó, ở phía đối diện đồi, người dân lại phàn nàn dự án đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Ông Phạm Minh Hòa (nhà đối diện đồi) nói: "Bụi từ dự án bay vào phủ khắp nhà, một ngày quét chục lần vẫn còn bụi. Trong khi đó, xe chở đất thì che chắn sơ sài, có xe không che bạt rớt đất đá xuống đường. Bùn đất tràn ra lấp hết mương cống, nghẹt nước không có chỗ thoát thế nhưng công ty không xử lý, chỉ lo cuốc đất chở đi thôi”.
Để có ý kiến khách quan, PV Thanh Niên đã liên hệ Công ty Minh Minh Đạt cũng như gửi câu hỏi qua email (theo yêu cầu) nhưng hơn 10 ngày qua vẫn chưa nhận được hồi âm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.