Ngày 9.5, HĐND TP.HCM giám sát công tác đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (gọi tắt là Ban Dân dụng và Công nghiệp).
XÓT XA TRUNG TÂM TRIỂN LÃM TRƠ TRỌI
Tại buổi giám sát, dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm tiếp tục được các đại biểu mổ xẻ, đề nghị làm rõ trách nhiệm. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 800 tỉ đồng, do Ban Quản lý xây dựng trung tâm triển lãm quy hoạch, thuộc Sở QH-KT, làm chủ đầu tư, khởi công từ quý 1/2013 nhưng đến nay chưa hoàn thành. Đến nay, dự án được bàn giao về cho Ban Dân dụng và Công nghiệp. Do kéo dài nên dự án phát sinh thêm chi phí hơn 60 tỉ đồng.
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, đặt vấn đề đến năm 2025 có hoàn thành không, bởi lẽ trong năm 2023 dự án này được bố trí 250 tỉ đồng nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân bằng 0. Ông Bình đề nghị HĐND TP.HCM đưa ra thanh tra, làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để thúc đẩy dự án. "Hiện khối lượng thực hiện đã 45%, và 55% còn lại là thử thách cực lớn", ông Bình đánh giá, đồng thời cho rằng cần có giải pháp quyết liệt để thu hồi 85 tỉ đồng đã bố trí cho nhà thầu, tránh thất thu ngân sách.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ bày tỏ sự xót xa khi công trình được kỳ vọng rất nhiều nhưng tiến độ lại chậm trễ, đồng thời đề nghị làm rõ vì sao chậm, nguyên nhân chủ quan là gì, nếu làm tiếp thì bảo đảm an toàn ra sao? Bà Lệ đề nghị chủ đầu tư đề xuất hướng xử lý, tiếp tục công năng cũ hay đề xuất công năng khác.
Giải đáp các câu hỏi của đại biểu, ông Nguyễn Văn Trường, Phó giám đốc phụ trách Ban Dân dụng và Công nghiệp, cho biết đơn vị tiếp nhận dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM từ tháng 10.2022. Công trình hoàn thành phần thô từ cuối năm 2017, tuy nhiên cho đến nay chưa hoàn thiện do vướng gói thầu nhôm kính trị giá 107 tỉ đồng, chủ đầu tư cũ đã tạm ứng 42 tỉ đồng cho nhà thầu. Sau khi tiếp nhận, đơn vị này mời các nhà thầu ký hợp đồng với chủ đầu tư cũ lên ký phụ lục hợp đồng để khởi động dự án. Tuy nhiên, nhà thầu gói thầu nhôm kính không đồng ý vì cho rằng các nội dung cũ chưa giải quyết xong.
Trước sự việc trên, Ban Dân dụng và Công nghiệp đã báo cáo Thành ủy và UBND TP.HCM, đề xuất phương án cắt hợp đồng. "Tình huống xấu nhất là khởi kiện ra tòa vì nhà thầu chiếm dụng vốn, trình mẫu vật tư không đạt", ông Trường nói, đồng thời nhấn mạnh phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu cũ thì mới đấu thầu tìm nhà thầu mới để thi công được. Hơn nữa, khi gói thầu nhôm kính hoàn thành thì mới triển khai các gói thầu khác như sơn, điện.
RÀ SOÁT NĂNG LỰC ĐƠN VỊ TƯ VẤN
Trong giai đoạn 2020-2025, Ban Dân dụng và Công nghiệp TP.HCM có 69 dự án về y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao… được thông qua chủ trương đầu tư, tổng trị giá hơn 23.000 tỉ đồng. Năm 2023, đơn vị này đã giao vốn cho 23 dự án, với tổng số tiền gần 3.700 tỉ đồng, tiến độ giải ngân đến hết tháng 4.2023 đạt 6,2%.
Dù có nhiều dự án giải ngân 100% nhưng một số dự án do Ban Dân dụng và Công nghiệp làm chủ đầu tư giải ngân chưa tới 50% do vướng bồi thường giải phóng mặt bằng, số ít dự án khác vướng thủ tục quyết toán. Điển hình có thể kể đến dự án cụm y tế Tân Kiên và Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cơ sở 2 (H.Bình Chánh); dự án xây dựng hàng rào, san lấp Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi đều đang vướng mặt bằng.
Kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá công tác phối hợp chậm, chưa đồng bộ nên hiệu quả không cao, nhiều dự án chậm đưa vào sử dụng gây lãng phí lớn. Bà Lệ cũng cho rằng cần đánh giá lại năng lực đơn vị tư vấn để rút kinh nghiệm chung, chứ không thể tư vấn vẽ cho đẹp nhưng làm dự án lại bít đường đi của người dân. Đối với 9 dự án của Ban Dân dụng và Công nghiệp đang gặp vướng mắc, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị chủ đầu tư chủ động phối hợp các sở, ngành, địa phương tháo gỡ, đảm bảo tiến độ dự án, tránh lãng phí do kéo dài.
Bình luận (0)