Dự án giao thông 'phập phồng' thi công giữa dịch

Mai Hà
Mai Hà
04/08/2021 07:16 GMT+7

Cuối tuần trước, dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam cuối cùng đã được Bộ GTVT ký kết với nhà đầu tư. Các dự án đang triển khai cũng chạy “nước rút” tiến độ dù phải đối mặt muôn vàn khó khăn do dịch bệnh.

Sợ đóng cửa công trường vì F0

Đầu tháng 7.2021, hai cán bộ của nhà thầu gói XL01 tại dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi công tác từ TP.HCM về Bình Thuận, dù đã xét nghiệm âm tính, khai báo y tế với địa phương, nhưng không thực hiện đúng chỉ dẫn tự cách ly, dẫn đến hệ quả có 2 ca F0, nhiều F1, F2 phải cách ly tại chỗ, ảnh hưởng đến hoạt động công trường.
Thế nên với nhiều dự án cao tốc Bắc - Nam đang triển khai tại khu vực phía nam, khó khăn không chỉ do thiếu vật liệu, mà còn lo thiếu nhân sự, nguy cơ phải “đóng cửa” công trường nếu có nhiều ca nhiễm Covid-19.
Túc trực nhiều tháng nay tại công trường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết trên địa bàn Bình Thuận, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), chia sẻ với Thanh Niên nhiều cán bộ ban, công nhân nhà thầu người ít thì 2 tháng, người nhiều 4 - 5 tháng chưa được về nhà. “Dịch đang rất căng thẳng, nếu đi đến các địa phương có dịch quay về lại công trường, nguy cơ mang mầm bệnh về rất lớn. Vì thế nên anh em đều cố gắng 3 tại chỗ, công trường “đóng cửa” với bên ngoài, chỉ tập trung thi công”, ông Khoát cho hay.
Cũng theo ông Khoát, dự án đã thực hiện được 13 - 14% giá trị xây lắp. Đây là giai đoạn cao điểm bản lề, song lại đang gặp rất nhiều khó khăn về huy động vật tư thiết bị đặc chủng, đặc biệt là thiếu đất đắp. “Nếu so với kế hoạch xây dựng thì tiến độ dự án đang chậm, nhưng nguyên nhân khách quan là dịch Covid-19. Nguồn đất đắp xây dựng cũng rất căng, dù Chính phủ mới đây đã có nghị quyết tháo gỡ, nhưng trong thực hiện vẫn vướng bởi luật Khoáng sản. Ban cũng đã đề xuất lên Bộ GTVT để kiến nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ, mục tiêu cuối năm là hoàn thành cơ bản khối lượng đào đắp nền của dự án”, ông Khoát chia sẻ.
Tương tự, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn, xe vận chuyển vật liệu, máy móc không vào được do Đồng Nai đã thực hiện giãn cách xã hội. Dù thực hiện “3 tại chỗ”, vừa thi công vừa phòng dịch, song vẫn xảy ra trường hợp công nhân dính F0, nhiều công nhân khác thành F1, F2 phải cách ly.
Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cũng cho biết dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía nam, khiến việc huy động nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tại hiện trường của các nhà thầu gặp vô vàn khó khăn. Thậm chí các dự án thường trực nguy cơ chậm tiến độ nếu có công nhân lây nhiễm Covid-19.

Sáng 4.8: Cả nước 4.271 ca Covid-19; riêng TP.HCM 2.365 ca, Bình Dương 1.032 ca

Tăng tốc chuẩn bị dự án

Dù vậy, giao thông vẫn có nhiều điểm sáng khi đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn mức bình quân chung cả nước. Thống kê 7 tháng đầu năm, Bộ GTVT đã giải ngân hơn 19.000 tỉ đồng, đạt 44,6% kế hoạch đã phân bổ và 44,4% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (tỷ lệ bình quân chung của các bộ, ngành T.Ư là 28,6%).
Ngày 30.7, Bộ GTVT đã chính thức ký hợp đồng thực hiện dự án PPP Cam Lâm - Vĩnh Hảo với liên danh nhà đầu tư, sau thời gian đàm phán kéo dài. Trước đó, 2 dự án PPP khác là Nha Trang - Cam Lâm và Diễn Châu - Bãi Vọt đã được ký kết hợp đồng cuối tháng 5, đầu tháng 6.
Tại kỳ họp thứ 1 Quốc hội (QH) khóa 15 vừa diễn ra, QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn, trong đó quyết định bố trí hơn 38.700 tỉ đồng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021 - 2025). Ngoài ra, QH cũng giao Chính phủ chỉ đạo khẩn trương, hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác (tổng số vốn 78.719 tỉ đồng), trình QH xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và mức bố trí vốn, không chia nhỏ dự án.
Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có chiều dài 78,5 km, tổng vốn đầu tư 8.925 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư gần 3.800 tỉ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỉ đồng, vốn vay khoảng 2.800 tỉ đồng), nguồn vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 4.200 tỉ đồng. Sở dĩ quá trình đàm phán kéo dài do Bộ GTVT và liên danh nhà đầu tư (do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu) phải trải qua nhiều lần thương thảo chi tiết về các vướng mắc tài chính, thủ tục pháp lý. Nhà đầu tư cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn vật liệu khan hiếm và biến động giá của sắt thép, cát đá... cùng yêu cầu của các tổ chức tín dụng về bảo lãnh doanh thu, trong khi hợp đồng dự án không áp dụng.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, thông qua đấu thầu, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã tiết kiệm được hơn 891 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước, đây là điều rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.
Để “gối đầu” chuẩn bị cho giai đoạn 2021 - 2025, hàng loạt dự án khác cũng đang được Bộ GTVT tăng tốc chuẩn bị. Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cũng đã phối hợp với các địa phương cơ bản hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi 6 dự án giao thông trọng điểm quốc gia gồm: dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, dự án TP.HCM - Chơn Thành, dự án vành đai 4 TP.Hà Nội, dự án vành đai 3 TP.HCM, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề, dự án Buôn Ma Thuột - Vân Phong.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, nhận xét trong bối cảnh hiện nay, đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP là phương thức cơ bản để huy động nguồn lực của nhà đầu tư tư nhân để cùng nhà nước phát triển hạ tầng. “Theo kế hoạch của Chính phủ, đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường cao tốc. Trong 20 năm qua, chúng ta mới làm được gần 1.200 km, trong khi 10 năm tới phải làm gấp 3 lần 20 năm trước đó, đây sẽ là áp lực rất lớn. Để hoàn thành mục tiêu, bắt buộc phải huy động vốn tư nhân nhiều hơn nữa, cùng với đó phải ban hành các chính sách khơi thông cho dòng vốn tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn”, ông Lộc khuyến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.