Metro số 1 vẫn chưa hết trắc trở

03/07/2021 06:41 GMT+7

Mòn mỏi chờ đợi suốt 15 năm, ở giai đoạn nước rút, tuyến metro số 1 của TP.HCM vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thử thách, đe dọa nghiêm trọng đến tiến độ về đích.

Nợ quá lâu, đơn vị tư vấn đòi dừng hợp đồng

Liên danh NJPT (tư vấn chung dự án metro số 1) vừa có văn bản gửi Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) và UBND TP, thông báo tạm dừng nhiều dịch vụ tư vấn do phụ lục hợp đồng số 19 vẫn chưa được ký điều chỉnh. Đây hiện là thủ tục rất quan trọng bởi liên quan trực tiếp đến công tác đào tạo lái tàu, lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin thuộc gói thầu CP4... Theo đó, liên danh NJPT sẽ tạm dừng làm việc tại văn phòng, ngoại trừ các nhân viên thực hiện quy trình nội bộ; ngưng trao đổi thông tin qua văn bản hoặc thư điện tử với chủ đầu tư cùng các nhà thầu dự án. Giám đốc và quản lý dự án của NJPT cũng từ chối ký các hồ sơ liên quan dự án từ ngày 2.7. Tuy nhiên, phía tư vấn cho biết vẫn duy trì một số công việc như trao đổi thông tin, song "không chính thức" (bằng điện thoại, trao đổi điện tử). Một số dịch vụ khác cũng tiếp tục như giám sát trên công trường, ký xác nhận hồ sơ nghiệm thu; đưa ra chỉ đạo không chính thức đến các nhà thầu trên công trường...
Theo ông Hà Ngọc Trường: “Metro số 1 bao giờ có thể “về đích” phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của các sở, UBND TP.HCM và các bộ liên quan. UBND TP.HCM cũng như Chính phủ cần nghiêm túc đánh giá, quyết đoán, điều chỉnh cơ chế, chính sách thì TP.HCM mới có thể nhanh chóng hoàn thành giấc mơ metro”.
Năm 2007, MAUR ký hợp đồng với liên danh NJPT thực hiện tư vấn cho dự án metro số 1, trị giá hơn 9 tỉ yen Nhật (gần 1.300 tỉ đồng thời điểm đó). Thời gian thực hiện hợp đồng này là 132 tháng, chia làm 5 giai đoạn: thiết kế cơ sở, lập hồ sơ thầu; đấu thầu; giai đoạn sau hợp đồng (rà soát thiết kế, giám sát xây dựng); giai đoạn bảo trì; giai đoạn tư vấn bảo trì. Hợp đồng này được ký dựa trên tiến độ dự kiến ban đầu của công trình với thời gian hoàn thành năm 2015. Dự án sau đó gặp nhiều vướng mắc, phải điều chỉnh thời gian hoàn thành đến cuối năm 2021. Điều này dẫn đến hợp đồng tư vấn chung phát sinh nhiều công việc khiến dự án phải bổ sung thêm 19 phụ lục hợp đồng. Trong đó 18 hợp đồng đã ký, riêng phụ lục số 19 từ tháng 4.2017 đến nay chưa xong. Hợp đồng có tổng giá trị dự kiến hơn 1.700 tỉ đồng.
Theo MAUR, giai đoạn 2017 - 2018 và từ năm 2019 đến nay, quá trình đàm phán với liên danh NJPT đã trải qua 31 đợt. Phụ lục hợp đồng số 19 chưa được ký đã ảnh hưởng lớn đến điều hành dự án và liên danh NJPT do chưa có chi phí để thanh toán cho đơn vị này. Hồi tháng 7.2020, MAUR khai giảng lớp đào tạo 58 kỹ thuật viên lái tàu cho tuyến metro số 1, do Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1 (HURC1) tuyển dụng. Tuy nhiên, do phụ lục số 19 chưa được ký kết, tư vấn chung NJPT đã thông báo ngưng đào tạo lái tàu từ cuối tháng 11.2020. Đến nay, 58 kỹ thuật viên lái tàu metro số 1 đã hoàn thành 8/19 môn học tại Trường cao đẳng Đường sắt nhưng buộc phải tạm ngưng học do... chưa được đóng học phí.
Đầu tháng 6 vừa qua, UBND TP.HCM chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan nhằm sớm ký phụ lục số 19. Hiện, dự toán cho phụ lục đã được các bên thẩm định nhưng phụ lục hợp đồng vẫn chưa hoàn thành ký lại. Nguyên nhân, tuyến metro số 1 vẫn chưa xác định được giá trị ODA cấp phát còn lại do chưa thống nhất về áp dụng đồng tiền giữa các bộ nên TP vẫn chưa nhận được vốn giải ngân từ T.Ư để có đủ tiền thanh toán cho các đơn vị. Hơn 4.000 tỉ đồng ngân sách TP tạm ứng để thực hiện dự án trong quá trình hoàn thành thủ tục nâng tổng mức đầu tư, đến nay vẫn chưa được hoàn lại.

Hơn 8 tháng chưa tìm ra nguyên nhân sự cố

Không chỉ chậm vốn giải ngân, chậm thanh toán công nợ với các nhà thầu, sự cố lệch dầm cầu cạn tại hơn 1 vị trí, đường ray bị hư hỏng khiến người dân càng thêm lo lắng cho tiến độ dự án. Gối cao su bản thép đầu tiên bị phát hiện mất ổn định rời khỏi đá kê gối mà không rõ lý do từ ngày 30.10.2020 nhưng đến nay đã hơn 8 tháng trôi qua, đã có tổng cộng 6 vị trí được xác định có dấu hiệu bất thường nhưng nguyên nhân sự cố và phương án giải quyết, khắc phục vẫn chưa được chỉ rõ.
Hồi tháng 4, sau khi trực tiếp thực địa kiểm tra hiện trường, một thành viên thuộc Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã bước đầu nhận định hiện tượng các gối cao su bản thép sử dụng cho cầu cạn bị dịch chuyển, xô lệch khỏi đá kê gối thuộc gói thầu CP2 có tính chất hệ thống, tức xảy ra hàng loạt. Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã tính tới phương án phải sửa lại toàn bộ 1.138 gối cao su đã lắp đặt. Tuy nhiên, một chuyên gia thuộc Tổ tư vấn độc lập do UBND TP thành lập cho rằng nếu phải sửa lại hết các gối cầu, sẽ ảnh hưởng tới tất cả kiến trúc tầng trên như dầm cầu, đường ray... đặc biệt khi hiện nay hệ thống điện đã được đấu nối và dẫn xong. Làm lại toàn bộ, tức là phải kiểm tra các gối nào bị hở, xê xích, chỉnh sửa, đường ray chỗ nào bị sứt, phải tháo ra hết, ít nhất phải mất hơn 6 tháng để giải quyết, sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới tiến độ của dự án. Khó khăn hiện nay là tổ tư vấn độc lập do tổng thầu - liên danh Sumitomo - Cienco6 (SCC) chỉ định - vẫn chưa thể vào VN do dịch bệnh.
Mới đây nhất, ngày 25.6, Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản báo cáo UBND TP về tình hình giải quyết các vấn đề liên quan của các tuyến metro. Trong đó, Sở cũng có ý kiến về phương án tìm nguyên nhân làm gối cầu metro số 1 bị lệch. Sau khi nhận văn bản, UBND TP đã có chỉ đạo MAUR về việc phối hợp với tư vấn chung NJPT, nhà thầu và các đơn vị có liên quan nhanh chóng giải quyết dứt điểm sự việc gối cầu cao su của cầu cạn theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án. Đồng thời, chỉ đạo ngay tư vấn chung và nhà thầu có các biện pháp hạn chế thấp nhất phát sinh thêm sự việc dịch chuyển gối cầu cao su và vấn đề liên quan khác.
Các chuyên gia, MAUR luôn khẳng định sẽ làm hết sức để không ảnh hướng tới tiến độ dự án nhưng thực tế, trong bản kế hoạch chi tiết về tiến độ thực hiện, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và các năm tiếp theo gửi UBND TP.HCM, MAUR đã đề cập việc dự kiến vận hành thử toàn tuyến metro số 1 và khai thác thương mại trong năm 2022. Như vậy, “lời hứa” đưa tuyến metro số 1 vào vận hành thương mại cuối năm 2021 đã không thể thực hiện.

Không gỡ ải thủ tục, khó hoàn thành giấc mơ metro

PGS-TS Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM, nhận định tình trạng chậm trễ của tuyến metro số 1 ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống giao thông TP.HCM vì trong quy hoạch, hầu hết giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông của TP đều trông cậy vào hệ thống đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, việc không đảm bảo tiến độ như đã cam kết với các đối tác còn ảnh hưởng đến uy tín của VN, cản trở các cơ hội vay vốn hoặc thu hút vốn tư nhân vào các dự án giao thông quy mô lớn trong tương lai. Bản thân các nhà đầu tư nước ngoài cũng chịu nhiều thiệt hại trong việc kéo dài thời gian thi công, khấu hao máy móc thiết bị.
Thực tế, TP.HCM đang dần chuyển sang các mô hình đầu tư khác để nhanh chóng hình thành mạng lưới đường sắt đô thị. Tuy nhiên, đại diện MAUR thừa nhận còn nhiều khó khăn do đường sắt đô thị là những dự án rất lớn, đòi hỏi các nhà đầu tư tham gia phải có tiềm năng, tiềm lực rất lớn. Bên cạnh đó, luật PPP chưa được ban hành nên một mặt TP vẫn đang xúc tiến, tiếp xúc với các nhà đầu tư nhưng mặt khác vẫn phải chờ hành lang pháp lý hoàn chỉnh để hạn chế tối đa rủi ro.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.