Dẫn chúng tôi qua hơn 10 km đường đất gập ghềnh vào vùng dự án hồ Krông Pách thượng, anh Vàng Seo Hầu (38 tuổi, trú xã Cư San, H.M'Đrắk, Đắk Lắk) ngán ngẩm cho biết nhiều năm nay anh cùng hàng trăm hộ dân khác phải “chôn chân” trong khu vực lòng hồ vì công tác di dân, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư (TĐC) chậm. Theo anh Hầu, hơn 10 năm qua, kể từ ngày dự án này bắt đầu triển khai, các thôn 9, 10 và 11 của xã Cư San (thuộc vùng lòng hồ) gần như không được đầu tư gì, ngay cả sóng điện thoại cũng chập chờn, khi có khi không...
Một hạng mục đang được thi công tại dự án hồ Krông Pách thượng |
Hoàng Bình |
Vào khu vực lòng hồ của dự án, chúng tôi gặp ông Giàng Seo Trắng (66 tuổi) đang tỉ mẩn ghi chép lại số cây trong vườn nhà mình. Ông Trắng cho rằng nhiều cây trồng của mình bị đếm sót nên chưa chấp nhận di dời dù đã được duyệt đền bù hơn 3 tỉ đồng cho 8 ha đất và nhà ở. “Ngoài việc do kiểm đếm đền bù thiếu, tôi cùng nhiều bà con chưa muốn dời đến khu TĐC số 2 do đồng ruộng, nương rẫy nơi ở mới chưa có”, ông Trắng băn khoăn.
Ông Nguyễn Đức Thảo, Phó chủ tịch UBND H.M'Đrắk, cho biết hiện còn khoảng 500 hộ dân của xã Cư San ở vùng lòng hồ chưa di dời; trong đó, có hơn 400 hộ chưa đồng ý nhận tiền. Ngoài ra, khu TĐC số 2 cũng chưa thực hiện xong nên công tác di dân gặp khó. “Hiện chúng tôi đang lên kế hoạch cưỡng chế gần 20 hộ về khu TĐC số 1. Đối với khu TĐC số 2, chúng tôi đã có ý kiến để UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư và đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, huyện cũng rà soát lại các kiến nghị về đền bù của bà con, nếu kiến nghị đúng thì phải bổ sung”, ông Thảo nói.
Thiếu hạ tầng, thiếu đất sản xuất nên dân chưa di dời
Theo ghi nhận vào tháng 11.2022, hợp phần xây lắp của dự án do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8, thuộc Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành. Ông Vương Đình Thiết, Giám đốc Ban 8, cho biết hiện đơn vị đã thực hiện khoảng 80% các công trình đầu mối (đập, tràn xả lũ, cống lấy nước) và khoảng 70% các tuyến kênh. “Năm 2023 chúng tôi sẽ hoàn thành dự án. Tuy nhiên, việc chặn dòng tích nước thì phải phụ thuộc vào công tác di dân”, ông Thiết chia sẻ.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NN-PTNT (Ban QLDA) tỉnh Đắk Lắk, chủ đầu tư hợp phần TĐC dự án trên, toàn dự án có gần 4.000 ha đất phải thu hồi, khoảng 800 hộ dân phải di dời đến 2 khu TĐC (ở xã Cư Êlang và Ea Bông, H.Ea Kar) với tổng diện tích hơn 1.370 ha. Ông Nguyễn Đình Thìn, Phó giám đốc Ban QLDA tỉnh, cho biết khu TĐC số 2 đã hình thành hơn 400 lô đất ở và đã có 206 hộ bốc thăm, 12 hộ đến dựng nhà. Tuy nhiên, nhiều hạng mục tại khu TĐC này chưa hoàn thành theo thiết kế, chưa có đất rẫy và đất ruộng cho người dân (mỗi hộ 1 ha). “Chúng tôi cố gắng đến tháng 3.2023 hoàn thành cánh đồng màu, tháng 6.2023 hoàn thành đồng lúa để giao cho bà con và hoàn tất công tác di dân. Hiện có khoảng 400 tỉ đồng được cấp để chi trả cho người dân thuộc diện di dời, GPMB nhưng nhiều hộ chưa chịu nhận nên chưa giải ngân được”, ông Thìn thông tin.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết dự án kéo dài khiến các cơ quan chức năng rất vất vả; tuy nhiên, hiện nhiều vấn đề cơ bản đã được giải quyết. “Mới đây, tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện rốt ráo kế hoạch đề ra, đảm bảo đúng tiến độ dự án, đặc biệt là công tác di dân TĐC”, ông Nghị nói.
Bình luận (0)