Lập tổ công tác 'trảm' dự án treo

26/11/2022 06:27 GMT+7

Chủ tịch Phan Văn Mãi giao Văn phòng UBND TP.HCM cùng Sở Nội vụ thành lập tổ công tác. 'Tổ này sẽ được nâng lên thành ban chỉ đạo của TP.HCM chỉ đạo các vấn đề tồn đọng về dự án treo', ông Mãi nói.

Chiều 25.11, tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 6, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, tiếp tục nêu bức xúc về dự án treo trên địa bàn, đặc biệt là 2 dự án kéo dài trên 20 năm.

Chủ đầu tư năng lực yếu

Cụ thể, dự án khu công nghiệp Vĩnh Lộc rộng 112 ha có từ năm 1998, hiện còn khoảng 9,2 ha chưa bồi thường. Do dự án không thực hiện tiếp nên ảnh hưởng đến người dân chưa giải tỏa. “Quận đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư để tìm hướng ra nhưng chủ đầu tư chưa có hướng. Trong các buổi tiếp xúc cử tri của ĐBQH và HĐND TP.HCM, người dân liên tục phản ánh, kiến nghị sớm hoàn thành dự án”, ông Nhựt nói, đồng thời đề xuất nếu chủ đầu tư không đủ năng lực thì giao quận quy hoạch lại để đảm bảo quyền lợi của người dân. Tương tự, dự án khu dân cư Vĩnh Lộc rộng 110 ha, hiện còn 10 ha chưa bồi thường.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, HĐND TP.HCM thông qua 11 nghị quyết về thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 1.445 dự án. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Sở TN-MT đưa ra kết quả chỉ có 402 dự án hoàn thành, 741 dự án đang triển khai và có đến 302 chậm triển khai.

Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết một mình sở này không thể giải quyết và đề xuất lập tổ công tác để giải quyết dứt điểm. Như dự án khu dân cư Vĩnh Lộc do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Q.5 làm chủ đầu tư, tiến độ bồi thường 85% nhưng khi thẩm định lại năng lực thì chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh ranh bồi thường vì đơn vị không còn tiền để tiếp tục thực hiện dự án. Còn dự án khu công nghiệp Vĩnh Lộc đã bồi thường 92% nhưng 2 ha còn lại chưa thống nhất được phương án bồi thường do giá bồi thường không còn phù hợp.

Trao đổi thêm, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân cho biết, phương án đền bù của 2 dự án trên có từ 20 năm trước, đến nay không còn phù hợp nhưng thẩm quyền của TP.HCM không thể điều chỉnh. Do đó, ông Nhân đề nghị UBND TP.HCM xin ý kiến Chính phủ cho giải pháp đối với dự án kéo dài hơn 20 năm nhưng chưa hoàn thành. Trên cơ sở đó, các quận, huyện khác có dự án tương đồng sẽ định hướng làm theo. “Nếu cả nước cũng vướng thì TP.HCM xin làm thí điểm về cơ chế đặc thù tháo gỡ các dự án treo”, ông Nhân nói. Vị đại biểu này đề nghị TP.HCM cần tập trung rà soát và đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ có giải pháp xử lý các dự án treo trên toàn thành phố.

Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi giao Văn phòng UBND TP.HCM cùng Sở Nội vụ thành lập tổ công tác phối hợp quận, huyện rà soát các vấn đề tồn đọng của địa phương rồi lên kế hoạch giải quyết. “Tổ này sẽ được nâng lên thành ban chỉ đạo của TP.HCM chỉ đạo các vấn đề tồn đọng về dự án treo”, ông Mãi nói thêm.

Sớm di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa

Cũng tại buổi làm việc, Q.Bình Tân đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận phương án bốc mộ tập trung đối với hơn 1.900 ngôi mộ chưa có người nhận thuộc dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa giai đoạn 1. Việc di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa có chủ trương từ năm 2010, chia thành 3 giai đoạn, phần diện tích đất thu hồi hơn 40 ha với khoảng 54.000 mộ bị ảnh hưởng nhưng đến nay chưa hoàn thành.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay, TP.HCM sẽ có chính sách linh hoạt để sớm hoàn tất di dời nghĩa trang, đồng thời tính toán thêm công năng khu đất để sử dụng hiệu quả.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần tập trung hoàn thành dự án này và quy hoạch thành đất đô thị đa chức năng để có thêm quỹ đất phát triển. Ngoài ra, Q.Bình Tân còn bãi chôn lấp rác Gò Cát có thể cải tạo, xử lý nhằm tạo không gian.

Cũng tại buổi làm việc, ông Mãi đề nghị Q.Bình Tân sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án như: vành đai trong, mở rộng đường Lê Văn Quới, đường Nguyễn Thị Tú, ngã tư Bốn Xã, cải tạo rạch Ông Búp, lắp cống dọc kênh Liên Xã… Trong đó, dự án cầu vượt thép ngã tư Bốn Xã ưu tiên đầu danh sách. Bên cạnh đầu tư công, ông Mãi cũng đề nghị Q.Bình Tân cùng các sở đánh giá lại mức độ cần thiết của từng dự án và tính toán phương án huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư. “Các địa điểm xây dựng trường học, nếu có đất sẵn rồi thì kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách”, ông Mãi gợi mở.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng chấp thuận chủ trương thu hồi 7 địa chỉ nhà đất của các doanh nghiệp nhà nước sử dụng không hiệu quả để Q.Bình Tân xây dựng trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.