Dự án 'Việt sử kiêu hùng' có nguy cơ dừng lại

Ngọc An
Ngọc An
29/10/2019 13:27 GMT+7

Dự án phim dã sử diễn họa đầu tiên của VN Việt sử kiêu hùng đang đứng trước nguy cơ phải dừng lại vì thiếu kinh phí.

Trên Facebook của mình, nhà nghiên cứu lịch sử độc lập Dũng Phan chia sẻ tập phim Thánh Tông Trần Hoảng - Bước qua bóng ma chiến tranh của dự án Việt sử kiêu hùng cùng với dòng thông tin: “Đây là một trong những nỗ lực cuối cùng của team (nhóm thực hiện) Việt sử kiêu hùng. Lý do không tìm được nhà đầu tư. Bởi vậy, từ giờ tới tết mà họ không tìm được nhà đầu tư có đầu ra cho dự án thì dự án sẽ phải hoãn lại vô thời hạn”. Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự tiếc nuối khi dự án phim dã sử diễn họa đầu tiên của VN có nguy cơ phải dừng lại.
Tháng 6.2017, dự án phi lợi nhuận Việt sử kiêu hùng của nhóm Đuốc Mồi với những thành viên là các bạn trẻ đam mê lịch sử với mong muốn tái hiện những trận chiến, những nhân vật lịch sử tiêu biểu, những câu chuyện còn nhiều bí ẩn trong lịch sử, để qua đó thấy được lịch sử đất nước anh hùng, truyền cảm hứng yêu lịch sử bắt đầu được khởi động. Tháng 1.2018, Tử chiến thành Đa Bang - tập phim mở màn cho dự án chính thức được phát trên kênh YouTube đã gây chú ý trên cộng đồng mạng. Việc kết hợp giữa diễn họa và điện ảnh đã tạo nên hình thức thể hiện mới mẻ cho những câu chuyện lịch sử. Đến giờ, chỉ riêng tập phim Tử chiến thành Đa Bang đã thu hút hơn 400.000 lượt xem trên YouTube.
Dự án đã ra mắt tập phim Võ Tánh, series phim Tử chiến thành Đa Bang (3 tập), series phim Lý Thường Kiệt (3 tập), series phim Trăm bậc vĩ nhân (11 tập)... Để có kinh phí thực hiện, nhóm đã tiến hành gây quỹ cộng đồng. Trần Tuấn, trưởng nhóm, cho biết trong hơn 2 năm nhóm đã gây quỹ được khoảng 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này cũng chỉ đủ cho chi phí làm phim theo cách rất tiết kiệm. Để thực hiện mỗi tập phim lớn, nhóm mất 4 - 5 tháng với chi phí khoảng 300 triệu đồng/tập. “Nhóm gồm khoảng 10 người làm việc cố định toàn thời gian cho dự án, thuê một chỗ làm việc ở ngoại thành. Tất cả các thành viên đều làm không lương trong suốt 2 năm”, Trần Tuấn chia sẻ.
Mặc dù có lượng xem từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn mỗi tập phim trên kênh YouTube, tuy nhiên: “Có phim chúng tôi không được trả khoản nào, có phim nhận được khoảng 20 - 30 USD/tháng. Dự án cần có đầu ra hay nhà tài trợ thì mới mong có nguồn tiền cố định để duy trì. Nhóm cũng đã xoay xở rất nhiều nhưng vẫn chưa ra giải pháp. Dù đam mê nhưng nhiều bạn không thể cứ mãi làm việc không có lương như vậy. Chúng tôi chỉ biết động viên nhau làm tập phim cuối cùng để kỷ niệm”, Trần Tuấn chia sẻ.
Một dự án làm phim lịch sử của những người trẻ với những câu chuyện truyền cảm hứng lịch sử, tinh thần yêu nước nếu buộc phải dừng lại không chỉ là một điều đáng tiếc mà còn là điều khiến người ta phải suy nghĩ. Quy định về việc thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh đã được đưa ra từ cách đây hơn 10 năm nhưng đến giờ vẫn chưa thể có. Và không ít những dự án đã bị dừng lại một cách đáng tiếc vì không có “bà đỡ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.