Việt sử kiêu hùng góc nhìn của người trẻ

Ngọc An
Ngọc An
07/08/2018 06:19 GMT+7

Việt sử kiêu hùng, dự án phim dã sử diễn họa đầu tiên tại VN, do một nhóm người trẻ thực hiện, đang được cộng đồng mạng chú ý.

Truyền cảm hứng yêu lịch sử cho bạn trẻ
Hai tập phim Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu thành (dài khoảng 10 - 12 phút/tập) của nhóm Đuốc Mồi tái hiện hình ảnh Lý Thường Kiệt cùng trận chiến đi vào lịch sử Đại Việt tại thành Ung Châu đã thu hút tới hơn 200.000 lượt xem trên YouTube.
Bộ phim gây chú ý không chỉ bởi lần đầu tiên một trận chiến rung chuyển cả Trung Nguyên, làm cho quân Tống phải khiếp sợ, qua đó cho thấy sự kiệt xuất, dũng mãnh của Lý Thường Kiệt được thể hiện bằng hình ảnh, mà còn bởi sự kiện này mới được nhắc đến vài dòng trong các trang sách giáo khoa.
Tạo hình nhân vật Lý Thường Kiệt trong phim cũng nhận được sự ủng hộ của khán giả trẻ.
Trước đó, những bạn trẻ trong nhóm đã thực hiện phần 1 Tử chiến thành Đa Bang, tái hiện bối cảnh đất nước những năm 1400 và trận chiến giữa vua tôi nhà Hồ và giặc Minh xâm lược; tập phim Võ Tánh về danh tướng nhà Nguyễn. Nhóm đang tiếp tục gây quỹ để thực hiện tập 3 của phần 1 Tử chiến thành Đa Bang. Những bộ phim của Việt sử kiêu hùng hướng đến tái hiện những trận chiến, những nhân vật lịch sử tiêu biểu, hay những câu chuyện còn nhiều bí ẩn trong lịch sử, để qua đó thấy được lịch sử đất nước anh hùng, truyền cảm hứng yêu lịch sử cho các bạn trẻ. “Tôi mong học sinh học sử được nghe kể chuyện, xem những bộ phim hấp dẫn như thế này, thay vì những kiến thức khô cứng và được yêu cầu học thuộc lòng”, khán giả Tường Minh (TP.HCM) bày tỏ.
Việt sử kiêu hùng góc nhìn của người trẻ1
Nhóm lồng tiếng của nghệ sĩ Đạt Phi tham gia dự án Việt sử kiêu hùng Ảnh: NVCC
Góc nhìn đa chiều

Tôi mong học sinh học sử được nghe kể chuyện, xem những bộ phim hấp dẫn như thế này, thay vì những kiến thức khô cứng và được yêu cầu học thuộc lòng

Khán giả Tường Minh (TP.HCM)

Các thành viên của nhóm Đuốc Mồi hiện sống ở TP.HCM và Hà Nội. Ngoài Trần Tuấn (trưởng nhóm dự án), Kỷ Thế Vinh (đạo diễn kiêm dựng phim, diễn họa) và Diệp Xương Vỹ (họa sĩ), hiện nhóm còn có thêm Lê Vũ Quang, Hồ Quốc Cường, Trần Thanh Thảo, Nguyễn Thiện Phúc là họa sĩ; Huyết Vy, Phạm Vĩnh Lộc là biên kịch..., với sự tham gia cố vấn của Phan Thanh Nam (nhóm Đại Việt Cổ Phong) và TS VN học Nguyễn Phượng Anh (giảng viên Học viện An ninh nhân dân), nhóm lồng tiếng của nghệ sĩ Đạt Phi. “Chúng tôi “có gì làm nấy”. Khi ý tưởng làm phim lịch sử được khởi lên, tôi nói chuyện với Vinh và Vỹ. Ba anh em thấy với nguồn lực trong tay thì làm phim diễn họa là cách tốt nhất”, Trần Tuấn chia sẻ.
Nhóm đọc sử liệu, sau đó chọn câu chuyện, thời kỳ, nhân vật muốn tái hiện trên phim rồi lại tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. “Chúng tôi muốn có cái nhìn đa chiều, khách quan nhất để dựng nên khung kịch bản”.
Lý giải về việc thể hiện sự “kiêu hùng” của lịch sử trong những bộ phim, Trần Tuấn nói: “Sử Việt kiêu hùng trải dài cả ngàn năm, có oai hùng cũng có bi thương. Oai hùng trong những trận đánh oanh liệt, vĩ đại, chiến thắng quân xâm lược, như 3 lần chiến thắng đế quốc Mông Nguyên, như cuộc Bắc phạt lừng danh của thái úy Lý Thường Kiệt… Không chỉ thế, sử Việt kiêu hùng cả ở những trận thua đầy bi thương như trận chiến Đa Bang, rồi mất nước… Nhưng điều gì làm một đất nước nhỏ bé đứng dậy, quật ngã sự giày xéo, phá tan âm mưu “diệt” văn hóa của quân xâm lược, và rồi kiên cường chiến đấu giành lại được chủ quyền? Chúng ta cần nhìn vào lịch sử ở nhiều chiều như vậy để có cái nhìn thấu đáo về cội nguồn”.
Thoát khỏi sự rập khuôn
“Người trẻ được sinh ra trong thời kỳ mở cửa, tiếp xúc rộng hơn với các nền văn hóa. Điều này giúp họ thoát được những suy nghĩ rập khuôn cố hữu, mà hướng đến sự tân thời. Cũng chính vì điều đó, họ không bị đóng đinh với những suy nghĩ vốn đã được định hình về nhân vật lịch sử phải thế này, thế kia, hay nghiên cứu phải thế này mới đúng khoa học. Ngược lại, họ đặt vấn đề tiên quyết nằm ở cách đi vào lòng người xem mới. Nhóm Việt sử kiêu hùng đang chứng minh rằng VN cũng có thể có những phim lịch sử hấp dẫn”, nhà nghiên cứu sử độc lập Dũng Phan nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.