GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng để TS và xã hội có được thông tin chính xác khi định hướng nghề nghiệp, Chính phủ và các cơ quan chức năng phải tập trung chỉ đạo để cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu nhân lực từng ngành trong vòng 5 - 10 năm, mà thông tin phải chính xác. "Chúng ta vẫn chưa chú ý đến dự báo và dự báo nói chung chưa đạt yêu cầu. Chẳng hạn như ngành sư phạm, chúng ta hoàn toàn dự báo được sự phát triển của ngành này từ số trường lớp, số giáo viên từng môn học và số trẻ sinh ra mỗi năm. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh bao nhiêu là phù hợp. Thêm nữa, nếu nhà nước cam kết tất cả sinh viên ngành sư phạm ra trường đều có việc làm thì chắc chắn học sinh giỏi vào ngành sư phạm sẽ tăng lên. Chúng ta cứ tiếp tục đào tạo không căn cứ theo nhu cầu thực tế thì rất lãng phí".
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng nhìn nhận công tác dự báo đóng vai trò quan trọng. "Để định hướng việc chọn ngành nghề của TS phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, chí ít phải có dự báo tương đối chính xác trong ngắn hạn 5 - 7 năm và trong trung hạn. Điều này khó khăn đối với một số ngành nghề trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật do phụ thuộc vào nhiều thông số; nhưng có những ngành ta có thể chủ động quy hoạch nhân lực chính xác như ngành sư phạm, nhân lực quản lý hành chính... Khi làm tốt công tác quy hoạch nhân lực và dự báo thị trường lao động thì việc chọn ngành nghề của TS sẽ phù hợp, việc điều chỉnh quy mô và ngành nghề đào tạo cũng sẽ theo thị trường lao động nhạy bén hơn".
tin liên quan
5 trường ĐH Sư phạm kỹ thuật muốn về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệpSáng 11.8, Hội nghị Định hướng, phối hợp đào tạo và phát triển giáo viên giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2020 đã diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Phải có trách nhiệm với sản phẩm đào tạo
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT, cho rằng trường ĐH có vai trò quan trọng trong việc định hướng lựa chọn ngành nghề của học sinh. Bởi lẽ, khi nhu cầu nhân lực đã giảm mà các trường vẫn cứ mở ngành, vẫn tuyển cùng lắm vượt chỉ tiêu nộp phạt rồi coi là chuyện nhỏ thì việc chồng chéo, dư thừa sẽ còn tiếp tục lặp lại. Hiện nay số người có trình độ từ cử nhân trở lên thất nghiệp là 200.000, đem so với tổng số 5 triệu người có trình độ cử nhân cả nước thì chỉ chiếm 4%, nhưng đó là sự lãng phí lớn. Trong khi đó, các trường đào tạo vượt chỉ tiêu vốn được xác định từ năng lực đào tạo tối đa của trường thì cả Bộ GD-ĐT lẫn các trường đều xem là bình thường. "Vì vậy, ý thức của các trường ĐH trong đào tạo là vô cùng quan trọng. Hiện nay, Bộ có thể gắn trách nhiệm cho các trường bằng cách yêu cầu báo cáo về tỷ lệ phần trăm sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Nếu con số này quá thấp thì không cấp chỉ tiêu, thậm chí cho dừng ngành ấy", ông Tùng nói.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng cần nâng cao trách nhiệm xã hội của các trường ĐH đối với sản phẩm đào tạo của mình bằng cách quản lý chặt chẽ vấn đề mở ngành và chỉ tiêu đào tạo từng ngành căn cứ trên quy hoạch, dự báo nhu cầu nhân lực thực tế, tránh tình trạng dồn chỉ tiêu để đào tạo những ngành thời thượng nhưng không quan tâm tới đầu ra của sinh viên.
tin liên quan
51 giáo viên mất việc trước thềm năm học mớiÔng Nguyễn Tấn Chân, Chủ tịch UBND H.Tây Hòa (tỉnh Phú Yên), cho biết đã gặp mặt 51 giáo viên để nghe giãi bày ý kiến trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Giúp định hướng nghề nghiệp từ cấp THCS
Từ góc độ giáo dục nghề nghiệp, ông Đỗ Văn Giang, Phó vụ trưởng Vụ Dạy nghề chính quy, cho biết ở các trường cao đẳng và trung cấp, những ngành như kế toán, kinh doanh vài năm trở lại đây không tuyển được nhiều TS. Trong khi đó, những ngành kỹ thuật, cơ khí, xây dựng, điện tử - điện lạnh thì lại khá "đắt khách" vì TS học ra là có việc làm ngay.
Ông Giang lý giải, hiện tượng TS lựa chọn ngành nghề lệch lạc khiến cơ cấu ngành nghề bất cập có nguyên nhân chính từ tâm lý sính bằng cấp đã có từ rất lâu. Trong khi đó, công tác hướng nghiệp làm từ lâu nay nhưng hiệu quả kém. "Điều tiết có hiệu quả nhất chính là giải quyết dứt điểm bài toán phân luồng. Chính phủ và Quốc hội can thiệp để xác định tỷ lệ phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT được lên ĐH là bao nhiêu. Từ đó cả xã hội phải thích ứng với sự thay đổi đó. Đó là giải pháp để cơ cấu ngành nghề hợp lý hơn, số lượng người vào học các hệ ĐH, CĐ hay TC theo đúng năng lực của mình", ông Giang nói.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết giáo dục ĐH năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 - 2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trong năm tới, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường. Thông qua việc củng cố lại Trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực (Viện Khoa học giáo dục), Bộ sẽ cập nhật các dự báo mới, xu hướng mới để các trường có căn cứ ở tầm vĩ mô, từ đó điều tiết chỉ tiêu tuyển sinh.
Theo ông Nhạ, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh phải tiến một bước, không chỉ căn cứ vào năng lực đào tạo mà còn vào nhu cầu thực tế của thị trường.
|
Bình luận (0)