Dữ dội trên đường phố Bangkok

26/05/2014 03:00 GMT+7

Ngày 25.5, bất chấp lệnh cấm của quân đội, khoảng 1.000 người Thái Lan đã biểu tình ở thủ đô Bangkok để phản đối cuộc đảo chính quân sự.

 Dữ dội trên đường phố Bangkok 1
Quân đội Thái Lan dàn trận trước người biểu tình tại Bangkok - Ảnh: Minh Quang

Những chiếc xe nhà binh từ phía Siam Paragon lao vội về phía Trung tâm thương mại Central World và dừng gần ngã tư Prachaprasong. Rầm rập lính tráng từ trên xe đổ xuống và nhanh như chớp bố trận thành nhiều lớp chắc chắn. Lớp trước tay cầm khiên che mặt, lớp tiếp theo nối tiếp giữ khiên lên trên đầu tạo thành vòng mái che, tất cả binh sĩ đều trong tư thế sẵn sàng chống trả người biểu tình.  

Quyết chiến 3 bên

Hôm qua là ngày thứ 2 liên tiếp người dân kéo xuống đường phố Bangkok để phản đối cuộc đảo chính do quân đội tiến hành. Nhìn thấy “chiến lũy” do lính tráng tạo thành, nhiều người không dám vượt qua, một số khác liều mình lao tới nhưng rồi bị hất ngược trở lại bởi gần cả trăm binh sĩ. Lực lượng này được bổ sung để hỗ trợ cho một đơn vị khác đang đối phó với người biểu tình kéo đến càng đông ở khu vực cách đó vài trăm mét. Xô xát đã xảy ra khu vực này khi quân đội dùng khiên và gậy “quyết đấu” cùng chai nước và tiêu bột của đám đông. Đụng độ lên đến cao trào khi người biểu tình kéo đến khu vực Phayathai gần với bùng binh tượng đài Chiến thắng và đối đầu với một nhóm binh lính khác, buộc quân đội phải sử dụng vòi rồng để ngăn cản. Ban đầu, nhóm biểu tình muốn diễu qua nhiều con đường lớn của Bangkok để kêu gọi thêm người ủng hộ xuống đường. Tuy nhiên, có lẽ do không đấu lại binh lính nên họ yêu cầu quân đội không dùng vũ lực, họ sẽ ngưng tuần hành và rút về tượng đài Chiến thắng đang được trưng dụng để làm nơi tập kết của phe phản đối đảo chính.

Căng thẳng không chỉ bùng phát giữa người chống đảo chính và quân đội mà còn giữa nhóm này với lực lượng ủng hộ quân đội. Đây vốn là những người từng theo phe ông Suthep Thaugsuban biểu tình phản đối chính phủ suốt mấy tháng qua và đã tự giải tán trong ngày đảo chính 22.5. Hai bên chửi bới, thóa mạ và lao vào nhau “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” tới tấp. Theo quan sát của phóng viên Thanh Niên, nếu không có lực lượng an ninh can thiệp kịp thời thì chắc chắn có máu đổ. 

Dữ dội trên đường phố Bangkok 2
Người biểu tình với biểu ngữ phản đối đảo chính và tướng Prayuth - Ảnh: Minh Quang

Kiểm soát báo chí

Một mặt khống chế người biểu tình trên đường phố, mặt khác quân đội đưa ra lời răn đe sẽ sử dụng tòa thiết quân luật để xử những người “gây bạo loạn, làm bất ổn chính trị” ở nước này. Cuộc biểu tình chống đảo chính 2 ngày vừa qua do ông Sombat Boonngamanong, lãnh đạo phe Áo đỏ - lực lượng ủng hộ gia đình Shinawatra - khởi xướng. Ông này, đang bị truy nã và sẽ đối mặt với tòa án binh, lại kêu gọi xuống đường vào hôm nay 26.5.

Theo dự kiến, cũng trong hôm nay, Tư lệnh lục quân Thái Lan tướng Prayuth Chan-ocha sẽ chính thức tuyên bố là người đứng đầu Hội đồng quốc gia giữ gìn an ninh và hòa bình, cơ quan điều hành đất nước sau khi quân đội lật đổ chính phủ. Ông Prayuth sẽ công bố một bản hiến pháp tạm thời và thành lập một ủy ban pháp chế sau khi đã giải tán thượng viện hồi cuối tuần.

Sau khi giành hết quyền lực từ các cơ quan hành pháp và lập pháp, quân đội bắt đầu khống chế giới truyền thông. Báo chí được xem là “cơ quan quyền lực thứ 4”, hoạt động khá mạnh ở Thái Lan nhưng nay đang bị chính quyền quân sự kiểm soát khá chặt. Hôm qua, lãnh đạo của 18 cơ quan báo chí hàng đầu nước này trong đó có cả những nhật báo nổi tiếng như The Bangkok Post và The Nation phải đến trình diện quân đội và được “nhắc nhở” chuyện đưa tin. Một nhà báo của kênh truyền hình The Nation, thuộc Tập đoàn Nation Group, nói với Thanh Niên rằng gần như tin, bài của các phóng viên tác nghiệp liên quan đến sự kiện biểu tình hay liên quan đến quân đội đều bị gác lại “chờ xử lý sau”. Mặt khác, ông Thái Mạnh Hùng, biên tập viên gốc Việt của Đài tiếng nói Thái Lan, nhận định rằng quy định bắt buộc tất cả các đài truyền hình, truyền thanh ngưng phát sóng là điều “rất lạ” trong cuộc đảo chính lần này.

Mỹ ngưng nhiều chương trình hợp tác với Thái Lan

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby hôm 24.5 (giờ địa phương) thông báo Lầu Năm Góc quyết định kết thúc sớm cuộc tập trận chung mang tên CARAT với quân đội Thái Lan, theo thông cáo được đăng trên website Bộ Quốc phòng Mỹ. Cuộc tập trận này bắt đầu ngày 19.5 và theo kế hoạch sẽ kéo dài khoảng một tuần. Ông Kirby còn thông báo Mỹ hủy chuyến thăm Thái Lan vào tháng 6 của Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương cũng như rút lại lời mời Tư lệnh lực lượng vũ trang Thái Lan Thanasak Patimaprakorn thăm Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương cùng tháng. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo hủy chương trình huấn luyện bắn súng cho cảnh sát Thái Lan do Washington tài trợ cùng một số chuyến tham quan Mỹ dành cho quan chức cảnh sát Thái. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi quân đội Thái Lan lập tức tạo điều kiện lập lại chính quyền dân sự, trả lại nền dân chủ thông qua bầu cử sớm và thả các nhà lãnh đạo chính trị.

Minh Trung

Minh Quang
 (
Văn phòng Bangkok) 

>> Mỹ hủy tập trận với Thái Lan sau vụ đảo chính
>> Người Thái xuống đường chống đảo chính
>> Thái Lan một ngày sau đảo chính
>> Đảo chính ở Thái Lan, khách Việt vẫn du lịch bình thường
>> Đảo chính ở Thái Lan: thủ tướng biệt tăm, khủng hoảng kéo dài?
>> Quân đội Thái Lan đảo chính
>> Thế giới chỉ trích vụ đảo chính ở Thái Lan   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.