Tuy nhiên, cũng vì những khó khăn của giai đoạn “hậu Covid-19” mà cơ hội này có thể vẫn chỉ mang tính… lý thuyết.
Ngày 21.7, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị “Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam”. Tham gia hội nghị có đại diện sứ quán các nước Mỹ, Pháp, Đức, Nhật… và hơn 40 hiệu trưởng, giám đốc các cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu trong nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đều đồng tình với nhận định của Bộ GD-ĐT về cơ hội phát triển của giáo dục ĐH trong nước nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch Covid-19, trong khi bệnh dịch này trên toàn cầu đang diễn biến phức tạp. Hiện nay, tất cả các trường ĐH của Việt Nam vẫn mở cửa đón nhận sinh viên (SV) và thực hiện các hoạt động đào tạo một cách bình thường. Đây là dịp tốt cho các trường ĐH trong nước tiếp nhận SV Việt Nam đang du học tại nước ngoài về tiếp tục học tập, đồng thời cũng là cơ hội tốt để tiếp nhận SV nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.
Đau đầu vì các vấn đề hậu Covid-19
Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị, đại diện các trường ĐH đã chia sẻ những khó khăn thời kỳ hậu Covid-19 mà các trường đang gặp phải. Trong đó nổi bật vấn đề xin visa và làm thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài, SV quốc tế muốn vào Việt Nam, đặc biệt cho SV Việt Nam đang “mắc kẹt” ở nước ngoài.
Bà Dương Hồng Loan, Giám đốc đối ngoại chiến lược Trường ĐH RMIT Việt Nam, cho biết hiện nay có 600 SV quốc tế đang học tại trường nhưng không thể vào được Việt Nam do dịch Covid-19. “Phần do chúng ta không cấp visa cho các em, đồng thời cũng do không có chuyến bay nào đến Việt Nam. Đặc biệt, rất nhiều SV Việt Nam của trường đang “mắc kẹt” ở nước ngoài khi đi học trong diện trao đổi ngắn hạn. Chủ trương thì có, nhưng thực tế để các em về được là rất khó. Các em vừa phải chịu nhiều tốn kém do kéo dài thời gian lưu trú ở nước ngoài, vừa sống trong nỗi lo nơm nớp”, bà Loan chia sẻ.
Trường này cũng đang thiếu giảng viên. Nhiều tháng trước đây, do dịch Covid-19, nhiều giảng viên quốc tế phải về nước và giờ đây việc quay lại Việt Nam làm việc gần như không thể. “Mặc dù Thủ tướng nói tạo điều kiện về visa để các chuyên gia vào, nhưng để được 1 người vào, có lẽ cần 1 tháng với khoảng 10 người làm việc liên tục với các cơ quan, bộ, ngành, chính quyền các TP, sở y tế và cả y tế phường… Với việc xin visa chẳng hạn, chủ trương của Bộ Công an rất ủng hộ, nhưng xuống đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh các TP thì họ không giải quyết. Rất mong Bộ trưởng có tiếng nói về vấn đề này khi họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19”, bà Loan phản ánh.
Đại diện một số cơ sở đào tạo khác trong nước như ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Cần Thơ… cũng chia sẻ khó khăn tương tự. PGS Lê Quang Sơn, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết vì là ĐH vùng nên mỗi khi xin visa cho một SV quốc tế, ĐH này lại phải gửi hồ sơ ra Hà Nội và chờ đợi rất lâu. Hiện ĐH Đà Nẵng có 900 SV quốc tế, nhưng mới đưa được 300 SV Lào sang, số còn lại vẫn đang “mắc kẹt”. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo còn mất nhiều thời gian trong việc xin phép tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế. “Chúng tôi là ĐH vùng, liệu có thể được ủy quyền để quyết định trước rồi báo cáo sau không? Cứ như hiện nay, mỗi lần tổ chức hội thảo, chúng tôi lại phải ra Hà Nội xin phép, hoặc phải xin phép qua chính quyền địa phương, thủ tục rất lâu”, PGS Sơn đề xuất.
“Phải khắc phục khó khăn, không ngồi đợi”
|
Cần tạo môi trường giáo dục ĐH minh bạch
Cũng theo bà Dương Hồng Loan, trong giai đoạn các chương trình đào tạo liên kết, chương trình quốc tế… phát triển như hiện nay, Bộ GD-ĐT cần làm “trọng tài” để xóa bỏ tình trạng nhập nhèm thông tin, giúp phụ huynh và SV không nhầm lẫn. Bộ GD-ĐT phải tạo ra môi trường giáo dục ĐH thông tin minh bạch, công khai, tránh thiệt thòi cho người học, khi các em đã lỡ học xong một chương trình chất lượng không tương xứng với chi phí bỏ ra.
PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng đồng tình với đề xuất trên và đề nghị Bộ GD-ĐT tạo hành lang để tạo ra môi trường giáo dục ĐH minh bạch. Ông Sơn cũng khuyến cáo về vấn đề lựa chọn đối tác chiến lược để xây dựng hợp tác của các trường. “Tôi thấy nhiều trường đi đâu, gặp đối tác nào cũng bày tỏ mong muốn hợp tác, điều này rất không nên. Thứ hai, trong việc hợp tác nên tiến tới sự bình đẳng. Nhiều trường Việt Nam tiếp cận bằng việc tận dụng thương hiệu của đối tác chỉ để có chữ “quốc tế”. Nhưng chúng tôi nghĩ dần dần phải thiết lập sự bình đẳng trong hợp tác đào tạo mà trong đó cấp song bằng là một bước đi đúng. Còn nếu chỉ theo mô hình 1+3, hay 2+2…, tức tuyển sinh và chỉ đào tạo thời gian đầu, sau đó trao đổi SV để trường đối tác cấp bằng, là tự đánh mất mình. Ta phải xây dựng thương hiệu của trường mình, chứ không phải thương hiệu của trường đối tác”, PGS Hoàng Minh Sơn chia sẻ.
352 chương trình liên kết đào tạo
|
GS Raymond Gordon, Hiệu trưởng Trường ĐH Anh quốc Việt Nam (BUV), cũng phát biểu: “Tôi đồng ý với quan điểm các trường ĐH Việt Nam phải chọn đúng đối tác uy tín, có thương hiệu. Rất nhiều trường ĐH trên thế giới hiện nay đang nhắm tới thị trường giáo dục ĐH Việt Nam, nên khi hợp tác, các trường phải tìm hiểu họ là ai. Tôi cũng thấy các trường phải minh bạch các chương trình đang dạy. Nhiều nhà đầu tư sẽ không muốn đầu tư lớn nếu thiếu môi trường minh bạch”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định Bộ thấy được sự cần thiết của việc tạo ra một môi trường giáo dục ĐH minh bạch, tránh tình trạng cứ gán cho mình chữ quốc tế, sau đó là thu tiền. “Tới đây là phải minh bạch. Tất cả các chương trình được thông tin đúng với chất lượng, tính chất, để người học chọn trường và chi phí tương ứng với chất lượng. Không có chuyện không minh bạch rồi xảy ra rắc rối”, ông Nhạ nói và cho biết thêm: “Tôi rất đồng tình với ý kiến phải lựa chọn đối tác. Nếu chọn nhầm đối tác là hỏng cả nhà trường… Mà đối tác thì đa dạng, có đối tác thuần túy thương mại, có đối tác xem trọng học thuật. Nếu chọn đối tác lấy tiền là chính thì sẽ thất bại”.
Bình luận (0)