Du học sinh Việt chọn ở lại, trải nghiệm Tết... lạ khi dịch bùng ở Trung Quốc

13/07/2021 20:38 GMT+7

Tết năm 2020, tôi dự định ở lại Bắc Kinh trải nghiệm không khí Tết, xúng xính váy áo cùng các thím các má nhảy điệu quảng trường vui nhộn, nhưng bao nhiêu kế hoạch đều tan tành bởi đại dịch Covid-19 .

Nhiều người 'chạy trốn' Covid-19

Khi dịch Covid-19 bùng phát, chính phủ kêu gọi người dân đừng manh động, hãy “ở lại đón Tết”, hạn chế về quê, hay đi đến các tỉnh thành khác, đặc biệt là Vũ Hán. Những ai đã mua vé tàu, vé máy bay, vé vào cổng ở các khu du lịch, tiền cọc khách sạn... được hoàn tiền 100%. Các công viên, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn đều đóng cửa. Các trường đại học cũng không còn sinh viên, ai nấy đều nhanh chân về nhà với má, chỉ có lác đác vài người xin ở lại trường. Trường quản lý khép kín, nội bất xuất ngoại bất nhập.

Thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát tại Trung Quốc, nhiều người cố gắng về nước càng sớm càng tốt 

Ảnh: Phạm Thu Vân

Viện trưởng Học viện Giáo dục Quốc tế trường Đại học Dân tộc Trung ương chúng tôi đều khuyên sinh viên quốc tế nên về nước, vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp. Đa số các bạn sinh viên quốc tế đều luống cuống mua vé máy bay về ngay trong ngày trong đêm, mua chuyến bay nhanh nhất có thể, bất chấp tiền vé cao "cắt cổ" gấp 5 - 6 lần ngày thường.
Lúc đó, tôi cũng phân vân không biết có nên về Việt Nam hay không. Bạn bè ai nấy cũng đều mua vé xách vali về nước hết trơn. Gia đình tôi đều bảo tôi mua vé về, cùng gia đình đón Tết, ở Trung Quốc nguy hiểm lắm, lỡ nhiễm Covid-19 rồi một thân một mình ai chăm sóc.
Nhưng tôi không muốn thay đổi kế hoạch đã định trước. Mặc dù tình hình lúc đó gay go, ai nấy cũng đều cuốn gói rời ổ dịch Trung Quốc ngay và luôn, còn tôi vẫn bám trụ tới phút chót.
Người dân Trung Quốc thường đầu trần ra đường. Họ không có thói quen đeo khẩu trang, nhưng giờ họ đeo khẩu trang thường xuyên. Họ hạn chế ra đường, mua sắm các vật dụng thức ăn thông qua các ứng dụng mua sắm, đi chợ trực tuyến, gửi hàng tận nhà trong 90 phút. Nhờ các ứng dụng này, cuộc sống của tôi trong khoảng thời gian Bắc Kinh cũng không gặp trở ngại, thịt thà, rau sống, trái cây tươi mới đều đầy đủ.

Tết 2020 không chỉ đặc biệt với tôi mà còn với người dân Trung Quốc. Họ không đến nhà nhau chúc Tết, họ không tụ tập ăn uống vui đùa

Ảnh: Phạm Thu Vân

Sau quyết định táo bạo là nỗi sợ hãi

Dịch bệnh diễn biến càng ngày phức tạp, tôi không dám ra đường, khẩu trang trở thành vật bất ly thân. Mỗi ngày, tôi đều đắp chăn nằm ì trên giường làm bạn với máy tính, xem tin tức thời sự nắm bắt thông tin kịp thời. Số người nhiễm Covid-19, số người chết tăng theo cấp số nhân. Đại dịch Covid-19 không chừa một ai, từ người già đến trẻ nhỏ, bác sĩ y tá và các nhân viên làm trong bệnh viện cũng không thể tránh khỏi. Lúc bấy giờ, Vũ Hán phong tỏa, một thành phố nhộn nhịp đầy sức sống giờ đã ảm đạm, một màu u ám bao trùm.
Tôi bắt đầu lo lắng không yên. Hễ đi ra ngoài mua đồ, thấy ai ho khan, sổ mũi, hoặc dáng vẻ mệt mỏi là tôi sợ hãi, về nhà lập tức pha nước chanh mật ong ấm uống bổ sung vitamin.
Một ngày nọ, vì tôi ngủ quá nhiều, lúc thức dậy, cảm thấy mệt lả người, tinh thần lờ đờ, mệt mỏi, nhức đầu liền sinh nghi có phải mình đã nhiễm Covid-19 rồi không. Tự dọa, mường tượng ra một trăm tám mươi tình tiết, nếu mình bệnh phải cách ly thì sao, ăn uống như thế nào, ai sẽ chăm sóc mình, phải nói với gia đình thế nào, càng nghĩ càng tủi thân, và òa khóc như trẻ nhỏ. Tôi tự an ủi, xoa dịu cảm xúc.
Tôi ép mình ngừng suy nghĩ vớ vẩn, buộc mình nghĩ tới điều vui hơn, không được có suy nghĩ tiêu cực. Bạn hãy nghĩ xem, nếu chỉ có một mình bạn ở một nơi xa lạ, bạn ở trong phòng một tuần hai tuần, rồi một tháng hai tháng, bạn không được tự do đi lại, bạn không trầm cảm mới lạ. Tôi phải giải tỏa cảm xúc tiêu cực, phải giữ bình tĩnh, thầm nhủ: hãy thoải mái mà khóc, khóc cho khuây khỏa, khóc để nhẹ nhõm, khóc xong thì coi như qua hết, nghĩ đến điều tốt đẹp, xem như đang nghỉ dưỡng dịp Tết. Ngày mai trời lại sáng, không gì không thể vượt qua.

Những thành phố nhộn nhịp đầy sức sống trở nên ảm đạm vì Covid-19

Ảnh: Phạm Thu Vân

Tôi xem báo đài đưa tin về “cuộc chiến chống Covid-19”, y bác sĩ ở các tỉnh đổ bộ về Vũ Hán, các ban các ngành thâu đêm suốt sáng cấp tốc xây dựng nhanh bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán, gấp rút sản xuất khẩu trang cùng áo và kính bảo vệ cung cấp cho các y bác sĩ... Toàn thể nhân dân cùng chung tay chống Covid-19, chung sức đánh bại Covid-19. Từng thước phim, từng hình ảnh các y bác sĩ tháo "bộ giáp đánh giặc" màu trắng trên người, những vết lằn rướm đỏ in hằn trên má, trên trán, nhưng họ vẫn mỉm cười và tin tưởng vào “xuân ấm hoa nở”.

Tết online

Tết đến, năm cũ qua, năm mới đến. Dù dịch Covid-19 càng ngày càng nhiều, người dân vẫn vui cười đón Tết. Tôi đón một cái Tết đặc biệt, không củ kiệu dưa hành, không người thân, không bạn bè, không tiếng pháo, tiếng kèn xe, chỉ có tivi và máy tính làm bạn.
Tết, ngoài đường chỉ có cây cối trơ trọi, tòa nhà trung tâm thương mại sừng sững đơn độc với ánh đèn huỳnh quang, không một bóng người. Đường phố im lặng đến mức nghe được tiếng kim rơi. Nơi đây như thành phố chết, không sức sống.
Một cái Tết không chỉ đặc biệt với tôi mà còn với người dân Trung Quốc. Họ không đến nhà nhau chúc Tết, họ không tụ tập ăn uống vui đùa. Họ chúc Tết nhờ thiết bị di động, nhờ mạng internet. Họ cùng vui Tết bằng video, bằng livestream. Họ khuyên nhau rằng: Tết thì ở nhà chúc tết qua điện thoại. Tiền lì xì thì cứ chuyển khoản cho nhau, năm nào cũng gặp, thôi năm nay đừng gặp thì người ta nhớ mình hơn. Chuyện trò cũng có nhiêu đó, thôi ngoan ngoãn ở nhà, nghỉ ngơi dưỡng sức, vun đắp tình cảm gia đình...

Khi dịch Covid-19 còn hoành hành, việc đi làm đi học đều gặp trở ngại. Người dân làm việc hoặc học nhà bằng hình thức online

Ảnh: Phạm Thu Vân

Ba mươi Tết, tôi mở tivi xem chương trình Xuân vãn của Trung Quốc, nhìn họ nói cười, cùng nhau chia sẻ niềm vui không trọn vẹn. Mặc dù lúc này, dịch bệnh vẫn chưa nằm trong vòng kiểm soát, nhưng ai nấy đều háo hức đón năm mới. Đằng sau nụ cười vui, đó là nước mắt và sự lo lắng. Họ lo lắng cho người thân đang “chiến đấu” với “giặc” Covid-19, họ lo lắng cho các y bác sĩ và những người đang chiến đấu với Covid-19, họ lo lắng cho các nhân viên tình nguyện, các cô chú anh chị em giao hàng không ngại mưa gió tiếp sức chuyển giao thực phẩm đến tận tay người dân.
Tôi thấy được sức mạnh vô hình từ họ, thấy được quyết tâm đánh thắng Covid-19 ở họ. Một người, hai người và cả tỉ người đồng tâm hiệp lực. Họ tuân thủ lời kêu gọi của chính phủ: đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ gìn chỗ ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc, hạn chế di chuyển, hạn chế đi ra ngoài.
Khi đó, mỗi ngày, tôi đều giữ tâm trạng vui vẻ, ăn uống đúng bữa, ăn trái cây rau củ, để cơ thể được khỏe mạnh, đủ sức đề kháng. Tự tìm niềm vui bằng đọc truyện, xem chương trình giải trí hài hước.

Dù tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đã ổn hơn trước nhưng các quy định phòng dịch vẫn được người dân tuân thủ nghiêm ngặt

Ảnh: Phạm Thu Vân

Những bợm nhậu quyết tâm như sau: thà uống say còn hơn đàn đúm, thà say khướt còn hơn ra ngoài chạy loạn, thà ngủ vẹo đầu còn hơn ra ngoài mạo hiểm, thà ngồi mòn quần còn hơn ra ngoài gặp họa, thà nóng chảy mỡ còn hơn gây phiền phức cho Tổ quốc. Một người ngủ, cả nhà quang vinh, cả nhà ngủ, là báo đáp đất nước.
Các cô bác dân phòng nơi vùng quê, kêu gọi mọi người với những biểu ngữ hài hước: nằm ở nhà còn hơn nằm trong ICU; thần tiên cũng phải đeo khẩu trang, dịch bệnh không phải trò hề; muốn sống thì đóng chặt cửa, muốn chết thì tha hồ mở cửa...

Thay đổi vì Covid-19

Hết Tết là lúc mọi người bắt đầu quay trở lại cuộc sống, người đi làm, người đi học. Nhưng vì dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, nên việc đi làm đi học đều gặp trở ngại. Họ làm việc hoặc học tại nhà bằng hình thức online. Một kiểu học mới, không thầy cô giáo, không bạn bè, không trường, không lớp. Thầy cô, học sinh cách màn hình thông qua sóng vô tuyến, giảng dạy và học tập. Một kiểu đi làm mới, không sếp hay đồng nghiệp kề bên, không văn phòng, chỉ có mình với màn hình máy tính. 
Đại dịch Covid-19 biến các y bác sĩ trở thành chiến sĩ, các thầy cô giáo biến thành streamer, nhân viên công vụ thì thành bảo vệ cửa, còn phụ huynh trở thành thầy cô giám thị. Ngày trước, học sinh nghịch điện thoại đều lén cha giấu mẹ, nhưng bây giờ thì đường hoàng chơi điện thoại, nghịch iPad...
Vào khoảng tháng 4, tháng 5 năm 2019, dịch Covid-19 đã ổn định hơn trước, các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm đã hoạt động trở lại. Người dân ở Bắc Kinh bắt buộc phải cài ứng dụng báo cáo sức khỏe dành cho người Trung Quốc hoặc Health Kit (ứng dụng báo cáo sức khỏe dành cho người nước ngoài đang ở Bắc Kinh). Hễ vào siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, công ty bắt buộc phải quét mã sức khỏe, đo nhiệt độ cơ thể mới được vào và quan trọng nhất là phải đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi. Ai không đeo khẩu trang, sẽ không được ngồi xe buýt, tàu điện ngầm (những điều này đến nay tháng 7.2021 vẫn đang còn áp dụng). Họ duy trì khoảng cách 1m khi xếp hàng, ở bệnh viện hay nơi công cộng đều ngồi cách nhau một ghế trống.
Vào tháng 6.2019, dịch Covid-19 bùng phát ở Chợ đầu mối Tân Phát Địa quận Phong Đài Bắc Kinh, lòng người hoang mang lo sợ. Chính phủ Bắc Kinh bắt buộc toàn người dân sống ở Bắc Kinh tiến hành xét nghiệm Covid-19 miễn phí, thực hiện quản lý nghiêm ở các nơi. Tôi khi ấy cũng xét nghiệm. Lúc này, tôi không hề hoảng loạn, hay lo lắng gì cả. Cuộc sống vẫn bình thường như bao ngày, học online, nghiên cứu viết luận...
Vào tháng 9.2019, năm học mới bắt đầu, các trường đã cho sinh viên học sinh Trung Quốc quay lại trường, nhưng đều hạn chế ra khỏi trường, muốn ra ngoài phải xin phép và có chữ ký của thầy cô giáo quản lý. Trường sử dụng hệ thống quét nhận diện khuôn mặt mở cửa tự động khi ra vào. Thư viện, căn tin ở trường đều cho dựng vách ngăn ngăn cách từng chỗ ngồi. Thầy cô giáo, học sinh, sinh viên lên lớp đều phải đeo khẩu trang.
Đến nay, mặc dù tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc đã ổn định, nhưng mọi người vẫn không dám lơ là, luôn giữ thói quen đeo khẩu trang, quét mã sức khỏe, giữ khoảng cách 1m.
Thiết nghĩ, sau cơn mưa trời lại sáng, không có khó khăn nào là mãi mãi. Dân ta đã kề vai sát cánh đánh thắng giặc ngoại xâm, đánh thắng “giặc dốt, giặc nghèo” thì đương nhiên “giặc Covid-19” này không là gì cả. Mỗi người chúng ta phải giữ tâm trạng vui vẻ, giữ cơ thể mạnh khỏe, nghe theo lời kêu gọi của Chính phủ, không than không oán, không tin vào những lời đồn thổi bậy bạ, không tụ tập liên hoan. Chúng ta có thiết bị di động, có sóng wifi, có mạng internet, vậy thì hãy dùng nó để liên hoan “đám mây” trong thời gian giãn cách để chống Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.