Du học sinh Việt ở Úc giữa làn sóng Omicron

05/02/2022 12:33 GMT+7

Giữa lúc biến thể Omicron lan rộng, nhiều du học sinh Việt Nam ở Úc đang chật vật vượt qua để tiếp tục việc học của mình.

Sau cuộc họp mặt tổng kết trước kỳ nghỉ cuối năm, Nhã Văn, du học sinh Việt đang học tại ĐH RMIT (TP.Melbourne, Úc) nhận được tin báo trong nhóm có người dương tính với Covid-19.

Du học sinh Việt trong một chuyến bay đến Úc học

ĐH charles darwin

Hai lần dương tính với Omicron

Nhã Văn dùng bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19, ra kết quả âm tính và cũng không có triệu chứng gì nên nghĩ rằng mình không bị nhiễm. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, cô bị ho, đau rát và chảy máu cổ họng. Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy nữ sinh viên dương tính với Covid-19. Trong những ngày tiếp theo, cô bị sốt, ớn lạnh vào buổi sáng và chiều tối, mất mùi, hay bị hụt hơi...

Nhã Văn khám bác sĩ từ xa và được cho toa thuốc gồm trụ sinh, panamax, và nước muối sinh lý để súc miệng. Sau một tuần "vật lộn" với Covid-19, các triệu chứng trên thuyên giảm nhưng cô xét nghiệm lần thứ hai vẫn ra kết quả dương tính và phải cách ly thêm 7 ngày.

Sau hai tuần, Nhã Văn đã bình phục hoàn toàn và đang đi làm thêm trong khi chờ nhập học trở lại vào tháng 2. Nữ sinh viên năm 3 của ĐH RMIT có người bạn cùng phòng cũng mắc Covid-19 và cả hai may mắn bình phục nhanh chóng. Theo bác sĩ, Nhã Văn và bạn chỉ có triệu chứng nhẹ như cảm cúm nhờ đã tiêm hai mũi vắc xin phòng Covid-19 và Omicron không nguy hiểm như những chủng trước.

Nhã Văn, du học sinh ĐH RMIT

NVCC

Trước khi có kết quả xét nghiệm PCR, Nhã Văn đang làm nhân viên thời vụ nên chỉ được chính phủ hỗ trợ 450 AUD.

Sau khi có kết quả PCR dương tính lần thứ 1, cô phải cách ly tại nhà 7 ngày và được hỗ trợ 750 AUD. Hoàn thành 7 ngày cách ly theo yêu cầu, cô lại có kết quả dương tính nên phải tiếp tục cách ly thêm 7 ngày và được hỗ trợ thêm 750 AUD. Người bạn cùng phòng của cô cũng được chính phủ hỗ trợ tài chính tương tự.

Ngoài ra, gói bảo hiểm cũng hoàn trả 100% tiền khám bác sĩ từ xa, toa thuốc nên du học sinh không phải lo lắng về tài chính. Nhã Văn chỉ báo về gia đình ở Việt Nam khi hết bệnh vì không muốn mọi người lo lắng.

Du học sinh hỗ trợ nhau

Trong khi đó, Trần Thị Dung, sinh viên năm 4 ngành sư phạm ĐH Australian Catholic, lại có trải nghiệm với Omicron hoàn toàn khác trong bối cảnh mỗi ngày tiểu bang Victoria nơi cô sinh sống ghi nhận khoảng 15.000 ca nhiễm mới và 10 người tử vong (trên dân số 5,6 triệu người).

Nữ sinh viên luôn tâm niệm "cẩn tắc vô áy náy", đeo khẩu trang khi đi chợ, siêu thị và tránh những nơi đông đúc. Lúc nào, cô cũng có sẵn một chai sát khuẩn trong túi, đồng thời chọn đi xe đạp thay cho phương tiện công cộng để tránh tiếp xúc, nhưng vẫn không tránh khỏi những tình huống bất khả kháng.

Trong đêm Giáng sinh vừa qua, Dung chỉ đứng phía trước nhà thờ nhưng do số người tham dự quá đông nên việc giữ khoảng cách không được đảm bảo. Dù có đeo khẩu trang và tiêm hai mũi vắc xin nhưng Dung vẫn mắc Covid-19.

Qua xét nghiệm PCR, Dung được xác định dương tính với Omicron. Cô bị ho, đau nhức xương, toàn thân từ mắt, tai, vai, cổ tới mông. Nữ sinh viên kể, chỉ cần ngồi hơi lâu một chút là cô có cảm giác bị đau như cơ thể chỉ có da bọc xương. May mắn là những triệu chứng này chỉ kéo dài khoảng một tuần. Sau hai tuần cách ly, cô hồi phục và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.

Vừa mới xin được việc làm, nữ sinh viên chuẩn bị vừa đi học, vừa đi làm trở lại, đồng thời dự tính sẽ sớm tiêm mũi vắc xin thứ 3. Thời gian tiêm mũi thứ 3 ở Úc hiện nay đã được giảm từ 6 tháng xuống còn 3 tháng, tính từ mũi thứ 2.

Trần Thị Dung, du học sinh ĐH Australian Catholic

NVCC

Vì chưa đi làm nên Dung không xin được hỗ trợ tài chính của chính phủ. Khi phải cách ly tại nhà, Dung sống một mình, không có bà con bạn bè để nhờ vả nên cô đăng tải bài viết lên Hội sinh viên, kêu gọi sự giúp đỡ. Ngay lập tức, Hội sinh viên điều phối người mang thuốc, dầu, thức ăn nấu sẵn tới và hỏi thăm động viên Dung mỗi ngày.

Cô muốn nhắn gửi đến các du học sinh rằng: "Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho, khi cần giúp đỡ, đừng ngần ngại hãy liên hệ Hội sinh viên, có rất nhiều anh chị đồng hương sẵn sàng hỗ trợ".

Khi biến thể Omicron bắt đầu lây lan mạnh ở Úc từ cuối tháng 12.2021, trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm ngừa cao (92% từ 12 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi, 32% đã tiêm mũi thứ 3, 34% trẻ em từ 5 - 11 tuổi đã tiêm mũi đầu tiên) nên tiểu bang Victoria nơi Nhã Văn và Dung sống đã dỡ bỏ hầu hết những hạn chế ngoại trừ phải check-in mọi nơi, đeo khẩu trang nơi đông người, và tiêm đủ hai mũi vắc xin mới được đi làm, đi học và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao, hay đi ăn nhà hàng. Học sinh phổ thông vẫn đi học trực tiếp. Sinh viên đại học thì kết hợp học trực tiếp và trực tuyến.

Người tiếp xúc gần hoặc có triệu chứng được yêu cầu xét nghiệm PCR hoặc test nhanh, nếu dương tính thì phải cách ly 7 ngày tại nhà, được khám bệnh từ xa với bác sĩ gia đình để giảm tải cho bệnh viện. Bộ Y tế ước tính chỉ khoảng 0,7% người mắc Covid-19 ở Victoria phải nhập viện.

Để chuẩn bị cho năm học mới bắt đầu từ tháng 2 năm nay, Úc đã mở biên giới đón sinh viên quốc tế từ giữa tháng 12.2021. Du học sinh đến Victoria phải test nhanh hoặc xét nghiệm PCR trong vòng 24 tiếng và cách ly tại nhà cho tới khi có kết quả âm tính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.