Ngủ ở bãi biển để chờ lễ Nghinh Cô
Ông Hồ Ngọc Giao, Giám đốc Ban quản lý các khu du lịch H.Long Điền, cho biết từ sáng sớm ngày 21.3 (12.2 âm lịch) nghi thức rước long vị Cô tại lễ hội Dinh Cô đã diễn ra. Hàng chục ghe, tàu cá quay hướng ra biển làm lễ Nghinh Cô. Phía trên ghe có ngai, long vị Cô cùng các vị trong ban nghi lễ, bô lão và đội lân sư rồng. Trong tiếng trống vang trời, đoàn ghe thuyền nối nhau ra khơi để rước long vị Cô.
Gần 6 giờ, đoàn rước long vị Cô vào bờ. Từ bãi biển đến chân núi của Dinh Cô, hàng chục ngàn người dân, du khách đứng 2 bên chiêm bái long vị Cô và cầu mong được an lành, gia đình hạnh phúc; ghe, tàu ra khơi thuận buồm xuôi gió, đầy ắp cá tôm. Đoàn rước long vị Cô đi trên cầu tâm linh được mô phỏng như tàu cá để cho mọi người chiêm bái.
"Đối với khách thập phương, sau khi đến Dinh Cô thắp hương thì họ sẽ ngủ lại một đêm ở quanh Dinh Cô, có người ngủ trên núi, có người thì nằm dưới chân núi, bãi biển để gần Cô. Họ quan niệm đã đến với Dinh Cô thì ngủ lại một đêm, chờ mai chiêm bái long vị rồi quay về. Chính vì vậy đêm 11.2 âm lịch lúc nào cũng có hàng ngàn khách thập phương ngủ quanh Dinh Cô", ông Giao nói.
Chở vợ vượt gần 100 km từ TP.Thủ Đức (TP.HCM) về H.Long Điền để tham dự lễ hội Dinh Cô, ông Nguyễn Văn Vũ (53 tuổi) không chọn nghỉ ngơi ở khách sạn mà lại ra bãi biển - ngay Dinh Cô để ngủ. Theo ông Vũ, việc này giống như được Cô che chở. "Trước đây, năm nào tôi cũng về. Nhưng vài năm nay tôi bận nhiều việc nên không đi được. Lần gần nhất tôi đi khoảng 10 năm trước", ông Vũ chia sẻ thêm.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hoa (47 tuổi, quê Sóc Trăng) cũng đã đến H.Long Điền từ 2 ngày trước. Mặc dù có thuê phòng khách sạn gần đó, nhưng bà Hoa vẫn chọn ra biển để được ngủ cạnh Cô. Bà Hoa chia sẻ: "Nếu không bận việc gì thì gia đình tôi thường hay đi lễ hội này. Một phần vì thích không khí của lễ hội, phần khác để xin Cô che chở cho gia đình được khỏe mạnh, làm ăn phát đạt...".
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội Dinh Cô được Bộ VH-TT-DL quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 4.2.2023.
Đây là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân vùng biển Nam bộ. Lễ hội này thuộc loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần, cũng là sự kết hợp của lễ hội cầu ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi).
Tương truyền cách đây 2 thế kỷ, một trinh nữ tên Lê Thị Hồng (tục danh Thị Cách), quê ở Tam Quan (Bình Định) hay theo cha vào vùng Bà Rịa, Gò Công buôn bán và rất yêu cảnh, mến người, không muốn rời xa vùng đất phía nam.
Cô giàu lòng nhân ái, nhưng chẳng may bị lâm nạn tại Hòn Hang trong một lần theo cha ra biển. Khi đó, Cô vừa tròn 16 tuổi. Ngư dân địa phương đã chôn cất cô trên đồi Cô Sơn và lập miếu thờ ngoài bãi biển. Sau nhiều năm, cô về báo mộng giúp dân làng vượt qua nhiều khó khăn, dịch bệnh, giúp đỡ ngư dân có những chuyến đi biển thuận lợi, đầy tôm cá.
Đến năm 1930, để làm cho danh hiệu "Long Hải thần nữ bảo an chính trực, nương nương chi thần" thêm phần rạng rỡ, ngư dân Long Hải dời miếu Cô lên núi Kỳ Vân. Đây cũng là nơi Dinh Cô tọa lạc đến ngày nay.
Theo nghi lễ truyền thống, từ sáng sớm ngày 12.2 (âm lịch), các ghe, tàu sẽ quay hướng ra biển làm lễ nghinh Cô để rước long vị vào bờ. Những ngày diễn ra lễ hội Dinh Cô, hàng chục ngàn lượt người dân, du khách đến thắp hương cầu nguyện, chiêm bái long vị.
Bình luận (0)