Dù lạm phát cao, Ukraine vẫn phải in tiền trả lương cho binh sĩ
Khi viện trợ tài chính từ phương Tây có vẻ đang chậm trễ, Ukraine buộc phải in tiền để trả lương cho binh sĩ. Hậu quả là làm đồng nội tệ suy yếu, đẩy lạm phát lên cao và gây ra quan ngại nền tài chính mỏng manh có thể làm suy yếu sức bền của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Tự động phát
Trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraine Sergey Marchenko cho biết "cơn nhức đầu triền miên" của ông là phải tiếp tục cân bằng chi phí cho cuộc xung đột với nguồn thu ngân sách thấp trong một nền kinh tế đã bị vùi dập sau gần nửa năm xung đột vũ trang.
Với khoảng 60% ngân sách được chi cho cuộc chiến, bộ trưởng cho biết ông đã phải cắt giảm tất cả các khoản chi không cần thiết. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chưa đủ vì doanh thu từ thuế chỉ đủ cho 40% chi tiêu của chính phủ.
Các binh sĩ Ukraine chuẩn bị lựu pháo D-30 để bắn gần khu vực Mykolaiv vào hôm 13.8 |
reuters |
Chính quyền Kyiv trước đó cho biết họ cần 5 tỉ USD mỗi tháng để điều hành đất nước và sẽ không thể trụ được nếu không có sự trợ giúp của phương Tây. Tuy nhiên, các khoản viện trợ và cho vay của nước ngoài lại đến chậm hơn so với dự kiến.
Cho đến nay Liên minh châu Âu (EU) chỉ mới cung cấp 1 tỉ euro trong số 9 tỉ euro đã cam kết sẽ gửi cho Kyiv. Đức được cho là đã phản đối các đề xuất của EU về việc vay nợ chung để viện trợ cho Ukraine.
Ông Marchenko cho biết mình dành nhiều thời gian nỗ lực thuyết phục các chính phủ phương Tây hành động nhanh hơn vì nếu viện trợ không kịp thời, "chiến tranh sẽ kéo dài hơn và sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho các nền kinh tế.
Còn ông Rostislav Shurma, cố vấn kinh tế của Tổng thống Vladimir Zelensky, lại chỉ trích thẳng thắn hơn.
Ông Shurma nói với tờ Wall Street Journal rằng nếu Ukraine mà hành động chậm trễ như phương Tây thì "lúc này người Nga đã đến được biên giới Ba Lan rồi".
Ông cho rằng phương Tây không tỏ ra gấp gáp vì "họ không cảm nhận được chiến tranh, mà điều duy nhất người ta cảm thấy ở EU là giá cả tăng cao".
Ukraine tăng ngân sách quốc phòng |
Do thiếu ngân sách, Ngân hàng Trung ương Ukraine không còn cách nào khác là phải in thêm tiền để chính phủ trả lương cho quân đội và mua vũ khí, đạn dược để tiếp tục chiến đấu.
Động thái này đã làm suy yếu đồng tiền quốc gia của Ukraine, đồng hryvnia, vốn đã mất giá 30% kể từ khi Nga khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, ông Marchenko nói Ukraine sẵn sàng làm điều này vì cuộc chiến và các binh sĩ: "Chúng tôi phải nghĩ đến việc giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Thà rủi ro lạm phát cao hơn là không trả lương cho binh lính".
Ông cũng cho biết xung đột có thể sẽ còn kéo dài và điều này cũng phải được tính đến. Ông nói: "Đây là một cuộc chiến tiêu hao. Chúng tôi phải nghĩ đến điều đó, nghĩ về năm 2022 và 2023. Đó là một cuộc chạy marathon".
Bình luận (0)