Du lịch âm nhạc, đừng lãng phí

11/03/2024 04:05 GMT+7

Đó là vấn đề mà có lẽ những người làm du lịch, ở cả góc độ chính sách và dịch vụ, đều đặt ra sau sự kiện Singapore độc quyền 6 đêm diễn The Eras Tours của ngôi sao Taylor Swift ở Đông Nam Á, tạo nên cơn sốt tour xem show trong khu vực.

Ngoài số tiền khổng lồ thu về từ The Eras Tours, điểm đến Singapore còn "nóng rẫy" trên kênh thông tin đại chúng toàn cầu. Đó cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng của Chính phủ Singapore khi bằng mọi giá đưa show diễn về nước và họ đã thành công.

Phục hồi kinh tế từ kích cầu du lịch là phương án mà nhiều nước trên thế giới lựa chọn sau đại dịch Covid-19 cũng như trong bối cảnh khủng hoảng kéo dài. Là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch phục hồi sẽ kéo theo hàng không, tiêu dùng, lưu trú, lữ hành, dịch vụ, thương mại... hưởng lợi. Còn về mặt tâm lý, sau một thời gian dài bị dịch bệnh "giam lỏng", nhu cầu dịch chuyển là rất lớn và châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh trên diện rộng giữa các nước từ giá cả, nới visa, tăng quyền lợi cho đến du lịch âm nhạc thông qua việc mời các nghệ sĩ nổi tiếng tới biểu diễn. Trong đó, cách mà Singapore làm để độc quyền The Eras Tours và thành công của nó khiến chúng ta và có lẽ nhiều nước khác phải suy ngẫm.

Thực tế, việc mời nghệ sĩ nổi tiếng đến biểu diễn và tổ chức các tour "ăn theo" các sự kiện lớn trên thế giới không xa lại với doanh nghiệp VN. Các tour "ăn theo" World Cup, Euro, SEA Games... vẫn đến hẹn lại lên, nghệ sĩ tầm cỡ thế giới đến VN không hiếm. Câu hỏi đặt ra là vậy tại sao chúng ta bỏ lỡ cả đầu vào và đầu ra đối với các sự kiện âm nhạc đình đám? Mọi phân tích, lý giải đều đưa đến một đáp án: thiếu liên kết. Thực tế, sự kết nối lỏng lẻo trong hệ sinh thái du lịch vẫn luôn là điểm yếu của VN bao năm qua. Từ 2 thập niên trước, chúng ta vẫn kinh ngạc vì sao Thái Lan có mức giá tour còn rẻ hơn vé máy bay chặng dài nhất trong nước. Câu trả lời là cái bắt tay chặt chẽ giữa lữ hành, hàng không, các điểm đến, các loại hình dịch vụ liên quan đến hành trình tour và một nhạc trưởng cầm trịch. Hiểu nôm na, mỗi mắt xích trong hệ sinh thái bớt một chút lợi nhuận để có một giá tour siêu cạnh tranh, giúp Thái Lan trở thành "cường quốc du lịch" trong khu vực bao năm qua và đến nay vị thế này vẫn rất vững chắc. Đáng nói là dù có câu trả lời nhưng đến tận lúc này, sự liên kết vẫn là điểm yếu của du lịch VN. Các hãng lữ hành một năm vài lần phập phồng lo vé máy bay tăng, lo không đủ nguồn cung cấp. Các điểm vui chơi, ăn uống, tham quan, giải trí... vẫn rời rạc, mạnh ai nấy lên chiến lược của riêng mình. Chính sách và nhu cầu thực tế cũng chưa song hành, thậm chí nhiều lúc "lệch tông"... Thế nên, cả hệ sinh thái du lịch từ lưu trú, lữ hành, thương mại, các điểm đến..., khâu nào cũng quyết liệt, mắt xích nào cũng sốt ruột... nhưng ngành du lịch nội địa vẫn bỏ lỡ nhiều cơ hội tăng doanh thu, quảng bá.

Trở lại với du lịch âm nhạc, không phải chúng ta không biết đến "mỏ vàng" này. Minh chứng là các nhà phát triển du lịch trong nước đã tốn nhiều chi phí để mời các nghệ sĩ hàng đầu thế giới đến VN. Các doanh nghiệp lữ hành, như nói trên, cũng không xa lạ với việc tổ chức các tour ăn theo những sự kiện thể thao lớn... Nhu cầu thị trường cũng luôn có. Vấn đề quan trọng nhất vẫn là thiếu kết nối với nhau để cùng khai thác sao cho hiệu quả nhất các hiệu ứng từ việc này. Và trên hết, vẫn cần một nhạc trưởng, là cơ quan quản lý nhà nước cấp cao để tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi từ chính sách, hạ tầng, visa, giao thông... cho cả doanh nghiệp thực hiện và du khách tới VN.

Công thức liên kết không mới, chỉ là ta có đột phá tư duy để khai thác "mỏ vàng" du lịch âm nhạc hay không mà thôi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.