Phát huy vị thế

10/03/2024 06:31 GMT+7

Tuần qua, nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Úc, hai nước đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng (từ tháng 9.2023 đến nay), VN đã có thêm 3 đối tác chiến lược toàn diện là Mỹ, Nhật và Úc.

Kể từ khi có đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên tháng 5.2008 cho đến trước tháng 9.2023, VN chỉ có 4 đối tác chiến lược toàn diện thì trong 6 tháng qua đã nâng lên con số 7 đối tác. Cụ thể, 7 đối tác là: Trung Quốc (thiết lập vào tháng 5.2008), Nga (7.2012), Ấn Độ (9.2016), Hàn Quốc (12.2022), Mỹ (9.2023), Nhật Bản (11.2023) và Úc (3.2024). Điều đó chứng minh trong thời gian ngắn gần đây, VN đã có đột phá trong việc mở rộng và nâng tầm quan hệ với các nước.

Giờ đây, VN có quan hệ đối tác chiến lược với cả 5 thành viên HĐBA LHQ. Trong đó có 3 thành viên là Trung Quốc, Nga và Mỹ đều là đối tác chiến lược toàn diện của VN. Hay các đối tác Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ là những quốc gia đang hướng đến vai trò quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Đồng thời, VN cũng có nhiều đối tác chiến lược là thành viên ASEAN - vốn được khẳng định đang giữ vai trò trung tâm ở Indo-Pacific.

Nói thế để thấy VN đang ngày càng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế ở mức độ chưa từng có. Trong khi đó, thế giới đang đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước lớn dẫn đến nhiều cọ xát lợi ích mà nhiều bên lo ngại rơi vào tình thế phải "chọn phe". Chính vì thế, giữa một bối cảnh như vậy, VN vẫn không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thậm chí đạt nhiều đột phá, càng chứng minh không chỉ vị thế mà còn là bản lĩnh của đất nước trên trường quốc tế. Đó là điều mà hầu hết các chuyên gia về quan hệ quốc tế đều đánh giá cao khi trả lời phỏng vấn người viết.

Nằm trong số các đối tác chiến lược toàn diện trên, Trung Quốc cùng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt giữ 4 vị trí đầu tiên nhóm các đối tác thương mại lớn nhất của VN. Đây là một trong những minh chứng cho việc kinh tế đã trở thành trụ cột quan trọng của VN khi mở rộng, tăng cường quan hệ quốc tế. Kèm theo đó, chúng ta cũng không ngừng thúc đẩy các hợp tác về tái cấu trúc chuỗi cung ứng, hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, khoa học, giáo dục…

Điều đó chứng minh VN không chỉ đang đột phá về vị thế mà còn cả về hợp tác kinh tế. Tất nhiên, nói thế cũng không có nghĩa là VN không còn đối mặt những thách thức hay mọi thứ đều thuận lợi. Thực tế cho thấy thách thức mà chúng ta phải vượt qua là có những bước đi, hành động thiết thực hơn nữa để những đột phá trên thực sự tạo ra những thành tựu phát triển đất nước. Khi đó, chúng ta không chỉ ngày càng tăng cường vị thế, phát triển mạnh mẽ mà sự phát triển cũng như vị thế đều càng trở nên bền vững hơn. Đó sẽ là một hành trình dài và cần nhiều nỗ lực!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.