Du lịch Đông Nam Á: Trái đắng từ phát triển nóng

01/05/2018 07:44 GMT+7

Những bờ biển nổi tiếng thu hút nhiều du khách ở Đông Nam Á giờ đây trở nên quá tải và ô nhiễm do phát triển quá mức.

Du lịch là ngành đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế tại Đông Nam Á, nhưng chính phủ các nước có thể cân nhắc hạn chế số lượng du khách hoặc đóng cửa những bãi biển nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, theo tờ Asia Times.
Bãi biển bị ô nhiễm nghiêm trọng
Dù du lịch và những ngành công nghiệp liên quan đóng góp đến 20% GDP, nhưng Thái Lan đã phải đóng cửa những đảo và khu vực lặn biển theo định kỳ kể từ năm 2011 nhằm phục hồi rạn san hô và cải tạo môi trường.
Chính phủ Thái Lan vừa tuyên bố sẽ đóng cửa vịnh Maya (thuộc đảo Koh Phi Phi nổi tiếng nhờ phim The Beach) trong vòng 4 tháng kể từ tháng 6 nhằm khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường ở bãi biển, phục hồi rạn san hô do có quá nhiều du khách đến thăm (4.000 lượt/ngày). Bên cạnh đó, Pattaya với bãi biển thu hút nhiều khách du lịch (đông nhất là người Trung Quốc) có chất lượng nước ngày càng kém dù chính phủ cho dọn dẹp vệ sinh hằng năm. Tại đảo Phuket, nước ở bãi biển Paton cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Không chỉ Thái Lan, các bãi biển tại một số nước như Ngapali ở Myanmar thu hút trên 1 triệu du khách/năm cũng bị tàn phá do rác thải cùng với việc phát triển các khu resort tràn lan thiếu quy hoạch và nạn khai thác cát ồ ạt.
Các ngành công nghiệp khác như khai thác mỏ và gỗ xả một lượng lớn chất thải vào sông dẫn ra biển. Những nhà hoạt động bảo vệ môi trường phát hiện bãi biển ở đảo Bali (Indonesia) bị ô nhiễm kim loại từ ngành kim hoàn, phân bón của các nông trại ven biển. Các cảng cũng gây ô nhiễm nước biển tại khu vực phía đông Thái Lan.
Bất ổn vì đóng cửa đảo du lịch
Giờ đây, các nước Đông Nam Á đang đối mặt với hậu quả từ sự phát triển ồ ạt của ngành du lịch vốn mang đến nguồn thu trên 200 tỉ USD (4,5 triệu tỉ đồng) và giải quyết việc làm cho 12 triệu người. Philippines mới đây ra lệnh đóng cửa đảo Boracay trong vòng 6 tháng nhằm khắc phục nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26.4 sau khi phát hiện 51 khu resort thải rác xuống biển, theo AFP.
Tuy nhiên, lệnh cấm này ảnh hưởng đến sinh kế của 35.000 người sống trên đảo. Nhiều người dân và công ty du lịch đã làm đơn kiện, yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm nhưng bị tòa án tối cao bác bỏ. Chính phủ đồng thời điều động lực lượng an ninh và đặc nhiệm có vũ trang trên 600 người túc trực ở Boracay nhằm đảm bảo lệnh cấm được thực thi nghiêm túc.
Nỗ lực tìm kiếm giải pháp
Với trên 100 triệu người đến Đông Nam Á hằng năm, việc giới hạn lượng du khách này được xem là giải pháp phù hợp nhưng có nguy cơ gây mất nguồn thu trầm trọng. Tuy nhiên trong báo cáo gần đây, Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (TCWT) tuyên bố ủng hộ giải pháp “dàn xếp uyển chuyển số lượng du khách theo từng thời điểm phù hợp”.
Chẳng hạn, thành phố Dubrovnik (Croatia) và đảo Santorini (Hy Lạp) hiện áp dụng quy định mỗi đợt chỉ tiếp nhận 8.000 du khách. Trong khi đó, Cộng hòa Seychelles (đảo quốc ở Ấn Độ Dương) đã ban hành lệnh cấm xây khách sạn mới và khách du lịch chỉ được đến thăm quần đảo nổi tiếng Galápagos tối đa 15 ngày.
Dù vậy, thuyết phục các khu resort ở Đông Nam Á quay lưng với khách du lịch không phải là điều dễ dàng. TCWT cảnh báo giới hạn số lượng du khách “có thể châm ngòi sự phản đối gay gắt từ những người bị mất hoặc sụt giảm nguồn thu”. Chính phủ các nước Đông Nam Á nên tăng cường biện pháp quản lý ngành du lịch nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, theo khuyến cáo của TCWT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.