Mất một trong những thị trường trọng điểm
Một ngày sau khi Nga chính thức tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, một số doanh nghiệp (DN) ngành du lịch bắt đầu nhấp nhổm đứng ngồi không yên. Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là tới thời điểm VN chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, cả hệ sinh thái ngành du lịch từ lữ hành, vận chuyển, lưu trú, điểm đến đang cấp tập cho hàng loạt kế hoạch “thức giấc”, bung sức “bày tiệc” đón khách. Trong đó, khách Nga được đánh giá là một trong những thị trường nguồn trọng điểm.
Đón du khách Nga tại sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) cuối tháng 12.2021. Khách Nga là một trong những thị trường nguồn quan trọng của du lịch VN |
Hiền Lương |
Theo báo cáo ngày 5.11.2021 của Bộ VH-TT-DL, hơn 8.500 khách du lịch quốc tế đã tới VN theo Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (giai đoạn 1), chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong 5 địa phương tham gia thí điểm từ giai đoạn 1 đến ngày 20.2, Khánh Hòa là địa phương đón được số lượng khách lớn nhất với 90% khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin đến VN. Đặc biệt, các đoàn khách tới từ nước Nga vừa là những vị khách đầu tiên “xông đất” Khánh Hòa sau 2 năm ngủ đông, vừa là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Không ít DN đã thấy ngay trước mắt những hệ lụy trực tiếp từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine nói trên. Là một trong những DN được tổ chức đón khách quốc tế trong giai đoạn thí điểm, Vietravel đã nhanh chóng tổ chức một số chương trình xúc tiến thị trường với cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, tất cả các đoàn khách Nga đăng ký vào VN sẽ phải tạm ngưng, những chương trình DN đã đầu tư cũng phải chấp nhận mất. “Rất không may cho du lịch VN. Nga là một trong những thị trường nguồn mà VN kỳ vọng nhắm tới sau khi mở cửa. Giờ thì mọi thứ đều phải ngừng lại”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group, thở dài.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty du lịch lữ hành Saigontourist, đánh giá do công tác mở cửa của VN mới chỉ đang dừng ở bước chuẩn bị, chưa công bố mở chính thức nên các thị trường như Nga, châu Âu vẫn chưa đưa VN vào danh sách điểm đến. Các tour, tuyến chưa triển khai kinh doanh nên cũng chưa gây ra thiệt hại cho DN.
“Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng nếu VN có thể mở cửa du lịch hoàn toàn từ ngày 15.3 theo đúng dự kiến, chúng ta sẽ gần như mất thị trường Nga. Trong điều kiện bình thường, mùa hè tầm tháng 6, tháng 7 hằng năm, khách Việt đi Nga rất nhiều để coi đêm trắng. Tour tuyến outbound sang Nga dự kiến lên trở lại từ tháng 3 giờ coi như ngưng. Ngược lại, số lượng khách Nga vào Nha Trang, Phú Quốc bình thường rất lớn, giờ cũng chưa đoán định được. Nhìn chung, tình hình khá khó khăn cho du lịch Việt”, ông Yên nhận định.
Hàng loạt tác động dây chuyền
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, tình hình du lịch trước giờ “G” đến thời điểm này vẫn còn khá mập mờ, chưa rõ ràng. Trong điều kiện thông thường, các đường bay sang thị trường châu Âu hiện nay không bay qua Nga, Ukraine hay các nước Đông Âu mà bay thẳng qua Đức nên vấn đề đường bay có thể không đáng lo ngại. Tuy nhiên, các nước châu Âu hiện chưa mở visa cho người VN đi du lịch. Họ mới dự kiến mở cho khách du lịch ngoại khối nhưng cũng chưa xác định thời gian chính thức. Mặt khác, tâm lý của người Việt cũng chưa biết sẽ thay đổi ra sao, đặc biệt là sau khi khủng hoảng nổ ra. “Tất cả các thị trường quốc tế đã đóng cửa hoàn toàn trong suốt 2 năm, đến gần đây mới rục rịch mở ra vài tuyến. Trong khi những chính sách, quy định về y tế vẫn chưa được công bố chính thức, rất nhiều diễn biến không ổn định về cả dịch bệnh và chính trị - xã hội liên tiếp diễn ra nên rất khó để dự báo nhu cầu, thị trường du lịch quốc tế giai đoạn tới”, ông Yên đánh giá.
Tương tự, rất nhiều ông chủ các DN du lịch cũng đều cho biết đang theo dõi rất kỹ diễn biến của cuộc khủng hoảng vì chưa biết tình hình sẽ đi tới đâu. Ông Phạm Xuân Du, Giám đốc Công ty du lịch Xuân Nam, cho rằng không thể chỉ nhìn trực diện rằng khủng hoảng nổ ra, người Nga, người Ukraine không đi du lịch để đánh giá tác động tới thị trường du lịch nói chung trong giai đoạn tới. Đúng là khách Nga tới VN hiện nay đa phần theo các chuyến bay charter, có thể ở những vùng cách xa khủng hoảng, họ vẫn sẽ bay tới VN. Tuy nhiên, khủng hoảng nổ ra còn kéo theo rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới du lịch. Đơn cử, Mỹ đang thực hiện nhiều lệnh cấm vận để “trừng phạt” Nga. Chắc chắn nền kinh tế của Nga sẽ phải mệt mỏi, thu nhập của người dân sẽ giảm. Về tình hình chung trên thế giới, giá dầu leo thang, nguyên vật liệu, hàng hóa tăng giá khiến đời sống người dân khó khăn, kéo giảm nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng. Du lịch VN cũng không thể tránh khỏi hệ lụy.
Chỉ cách đây chưa đầy 1 tuần, ông Nguyễn Quốc Kỳ vẫn tự tin dự báo nếu mọi thủ tục, hướng dẫn được ban hành nhanh chóng thì với thời điểm mở cửa từ 15.3, đến tháng 6, thị trường quốc tế có thể trở lại bằng khoảng 30 - 35% so với năm 2019. Đặc biệt, mùa đông cuối năm từ tháng 11 trở đi, lượng khách nước ngoài vào VN sẽ tăng rất nhanh và khả năng sẽ quay trở lại bằng 50 - 60% so với năm 2019 - thời kỳ hoàng kim của du lịch Việt. Thế nhưng đến thời điểm này, ông chủ Vietravel đành ngậm ngùi than khó.
Theo vị này, mất luồng khách rất khả quan là cái không may trước mắt, còn rất nhiều câu chuyện đang chờ du lịch VN ở phía trước như cấm vận tài chính, thanh toán... Thời gian chờ thị trường này có thể phải mất ít nhất khoảng một năm. Chưa kể, thị trường châu Âu cũng sẽ bị cuốn theo những tác động của cuộc khủng hoảng. Người dân sẽ phải nghe ngóng, dĩ nhiên cũng có những chuyến đi nhưng chỉ ưu tiên đi gần, những đường tour xa sang VN hay khu vực Đông Nam Á còn cần cân nhắc. Về phần du lịch outbound, khách Việt thuần túy sang du lịch Nga không phải quá lớn, nhưng lớn nhất là đi cung đường từ Nga kết hợp sang các nước châu Âu như Áo, Pháp… Khủng hoảng nổ ra, chắc chắn khách sẽ chần chừ.
Tập trung thị trường nội địa
Trước lo ngại khủng hoảng Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nguồn khách quốc tế tới VN giai đoạn sắp tới, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định với Thanh Niên: “Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine ảnh hưởng tới nhiều vấn đề chung của thế giới, còn khá xa và tạm thời chưa tác động tới thị trường du lịch VN. Do đó, điều này không ảnh hưởng gì tới kế hoạch mở cửa du lịch của VN vào ngày 15.3 tới. Chúng ta vẫn sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác tất cả các thị trường quan trọng. Ngoài những nơi đang trực tiếp xảy ra khủng hoảng, nhu cầu du lịch tại các khu vực khác không ảnh hưởng gì. Mục tiêu năm 2022, ngành du lịch đón 5 - 6 triệu lượt khách quốc tế và hơn 60 triệu lượt khách nội địa”.
Đồng tình với định hướng tập trung vào thị trường nội địa, ông Phạm Xuân Du lưu ý đừng quá trông đợi vào việc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế vào 15.3 có thể “tạo nên phép màu” cho du lịch VN. Hiện nay, các thị trường xa như Mỹ, châu Âu… hầu như chưa có ý định tới VN. Mặt khác, các dịch vụ trong nước cũng chưa sẵn sàng để đón khách quốc tế. Sau 2 năm đóng băng, hàng loạt khách sạn 3 - 4 sao đã đóng cửa, DN lữ hành chuyển hướng, nhân sự ngành du lịch rơi rớt đổi nghề…
“Xuân Nam đã có rất nhiều năm kinh nghiệm, chuyên đón khách thị trường châu Âu, nhưng thực sự giờ này có một số đoàn khách hỏi tôi cũng từ chối luôn vì không biết báo giá với họ ra sao. Nói mở lại không phải là mở lại được ngay. VN cần thời gian để tất cả hệ thống dịch vụ “hoàn hồn”. Trong năm 2022 này, du lịch nội địa và thị trường gần khối ASEAN sẽ là mồi lửa hâm nóng toàn ngành, giúp các điểm đến, DN, cơ sở lưu trú… có chi phí sửa chữa, tái đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch để đón khách quốc tế”, ông Du nhấn mạnh.
“Cả thế giới rung chuyển, không cách nào du lịch tránh được ảnh hưởng. Chỉ đơn giản chuyện giá dầu dựng đứng cũng đủ khiến DN khốn khổ. Giá vận chuyển, nguyên vật liệu, giá thành tất cả các dịch vụ đã bắt đầu nhấp nhổm. Một loạt tác động dây chuyền sắp ngấm rồi”
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group
Bình luận (0)