Dự thảo nghị quyết hướng dẫn xử lý tội dâm ô, hiếp dâm, cưỡng dâm: Liệt kê chi tiết, gây nhiều tranh luận

24/05/2019 04:45 GMT+7

Hội đồng thẩm phán TAND tối cao vừa đưa ra dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số điều của bộ luật Hình sự trong đó có tội: hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô ; “hành vi quan hệ tình dục khác”... gây nhiều ý kiến tranh luận.

Nghị quyết sẽ chấm dứt những khái niệm như “nựng”
Tại sao phải liệt kê hành vi dâm ô. Càng liệt kê chi tiết, sau này càng phát sinh tranh cãi đối với một sự việc cụ thể rằng đấy có phải là dâm ô hay không. Trong khi chúng ta có thể sử dụng những từ ngữ bao quát, có tính phòng ngừa tội phạm
Vũ Thị Xuân Nhuệ, Viện trưởng Viện KSND Q.3 (TP.HCM)
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao (TANDTC) nêu khá cụ thể đối với khái niệm, hành vi mà trước đây trong bộ luật Hình sự chỉ là những quy định khung đã gây ra những tranh luận không thống nhất trong cách hiểu và áp dụng như “hành vi quan hệ tình dục khác” hay khái niệm “dâm ô”...
Với hướng dẫn này, theo ông Sơn, chí ít có thể chấm dứt tình trạng cứ phải tranh luận, phân tích rằng hành vi này có phải là dâm ô hay không rồi sinh ra những khái niệm như “nựng”. Bên cạnh đó, hướng dẫn này được ban hành trên nguyên tắc tổng kết thực tiễn hoạt động xét xử. Do đó, trong quá trình thực hiện văn bản hướng dẫn này, HĐTP TANDTC vẫn tiếp tục phải cập nhật, tổng kết thực tiễn để có những hướng dẫn áp dụng luật tiếp theo.
Ngoài ra, ông Sơn cũng cho rằng hướng dẫn cũng nên nghiên cứu, bổ sung những hành vi dùng lời nói, cử chỉ, hình ảnh kích thích tình dục đối với trẻ em vào hành vi dâm ô để có biện pháp ngăn chặn, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay. Chẳng hạn như việc gửi email có nội dung gợi dục, chat sex… với dụng ý quấy rối, gợi dục đối với trẻ em cần phải coi là hành vi dâm ô. Đồng thời, hướng dẫn cần quy định rõ những lời nói, cử chỉ này phải có chủ ý gợi dục và tác động tới nhận thức của đối tượng một cách rõ ràng để tránh nhầm lẫn với những cử chỉ thuộc về văn hóa, tình cảm trong truyền thống văn hóa của VN.
Đồng quan điểm, luật sư (LS) Lê Quang Vũ (Đoàn LS TP.HCM) nói: “Trước đây luật quy định hành vi dâm ô chưa rõ ràng, giờ có dự thảo thì cụ thể, kỹ càng hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp đối tượng nói chuyện khiêu dâm, sử dụng hình ảnh dâm ô, chat sex, dụ dỗ trẻ dưới 16 tuổi xem phim khiêu dâm tiến tới sờ mó, cũng cần được đưa vào là một trong các hành vi dâm ô. Bởi tình trạng này diễn ra nhiều, khiến dư luận bức xúc”.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ, Viện trưởng Viện KSND Q.3 (TP.HCM), đặt vấn đề: “Tại sao phải liệt kê hành vi dâm ô. Càng liệt kê chi tiết, sau này càng phát sinh tranh cãi đối với một sự việc cụ thể rằng đấy có phải là dâm ô hay không. Trong khi chúng ta có thể sử dụng những từ ngữ bao quát, có tính phòng ngừa tội phạm, chẳng hạn nêu rõ: dâm ô là người phạm tội có những hành vi va chạm, đụng chạm vào bất cứ bộ phận nào trên cơ thể người dưới 16 tuổi; dùng hình ảnh, cử chỉ, lời nói, âm thanh, hình ảnh nhằm kích thích tình dục, trái với ý muốn của họ”.

Nhiều băn khoăn

Dự thảo cũng đưa ra một số khái niệm, như: giao cấu là hành vi của người phạm tội đưa dương vật vào trong âm đạo, không phân biệt mức độ nông hay sâu, đã xuất tinh hay chưa xuất tinh; hành vi quan hệ tình dục khác là những hành vi quan hệ tình dục không phải hành vi giao cấu nhưng vẫn nhằm làm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội...
Với những khái niệm này, LS Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) nhận xét dự thảo chưa bắt kịp “xu hướng” tình dục hiện đại. LS Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cũng đánh giá dự thảo mang “tư duy hành vi phạm tội theo lối mòn cũ, không còn phù hợp với thực tế”. Theo LS Nữ, dự thảo cũng cần nêu rõ không áp dụng hình phạt hưởng án treo đối với tội phạm xâm hại tình dục ở trẻ em, bao gồm cả hiếp dâm và dâm ô.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an Nghệ An, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, thì băn khoăn: Việc đưa ra mô tả một số trường hợp cụ thể có thể khép vào tội dâm ô như: sờ, bóp, hôn vào những bộ phận vùng nhạy cảm, ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông... cũng phải làm rõ các trường hợp. Ví dụ như: bố hôn con, anh chị em ruột ôm hôn nhau thì làm sao phân biệt.
“Cũng là hành vi đó nhưng với người ngoài khác, còn với những người cùng huyết thống thì khác”, đại tá Nguyễn Hữu Cầu nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.