Nếu xuất phát từ phía Tây thành phố điểm đầu tiên của hành trình du xuân tứ trấn sẽ là đền Voi Phục (ngôi đền trấn giữ phía Tây Hà Nội, làng Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình).
Khuôn viên sân trước khi dẫn vào sân chính của Tây trấn từ - Đền Voi phục. |
Đền Voi phục được xem là ngôi đền rộng nhất trong tứ trấn. |
Trước cửa đền có gắn đôi voi quỳ phục nên Tây trấn từ - Đền thờ Linh Lang thần còn được gọi là đền Voi phục. |
Điểm tiếp theo thuận chiều là đền Quán Thánh (ngôi đền trấn giữ phía Bắc, phường Quán Thánh, quận Tây Hồ) và Đền Bạch Mã (ngôi đền trấn giữ phía Đông, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm).
Đền Quán Thánh - Bắc trấn từ nằm kế bên hồ Tây với nhiều địa danh du lịch nên luôn đông đúc bởi sự ghé thăm của nhiều đoàn du khách. |
Đền Bạch Mã - Đông trấn từ nằm giữa khu phố cổ, nơi đây thờ thần Long Đỗ (vị thần được xem như thành hoàng của đất kinh thành Thăng Long xưa). |
Cuối cùng trong hành trình tứ trấn sẽ là đền Kim Liên (trấn giữ phía Nam, phường Phương Liên, quận Đống Đa).
Đền thờ Kim Liên - Nam trấn từ. |
Tổng cộng quãng đường đạp xe qua 4 trấn của nội đô Hà Nội thường chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ cho chiều dài trên dưới 10 km (không tính thời gian dừng lại lễ đền, thưởng ngoạn).
Ngày xuân thong dong đạp xe dạo phố, du xuân chúc Tết người thân và dâng lễ tứ trấn là thú vui tao nhã đầu năm mới của hầu hết người Hà Nội. |
Hà Nội là một trong số ít thành phố ngàn năm tuổi có hàng trăm di tích rất đáng để tham quan. Mà điều thú vị là để thăm thú các địa danh chỉ cần đạp xe, vừa đạp vừa ngắm đường phố rất thi vị. |
Những nét đẹp cổ xen lẫn phong vị hiện đại rải rác trên khắp phố phường - nơi mà các du khách đạp xe qua. |
Vừa dạo phố vừa dừng lại ở các điểm di tích, thắng cảnh để chụp cho nhau những bức hình tuyệt đẹp là lệ quen của bao người Hà Nội, dù trẻ hay già, dù nam hay nữ. |
Hai cô gái trẻ trên phố Hà Nội du xuân và tự chụp ảnh lưu niệm đầu năm. |
Nếu như cảnh đẹp của đền tây trấn Voi phục nơi thờ Linh Lang thần (người có công đánh dẹp quân Tống trên đất Thăng Long xưa) là không gian xanh mướt, mênh mông, thư thái, khoáng đạt xen lẫn với sự trầm mặc của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi...
Hồ Thủ Lệ, đền Voi phục. |
Những góc xuân cổ kính, rêu phong nhưng vẫn đầy rộn rã của Tây trấn từ - Đền Voi Phục. |
... thì vẻ đẹp của đền bắc trấn Quán Thánh nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ (người có công giúp vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa) lại là sự sầm uất, uy nghi, sang quý.
Khói nhang thơm ngát nơi cửa Đền Quán Thánh - Xuân Quý Mão. |
Tượng thờ Huyền Thiên Trấn Vũ nhìn từ cửa vào - Bắc Trấn từ, cao gần 4 m, nặng xấp xỉ 4 tấn, được đặt trên tảng đá cẩm thạch cao 1,2 m uy nghi. |
Góc cổ uy phong ở Bắc trấn từ. |
Trong đền còn có pho tượng đồng đen được đúc từ thế kỷ 17, cao xấp xỉ 4m nặng khoảng 4 tấn vừa cổ xưa lại vừa độc đáo.
Tượng Huyền Thiên Trấn vũ có vóc dáng và sắc thái vừa nghiêm nghị vừa bình thản. Hai bàn chân tượng để trần, người dân đi lễ xoa tay vào chân tượng mong khấn cầu được linh nghiệm. |
Đông trấn Bạch Mã nằm ở trung tâm phố cổ, chỉ cách đền Quán Thánh chừng 2 km.
Đền Bạch Mã được xem là ngôi đền cổ nhất Hà Nội với nhiều dấu tích, biên sử rõ ràng. |
Nội thất đền được tu sửa, gìn giữ cẩn thận mang vẻ đẹp cổ kính đầy giá trị lịch sử. |
Không gian đền nhỏ nhắn, diện tích khiêm tốn song đây lại là ngôi đền cổ xưa nhất thủ đô, có lưu dấu tích niên đại xây dựng, là nơi linh thiêng và quan trọng bậc nhất với người dân thủ đô. Bởi, nơi đây thờ thần Long Đỗ, vị Thành hoàng của Thăng Long xưa.
Lệ xưa, cứ đầu năm thì các vị vua đều đến đây để dâng lễ cầu quốc thái, dân an. Thế nên cũng từ bao đời nay, cứ Tết đến xuân về là người Hà Nội lại đi vòng quanh cho đủ tứ trấn dâng lễ. |
Đền Bạch Mã có tượng Bạch Mã trắng muốt, uy nghi ngay trung tâm đền, trước khi vào khu thờ tự thần Long Đỗ. |
Đền được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 mang đầy đủ đặc sắc của công trình kiến trúc cổ xưa từ hệ thống mái “vỏ cua” (hình mai con cua), huyệt thông âm (tức đền có một giếng ở bên phải đền, giếng huyệt chính là âm) cùng hạc thờ, kệ thờ, sắc phong và các bia đá tạc lại các lần tu sửa đền…
Đôi phỗng ở Đền Bạch Mã. |
Giếng cổ ở đền Bạch Mã - Huyệt thông âm. Đây là một dấu tích cổ linh thiêng trong văn hóa và tâm linh của người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung. |
Đền Kim Liên - địa danh cuối cùng trong hành trình du xuân tứ trấn của thủ đô. Đền nằm ở phía Nam Hà Nội, thờ thần Cao Sơn (vị thần phù độ cho việc canh tác của bà con, giảm trừ thiên tai, tật họa), là ngôi đền trấn giữ phía Nam của thành Thăng Long xưa.
So với 3 ngôi đền trong tứ trấn thì Đền Kim Liên được xây dựng muộn nhất (vào khoảng thế kỷ 16, 17).
Mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn, đền Kim Liên cũng là nơi lưu giữ nhiều cổ vật là các đạo sắc phong từ thời Lê (Lê trung hưng), thời Nguyễn…
Cổng đền Kim Liên. |
Tọa lạc trên những địa thế trọng yếu - huyệt, mạch của đất kinh kỳ, 4 ngôi đền trấn giữ bốn phía Đông - Tây - Nam - Bắc của thủ đô đầy ắp sự linh thiêng.
Đền Bạch Mã. |
Cổng vào Đền Kim Liên, Đền Bạch Mã, Đền Quán Thánh, Đền Voi Phục. |
Đây từng là nơi các vị vua dâng lễ đầu năm để cầu quốc thái, dân an, cuộc sống ấm no, mùa màng bội thu. Đây cũng là nơi đã từng ứng nghiệm biết bao điều tốt đẹp và mang đến sự phồn thịnh cho bao thế hệ người dân Hà thành.
Chính vì vậy mà việc đi lễ tứ trấn những ngày đầu năm đã thành lệ, từ bao đời nay vẫn vậy. Phàm đã là người sinh ra, lớn lên hoặc lập nghiệp tại đất kinh kỳ thì việc đi lễ tứ trấn cầu bình an, cầu tài lộc, cầu sức khỏe, may mắn là điều không thể thiếu.
Sự bình yên rực rỡ trong từng nếp nhà mà chỉ ngày xuân mới cảm nhận được khi thong thả đạp xe trên phố ở một trong những thủ đô lâu đời đông dân và lớn nhất thế giới này. |
Những mẹt hàng sắc màu làm quà may mắn cho những người dạo phố, du xuân. |
Thế kỷ 21, trong một thành phố có cả chục triệu dân với guồng quay gấp gáp và bộn bề, để có được một cung đường không khói bụi, không chen lấn, đủ đẹp, đủ rộng, đủ thưa người, tràn đầy gió xuân, nắng ấm và ăm ắp những nụ cười là một việc không hề dễ dàng.
Những khuôn hình tuyệt đẹp... |
Không thể bỏ lỡ... |
Thế nên, thật không nên bỏ lỡ những ngày xuân thong thả như thế - đạp xe một vòng quanh tứ trấn của Thăng Long thành, thành tâm biện lễ, dâng hương, kính sớ, nguyện cầu cho vạn sự khởi đầu của bốn mùa được thuận lợi, hanh thông. Hơn cả là một thú vui đây còn là một cách tận hưởng không khí mùa xuân thật sự tao nhã của người dân thủ đô.
Ảnh: Chu Tuấn, Quế Anh, Hương NT