Đưa chiến đấu cơ tàng hình đến Biển Đông, Trung Quốc muốn gì?

19/04/2022 07:02 GMT+7

Sau hàng loạt động thái tăng cường sức mạnh không quân ở Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục thêm bước mới khi điều động chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20 đến vùng biển này.

Tờ Hoàn Cầu thời báo mới đây đưa tin Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-20 tập luyện và tuần tra ở Biển Đông, biển Hoa Đông.

Diễn biến quan trọng

Trả lời Thanh Niên hôm qua (18.4), ông Greg Poling, Giám đốc chương trình AMTI - Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), đánh giá: “Việc điều chiến đấu cơ J-20 tham gia huấn luyện và tuần tra trên Biển Đông từ các căn cứ ở miền nam Trung Quốc là một diễn biến quan trọng. Bởi J-20 là chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình, nên về nguyên tắc thì chiếm ưu thế hơn các dòng chiến đấu cơ thế hệ 4 mà các nước quanh Biển Đông đang sử dụng dù đây là các lực lượng không quân tốt nhất ở Đông Nam Á”.

Chiến đấu cơ J-20 trong một lần xuất hiện

Chinamil.com.cn

Ông Poling phân tích thêm: “Diễn biến này có lẽ tạo ra một thách thức lớn cho Việt Nam cũng như các nước có vị trí gần với các căn cứ mà Trung Quốc sẽ đồn trú J-20. Loại chiến đấu cơ này ban đầu có thể chủ yếu hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, chứ chưa thể tiến về phía nam, ở khu vực quần đảo Trường Sa. Vì quá trình tiến về phía nam đòi hỏi các điều kiện tiếp nhiên liệu trên không hoặc phải cất hạ cánh ở các đường băng mà J-20 chưa được thử nghiệm ở Trường Sa”.

Từ năm 2016, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đã xây dựng xong đường băng dài 3.000 m, nhà chứa máy bay cỡ lớn… ở 3 đảo nhân tạo Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi nằm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Sau khi hoàn thiện các hạ tầng vừa nêu, Bắc Kinh liên tục điều động các chiến đấu cơ, máy bay trinh sát và máy bay vận tải quân sự đến các đảo nhân tạo trên.

“Trung Quốc chưa hạ cánh J-20 trên các đường băng đó và có thể họ sẽ thử nghiệm như cách từng thử nghiệm với các dòng chiến đấu cơ cũ hơn là J-10 và J-11”, theo ông Poling.

Ý đồ của Bắc Kinh

Cũng trả lời Thanh Niên vào hôm qua, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy tại Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) nhận định Trung Quốc có 3 mục đích khi điều động chiến đấu cơ J-20 tuần tra ở Biển Đông.

“Về mặt chính trị và chiến lược, động thái trên báo hiệu chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình của Trung Quốc có đủ số lượng để tiến hành các hoạt động chiến thuật quan trọng thường xuyên”, cựu đại tá Schuster đánh giá và phân tích thêm: “Về mặt quân sự, các chuyến bay cấu thành quá trình huấn luyện làm quen liên quan 2 yêu cầu hoạt động: Thứ nhất, các phi công đang bay qua các khu vực hoạt động tiềm năng trong tương lai, làm quen với điều kiện môi trường khu vực hoạt động được chỉ định và các điểm điều hướng chính; Thứ hai, các phi công Trung Quốc đang được huấn luyện thực tế các mô hình đối tượng trên không và trên biển; và vị trí, hình ảnh radar và dấu hiệu điện tử của các mục tiêu tiềm năng hiện diện trong khu vực mà Trung Quốc đang hoạt động”.

Theo ông, yêu cầu thứ 2 vừa nêu có ý nghĩa trực diện với những bên đang hiện diện ở vùng biển này, đặc biệt là quân đội Mỹ.

“Chỉ dấu chính trị của các chuyến bay sẽ có tác động chiến lược tức thì lớn nhất vì củng cố thêm lo ngại về các ý định trong tương lai của Trung Quốc ở Biển Đông, biển Hoa Đông và khu vực eo biển Đài Loan”, ông Schuster nhận xét thêm và dự báo: “Diễn biến trên cũng gây tác động lâu dài. Cả quân đội Mỹ và các bên trong khu vực đều dự báo từ sớm về động thái trên của Trung Quốc khi Bắc Kinh từ năm 2017 đã tuyên bố J-20 chính thức hoạt động. Vì thế, các nước trong khu vực tìm cách đẩy nhanh tiến độ nâng cấp phòng không, mở rộng huấn luyện phòng không và thay đổi biện pháp để đối phó mối đe dọa khi Trung Quốc triển khai J-20 đến Biển Đông”.

Chính thức biên chế cho không quân Trung Quốc từ năm 2017, J-20 được xem là dòng chiến đấu cơ hiện đại nhất của nước này, thuộc thế hệ thứ 5 và có khả năng tàng hình. Vì thế, đây là dòng chiến đấu cơ được Trung Quốc so sánh với các loại chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ hiện nay. Về kiểu dáng thiết kế, J-20 khá giống với F-22 nên nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã “sao chép” chiến đấu cơ Mỹ.

Kể từ khi được biên chế đến nay, J-20 từng được Trung Quốc điều động đến khu vực gần biên giới với Ấn Độ vào năm 2020 sau khi quân đội 2 bên xảy ra đụng độ dẫn đến thương vong.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.