Đưa nhà hát Việt lên YouTube

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/05/2020 08:22 GMT+7

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) đang xây dựng kế hoạch để đặt hàng các nhà hát đưa chương trình nghệ thuật lên YouTube.

Bộ VH-TT-DL vừa có cuộc họp bàn về giải pháp tổ chức các hoạt động biểu diễn sau Covid-19. Theo đó, các nhà hát sẽ được hỗ trợ để hoạt động trở lại từ 23.5 này.
Trong số các giải pháp, có việc hỗ trợ đưa các chương trình lên mạng. “Việc đưa chương trình lên YouTube vốn không có trong kế hoạch mà là chúng tôi xin chuyển đổi nguồn sử dụng vì dịch bệnh. Sau dịch, xu hướng hưởng thụ nghệ thuật có chiều hướng thay đổi, nên Bộ xây dựng kế hoạch có nhà hát trên YouTube để đáp ứng”, ông Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nói. Ông Vinh cũng cho biết toàn bộ 12 nhà hát thuộc Bộ sẽ tham gia kế hoạch này.

Lo mất khán giả trực tiếp

Mặc dù vậy, không phải không có những nghi ngại về việc đưa chương trình biểu diễn lên mạng. Nhiều nghệ sĩ lo lắng đưa chương trình lên mạng liệu có giữ được sức hút rất riêng của sân khấu khi đến nhà hát xem hay không. Họ cũng lo vấn đề bản quyền sẽ bị xâm phạm. “Truyền hình có cả nhà hát truyền hình rồi mà có ai xem đâu. Còn online làm mất bản quyền thì nhà hát lấy tiền đâu ra mà tái đầu tư cho sáng tác? Chả có nhà hát nào trên thế giới làm thế cả. Sân khấu có một con đường riêng. Nếu làm thế là tự hủy hoại mình, tự hủy bát cơm của chính mình”, một nghệ sĩ kịch nói nổi tiếng bày tỏ.
Đưa nhà hát Việt lên YouTube1

Trailer vở Tin ở hoa hồng của Nhà hát Tuổi trẻ trên YouTube

Nhiều nghệ sĩ lo lắng việc dàn dựng tập vở cả vài tháng trời, rồi chỉ sau khoảnh khắc bấm nút đưa lên mạng họ có khả năng không thu lại được gì. “Nếu nhà hát có Facebook thì có thể đưa lên một chút hình ảnh, trailer của vở diễn để kích cầu. Còn đưa vở diễn, chương trình lên cả thì không ổn. Truyền hình đã “giết” sân khấu rất khủng khiếp rồi, bây giờ còn tự dâng nốt mạng sống cho YouTube nữa thì khó tồn tại”, nghệ sĩ này nói tiếp.
NSND Hoàng Quỳnh Mai, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, cũng tỏ ý lo ngại việc đưa chương trình lên mạng sẽ làm mất đi khán giả trực tiếp. Mặc dù vậy, bà thừa nhận việc này sẽ giúp quảng bá cho nhà hát. “Nếu đưa thì chỉ đưa đoạn ngắn, trích đoạn thôi. Đưa lên cả vở thì khán giả ngồi nhà xem chứ đến rạp làm gì. Hoặc có thể đặt hàng các tiểu phẩm, trả tiền trọn vẹn và chúng tôi làm đưa lên online thì chúng tôi hoàn toàn làm được. Chứ xem cả vở online thì sân khấu chết luôn”, bà Mai nói.

“Ban đầu chưa ổn nhưng sau sẽ ổn”

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, lại cho rằng quan trọng là cần bàn kỹ việc đưa nội dung cụ thể gì lên. “Nếu Covid-19 còn kéo dài thì dự án đó là một ý tưởng không tồi. Để triển khai, cần phải biết mình làm cho ai, đối tượng nào, chương trình gì, thời lượng bao nhiêu cho phù hợp. Vì rõ ràng ở sân khấu khác với trên mạng. Nhìn lạc quan thì Covid-19 là cú hích cho sự thay đổi bắt buộc với nhiều thứ, trong đó có các nhà hát”, ông Bắc nói và tự tin: “Các nhà hát, các nghệ sĩ của nhà hát đều là người có nghề, cũng lăn lộn trên thị trường nhiều nên chắc không để việc thiếu tính toán xảy ra”.
Theo ông Bắc, việc xây dựng chương trình cũng song song với việc các nhà hát xây dựng dữ liệu khán giả. Đây là việc ông đang làm với nhiều kênh nội dung biểu diễn. Chương trình có thể làm offline rồi mới cho online sau khi đã biên tập. “Đầu tiên là miễn phí, sau đó thì có tiền quảng cáo, sau đó nữa có thể trả tiền để xem các chương trình mới. Ban đầu chưa ổn nhưng sau sẽ ổn. Chẳng hạn, tối nay diễn ra một chương trình mới có các ngôi sao biểu diễn, khán giả đi xem sẽ phải trả tiền; rồi 2 tháng sau chương trình mới phát online”, ông Bắc nói.
Ưu tiên cho nghệ thuật truyền thống
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đánh giá cao tác động của chính sách đưa nhà hát lên YouTube đối với nghệ thuật truyền thống. Theo ông Long: “Đưa các trích đoạn chèo tuồng lên mạng thì quá ổn. Nó sẽ đưa nghệ thuật truyền thống đến gần công chúng hơn. Trong đó nên chú ý phần diễn giải và có phụ đề tiếng Anh để mọi người hiểu, cả người Việt Nam và nước ngoài. Chúng ta mời các chuyên gia hàng đầu am hiểu về nghệ thuật truyền thống soạn phần diễn giải cho ngắn gọn, súc tích”.
Ông Long cũng cho rằng nếu kinh phí hạn hẹp, nên ưu tiên cho nghệ thuật truyền thống. Cũng không nên đặt nặng vấn đề lượt xem cho các nhà hát, vì nếu nhà hát chỉ chạy theo view có thể sẽ làm hỏng chương trình. Mặc dù vậy, hiện tại nhiều kênh YouTube giới thiệu nghệ thuật truyền thống qua các trích đoạn có lượng view rất khả quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.